Hàng trăm chuyến bay bị hủy do tro bụi núi lửa Iceland, đe dọa tái diễn một thảm họa thứ hai trong lịch sử ngành hàng không thế giới; Nhật Bản xác nhận có thêm hai lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima số 1 bị tan chảy; NATO không kích dữ dội Libya... là những tin chính trong 24 giờ qua.

Hàng không liên tiếp hủy, hoãn

Một thảm họa tương tự năm 2010 đã khiến hơn 100.000 chuyến bay bị hủy, làm lỡ dở hành trình của hàng triệu người. (Ảnh: Reuters)

Khoảng 500 chuyến bay của các hãng hàng không British Airways (Anh), KLM (Hà Lan), Aer Lingus (Ireland)… đã bị hủy bỏ, sau khi đám mây tro bụi từ núi lửa Grimsvoetn ở Iceland lan rộng sang bầu trời nước Anh và khu vực phía bắc châu Âu hôm 24/5.

Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu cho hay, tro bụi từ Grimsvoetn cũng khiến các hoạt động hàng không tại Nauy bị gián đoạn, còn Đan Mạch phải đóng cửa một phần không phận. Dự kiến, đám mây tro bụi này sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang Thụy Điển trong ngày 25/5.

Mỹ chạy đua tìm người sống sót

Hãng tin AP cho hay, các nhân viên cứu hộ của Mỹ đang cố gắng tìm người sống sót trong đống đổ nát sau thảm họa lốc xoáy tràn qua thành phố Joblin, bang Missouri, trước khi những cơn bão khác ập tới.

Theo các con số thống kê mới nhất, vụ lốc xoáy đã làm 122 người thiệt mạng, 750 người khác bị thương. Thiên tai còn phá hủy nhiều ngôi nhà, trường học, và nhà thờ. Các quan chức Missouri cho biết, dự kiến số người tử nạn sẽ còn tăng lên.

Bầu trời Tripoli rực lửa

Cuộc chiến tại Libya có dấu hiệu leo thang trong thời gian tới. (Ảnh: Reuters)

Hôm 24/5, máy bay chiến đấu của NATO đã tiến hành hàng loạt vụ không kích vào thủ đô Tripoli của Libya, làm ít nhất 3 người thiệt mạng, 150 người khác bị thương. Đây được xem là trận bão lửa dữ dội nhất từ NATO nhằm vào quốc gia này kể từ đầu cuộc chiến tới nay.

Anh và Pháp đã triển khai máy bay trực thăng Apache và Tiger tại Libya nhằm tăng cường sức mạnh tấn công cho NATO. Tờ Guardian của Anh nhận định, việc triển khai Apache là dấu hiệu cho thấy chiến sự tại Libya sẽ leo thang trong thời gian tới.

Không ngừng tan chảy

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) hôm 24/5 cho biết, thêm hai lò phản ứng nữa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang có nguy cơ bị tan chảy hoàn toàn. “Khả năng tan chảy lõi thanh nhiên liệu bên trong lò phản ứng hạt nhân số 2 và số 3 là rất cao”, phát ngôn viên TEPCO cho hay.

Theo người phát ngôn này, tình trạng tại hai lò trên đang diễn biến tương tự như những gì đã từng xảy ra với lò phản ứng số 1. Điều này cho thấy, tất cả thanh nhiên liệu trong cả 3 lò phản ứng 1, 2, 3 đều có nguy cơ bị tan chảy.

Nổ nhà máy lọc dầu ở Iran

Tổng thống Iran đi thăm nhà máy Abadan. (Ảnh: Reuters)

Nhà máy lọc dầu Abadan ở phía tây nam Iran đã bất ngờ phát nổ, đúng lúc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đến thăm. Hãng tin Fars của Iran cho hay, vụ nổ xảy ra vì một trục trặc kỹ thuật, sau đó lửa bùng phát. Tuy nhiên, lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt được ngọn lửa.

Vụ nổ này làm ít nhất 2 người thiệt mạng, 22 người khác bị thương. Tuy nhiên, Tổng thống Ahmadinejad bình yên vô sự. Ông đã xuất hiện sau đó trên sóng truyền hình nhà nước, phát biểu đánh dấu ngày khánh thành nhà máy lọc dầu Abadan.

Mỹ gây thêm sức ép lên Iran

Hôm 24/5, Mỹ đã trừng phạt 7 thực thể nước ngoài theo luật trừng phạt Iran năm 1996, bao gồm: công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA của Venezuela, PCCI (Jersey/Iran), Royal Oyster Group (Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất - UAE), Speedy Ship (UAE/Iran), Tanker Pacific (Singapore), Ofer Brothers Group (Israel) và Associated Shipbroking (Monaco).
 
Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt lệnh trên với 16 thực thể và cá nhân nước ngoài khác có làm ăn giao dịch với Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên liên quan tới các hàng hóa và công nghệ, mà Washington cho rằng có thể được dùng để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc tên lửa.

"Đua nhau" đánh bom liều chết

Bệnh viện Kandahar, nơi tiếp nhận các ca thương vong trong vụ đánh bom hôm 24/5. (Ảnh: AP)

Một quan chức y tế thuộc bệnh viện Kandahar (tỉnh Kandahar, miền nam Afghanistan) xác nhận hôm 24/5, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 30 người khác bị thương trong một vụ đánh bom ven đường ở tỉnh này. Số người chết có thể còn tăng do nhiều người bị thương đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Cùng ngày, một kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung thân mình bên ngoài trụ sở của cơ quan an ninh ở Almaty của Kazakhstan, gây ra nhiều thương vong. Các nhân chứng cho biết, một chiếc xe bên trong có một hoặc hai người đã phát nổ bên ngoài lối vào sở chỉ huy trên.

Dừng giao tranh đẫm máu ở Yemen

Các lực lượng chính phủ và bộ lạc có vũ trang ở Yemen đã đạt được một thỏa thuận hòa giải, nhằm chấm dứt giao tranh ở thủ đô Sanaa. Trước đó, cuộc đụng độ dữ dội giữa hai bên đã làm 14 binh sỹ đã thiệt mạng và 42 người khác bị thương.

Những người biểu tình đã cố giành quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ, đốt phá trường học và trụ sở hãng thông tấn Saba. Súng máy và lựu đạn đã được sử dụng trong các vụ đụng độ này. 

  • Thanh Vân (Theo Reuters, AP, Kyodo)