- Báo chí Nhật Bản cho biết Trung Quốc nhiều lần rủ Nga hợp tác trong tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản; Mỹ cảnh báo bom kem đánh răng... là các tin nóng.

Nổi bật

Mạng tin CNA dẫn một bản tin trên tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản số ra ngày 6/2 cho biết, Nga đã từ chối một đề xuất của Trung Quốc về việc hợp tác trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị có cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi (Nga).

{keywords}
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, tâm điểm tranh cãi chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Bản tin cho biết thêm, Bắc Kinh đã nói rằng sẽ hỗ trợ Nga trong vấn đề tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ nay về chủ quyền đối với quần đảo Nam Kurils (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc). Đổi lại, Moscow sẽ ủng hộ Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông.

Đáng chú ý, đề xuất trên đã được Trung Quốc liên tục đưa ra kể từ năm 2010 nhưng đều bị phía Nga từ chối, báo Mainichi Shimbun dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Nga và Nhật Bản cho biết. Thông tin trên được báo Nhật đăng tải trước thời điểm ông Abe dự định dự lễ khai mạc Thế vận hội ở Sochi và hội đàm với ông Putin.

Nhiều khả năng tại cuộc hội đàm sắp tới này, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga sẽ thảo luận về quần đảo mà hai nước cùng tuyên bố có chủ quyền. Nhiều người tin rằng, mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa ông Abe và ông Putin, sẽ đem lại hy vọng cho tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền nhóm đảo trên giữa hai quốc gia.

Tin vắn

- Hàn Quốc lấy làm tiếc về việc Triều Tiên gắn việc đoàn tụ các gia đình ly tán với vấn đề quân sự, sau khi Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul hủy các cuộc tập trận chung Hàn, Mỹ.

- Triều Tiên hôm 6/2 cảnh báo, có thể xem xét lại kế hoạch tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán giữa 2 miền, nếu Mỹ, Hàn Quốc vẫn đẩy mạnh diễn tập quân sự hàng năm.

- Chính quyền Hàn Quốc mong muốn có thể ký kết thỏa thuận với Triều Tiên về việc xây dựng công viên hòa bình trong khu vực phi quân sự trên biên giới, theo hãng Yonhap.

- Chính quyền Moscow đang lên kế hoạch dời trụ sở các cơ quan liên bang và doanh nghiệp nhà nước về miền Viễn Đông, để đến gần hơn các khách hàng dầu mỏ ở châu Á.

- Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết ngày 6/2, phiến quân Syria đã giành quyền kiểm soát 80% nhà tù trung tâm thành phố Aleppo, giải thoát hàng trăm phạm nhân.

- Singapore bày tỏ quan ngại về việc Indonesia định dùng tên của hai binh sĩ tham gia vụ đánh bom một tòa nhà ở Singapore hồi năm 1965, để đặt tên cho một tàu hải quân.

- Hãng tin Reuters ngày 6/2 cho biết rằng, Chính phủ Syria cam kết đẩy nhanh tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Damascus, bất chấp trở ngại do xung đột trong nước.

- Chính phủ Mỹ cảnh báo các hãng hàng không Mỹ và các nước khác về khả năng khủng bố giấu thuốc nổ trong tuýp kem đánh răng trên các chuyến bay tới thành phố Sochi.

- Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bác bỏ đơn yêu cầu giải thể đảng cầm quyền Peau Thai, cũng như yêu cầu hủy kết quả bầu cử quốc hội ngày 2/2 của đảng Dân chủ đối lập.

- Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết nước này đã chuẩn bị để thay đổi lò phản ứng Arak, giúp xoa dịu các quan ngại của Phương Tây.

- Chính phủ Thái Lan sẽ thành lập lực lượng gồm 12 thành viên, nhằm bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ nằm trong danh sách bắt giữ của Tòa án hình sự nước này.

- Các nhà đàm phán của chính phủ Pakistan và Taliban ngày 6/2 đã bắt đầu tiến hành vòng đàm phán đầu tiên nhằm chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài 7 năm qua ở quốc gia này.

- Ngày 6/2, các quan chức cấp cao Campuchia cho biết nước này sẽ điều các binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đất nước Mali vào ngày 9/2 tới.

Tin ảnh

{keywords}
Nông dân Thái Lan biểu tình ở tỉnh Nonthaburi hôm 6/2. (Ảnh: THX)

Phát ngôn

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel nói, "bất kỳ tuyên bố nào của Trung Quốc về quyền hàng hải mà không dựa trên các đặc điểm đất liền đã được xác nhận, đều không phù hợp luật pháp quốc tế".

Sự kiện

Ngày 7/2/1991, ông Jean-Bertrand Aristide đã trở thành tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ ở nước Cộng hòa Haiti.

Ngày 29/2/2004, ông Aristide đã chạy khỏi Haiti, do phải đương đầu với cuộc nổi loạn dài 3 tuần lễ và áp lực quốc tế ngày một tăng.

Thanh Vân (tổng hợp)