Có tin nói sau khi ông Jang Song Thaek bị xử tử, hàng trăm người thân của ông này cũng phải vào tù; Đảng Dân chủ tại Thái Lan tuyên bố tẩy chay bầu cử tới... là những tin nóng.

Nổi bật

Trang tin tức Daily NK ngày 20/12 dẫn lời một nguồn tin cho biết, sau khi ông Jang Song Thaek, người chú dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bị nhà chức trách nước này tiến hành xử tử hình hôm 12/12, nhiều người thân thích của ông Jang đã bị đưa đến các trại tù chính trị.

"Khoảng 10 giờ tối 13/12, một ngày sau khi ông Jang bị xử tử, nhiều người vũ trang từ bộ an ninh nhà nước bất ngờ tới khu Pyongchon ở Bình Nhưỡng, nơi nhiều người thân của Jang sinh sống", một nguồn tin nói. "Họ đã dẫn hàng trăm người đi. Tôi được biết, họ bị đưa đến trại tù chính trị".

{keywords}

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ ông Jang Song Thaek. (Ảnh: AP)

"Không chỉ họ hàng gần, mà cả những người có họ xa với nhà ông Jang, chẳng hạn như họ hàng với cha ông ấy cũng bị bắt đi", nguồn tin trên nói thêm với trang tin Daily NK. "Trong tình cảnh như thế này, thậm chí những họ hàng của ông ấy ở ngoài thủ đô Bình Nhưỡng cũng chẳng an toàn".

Theo nguồn tin, mọi người bất ngờ khi biết ông Jang bị xử tử, nhưng giờ họ còn thấy sợ hãi hơn khi nhiều gia đình bắt đầu biến mất trong đêm. Do các tội mà ông Jang bị cáo buộc là rất nghiêm trọng, một số người tin gia đình ông cũng sẽ bị xử tử, trong khi số khác đoán họ bị bỏ tù vĩnh viễn.

Cũng theo nguồn tin trên, ngay sau khi những thông tin về vụ ông Jang Song Thaek bị cảnh sát bắt giữ lan ra, một số người cảm thấy lo lắng rằng họ có thể bị trừng phạt do có liên quan tới ông Jang, tới mức họ tình nguyện tham gia các hoạt động lao động tại các nông trang hoặc trong các mỏ.

"Có vẻ họ đang cố tự trừng phạt để tránh bị xử nghiêm khắc hơn, nhưng họ khó mà thoát được theo cách đó. Tội của ông Jang là chống đảng, kết bè phái chống cách mạng, nên chắc chắn họ sẽ nói gia đình ông ấy thách thức chế độ. Và vì lý do đó, hình phạt nghiêm khắc đang chờ đón họ".

Tin vắn

- Liên hợp quốc đã kêu gọi chung tay hành động để đạt các mục tiêu toàn cầu giảm đói nghèo cùng cực, bệnh tật và các vấn đề xã hội, môi trường khác đến năm 2015.

- Tư lệnh không quân Indonesia cho biết, nước này sẽ mua 24 chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, nhằm hiện đại hóa hệ thống vũ khí phòng thủ chính của đất nước.

- Một tỷ phú người Trung Quốc đã mất tích tại thành phố Bordeaux (Pháp), sau khi chiếc máy bay trực thăng riêng của ông này bị cho là đã rơi xuống sông hôm 20/12.

- Trung Quốc vừa lên án chiến lược an ninh mới của Nhật Bản và cáo buộc đây là hành động tăng cường sức mạnh quân sự, "làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".

- Đảng Dân chủ đối lập chính tại Thái Lan ngày 21/12 đã lên tiếng tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử, vốn được xem là giải pháp cứu vãn khủng hoảng tại quốc gia này.

- Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đề xuất một kế hoạch mang tính thăm dò để cải cách đất nước, trong lúc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn.

- Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc quốc hội nước này không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Iran bởi điều đó có thể hủy hoại các nỗ lực ngoại giao.

- Ngoại trưởng Campuchia nói, sau khi chính trị Thái Lan ổn định, Campuchia sẽ đàm phán, thúc đẩy Thái Lan rút quân đội khỏi khu đất quanh ngôi đền Preah Vihear.

- Ngoại trưởng Nga cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad không gửi đến Nga yêu cầu đảm bảo an toàn của ông trong trường hợp ông rời khỏi chức tổng thống.

- Tổng thống Barack Obama chính thức đề cử Thượng nghị sĩ Max Baucus làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, thay Đại sứ Gary Locke sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.

Tin ảnh

{keywords}

Theo Gallup Korea, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc đã giảm xuống 48%. (Ảnh: Telegraph)

Kết quả thăm dò dư luận trên được công bố hôm 20/12. Đây là lần đầu tỷ lệ ủng hộ bà Park Geun Hye trong một cuộc khảo sát xuống dưới 50% kể từ tháng 4 tới nay.

Phát ngôn

Tổng thống Obama hôm 21/12 nói, Mỹ "bước vào năm mới với nền kinh tế mạnh hơn hồi đầu năm. Tôi tin chắc rằng, 2014 có thể là một năm đột phá cho nước Mỹ".

Sự kiện

Ngày 22/12/1988: Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Nam Phi, Cuba và Angola ký hiệp định đem lại nền độc lập cho Namibia, vốn là thuộc địa của Đức trong Thế chiến I.

Thanh Vân (tổng hợp)