Triều Tiên phản ứng giận dữ với Hàn Quốc, bất ổn tại miền đông Ukraina leo thang, cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert lĩnh án tù vì nhận hối lộ... nằm trong số những tin nóng trên thế giới trong ngày 13/5. 

Tin nổi bật

Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên gọi những bình luận của phía Hàn Quốc là sự khiêu khích "không thể chịu nổi" và chứng tỏ nước láng giềng phía nam muốn chiếm quốc gia phía bắc bán đảo.

Trong một thông điệp được báo chí nhà nước đăng tải, Ủy ban này tuyên bố Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc tấn công "mãnh liệt... toàn lực" để "tiêu diệt đến người cuối cùng" trong chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye.

{keywords}
Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại một chốt an ninh thuộc vùng phi quân sự ở Cheorwon ngày 13/5. (Ảnh: AP) 

Trước đó, ngày 12/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói Triều Tiên không phải là một nước thực sự và tồn tại vì lợi ích của một người duy nhất - ám chỉ Chủ tịch Kim Jong-un. Ông còn cáo buộc Triều Tiên không hề có nhân quyền và cũng chẳng có tự do.

Những bình luận của ông Kim được đưa ra tiếp sau một loạt những lời lẽ nhục mạ của Triều Tiên nhằm vào các lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết phía quân đội Triều Tiên không có bất kỳ các hoạt động tình nghi nào. Một quan chức Bộ này tuyên bố Hàn Quốc luôn sẵn sàng đẩy lùi mọi sự khiêu khích từ quốc gia phía bắc.

Seoul thường chỉ trích mạnh mẽ các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong đó có một số vụ thử rocket và tên lửa gần đây cùng hoạt động tình nghi chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân lần thứ 4. Tuy nhiên, bình luận từ Seoul ngày 12/5 là mạnh hơn thường lệ vì Hàn Quốc vẫn luôn tránh nói công khai về bất cứ điều gì có thể được hiểu là sự sụp đổ của chính phủ Triều Tiên do lo ngại Triều Tiên sẽ dấy căng thẳng. 

Tin vắn

- Ngày 13/5, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye một lần nữa xin lỗi người dân nước này vì cách xử lý chưa nhanh nhạy và hiệu quả của chính phủ trong thảm họa chìm phà Sewol khiến ít nhất 275 người thiệt mạng.

Nhiều nhà phê bình cho rằng, bà Park một lần nữa cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc là vì nữ Tổng thống chưa thực hiện được mong mỏi của phần lớn dân chúng trên cương vị người đứng đầu một nước.

- Cùng ngày, các công tố viên Hàn Quốc đã cho triệu tập chủ sở hữu Công ty Hàng hải Chonghaejin, hãng vận hành phà Sewol, vì liên quan đến các cáo buộc tham nhũng. Theo hãng thông tấn Yonhap, Yoo Byung-eun, 73 tuổi, được xem là chủ sở hữu không chính thức của Chonghaejin, đã xuất hiện tại văn phòng công tố trong sáng 13/5.

Theo các công tố viên, Yoo và các thành viên gia đình có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc tham ô, lơ là trách nhiệm, trốn thuế và hối lộ.

- Một tòa án ở Tel Aviv ngày 13/5 tuyên phạt cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert 6 năm tù giam vì tội nhận hối lộ liên quan tới một dự án phát triển bất động sản ở Jerusalem. Ông còn bị phạt 430.000 USD và bị thẩm phán khiển trách gay gắt.

Olmert sẽ kháng án nhưng nếu không thành, ông sẽ là cựu Thủ tướng đầu tiên của Israel đi tù kể từ khi nước này được thành lập.

- Hãng thông tấn Nga RIA Novost đưa tin, chính quyền "nhà nước Cộng hòa nhân dân" Donetsk và Luhansk đã bắt đầu đàm phán với Moscow về đề nghị xin được gia nhập Liên bang Nga, một ngày sau khi có kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý ở hai vùng này. 

- Theo tin từ Tân Hoa xã, Hạm đội Biển Đen của Nga thông báo sẽ tiếp nhận một tàu sân bay trực thăng lớp Mistral do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, hãng này cho biết Nga không tiết lộ thời điểm chính xác triển khai chiếc tàu chiến này.

- Ngày 13/5, Tổng công ty nhà nước Nga Rosatom đã đăng tải trên website công ty đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga về việc khôi phục hoạt động của tàu trinh sát, đối kháng điện tử cỡ lớn lớp Ural (Đồ án 1941).

Đây là lớp tàu trinh sát khổng lồ có một không hai trên thế giới từng hoạt động dưới thời Liên Xô. Dự kiến, người thắng cuộc gói thầu khôi phục tàu trinh sát lớp Ural sẽ được công bố vào ngày 9/7 tới.

- Chính phủ Nigeria tuyên bố sẽ để ngỏ các khả năng trong nỗ lực giải cứu 300 nữ sinh bị nhóm Boko Haram bắt giữ. Trong một tuyên bố ngày 13/5, Mai Momeri, Giám đốc Cơ quan thông tin của Chính phủ Nigeria, nói rằng nước này sẽ sử dụng tất cả các biện pháp, kể cả các giải pháp quân sự, dưới sự hỗ trợ của quốc tế để giải cứu các nữ sinh.

Ảnh ấn tượng

{keywords}

Trong một chuyến thăm tới Nhật Bản, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái cùng) yết kiến Nhật hoàng Akihito (thứ 3 từ bên trái), trong khi phu nhân Sara của ông Netanyahu (phải) trò chuyện với Hoàng hậu Michiko tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo. (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn nổi bật

Cáo buộc  EU theo đuổi một chính sách "vô ích và thiếu trách nhiệm" nhằm vào Nga sau khi Brussels tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: "Chúng tôi rất tiếc khi thấy các lệnh trừng phạt thể hiện sự tụt dốc không phanh. Tôi muốn nói rằng chính sách của họ [EU] là hoàn toàn vô ích, thiếu trách nhiệm và không liên quan thực tế". 

"Thay vì làm việc để cải thiện thực sự và xoa dịu tình hình [tại Ukraina], tước vũ khí của nhóm cực hữu Right Sector cũng như bắt đầu một cuộc đối thoại trực tiếp giữa giới chức tại Kiev và các khu vực thì các đồng nghiệp EU của chúng ta lại đang theo đuổi một chính sách một bên, một chiều, không thay đổi và không xứng đáng với Liên minh châu Âu", ông Ryabkov lên án thêm khi trò chuyện với các phóng viên tại một sân bay ở Vienna trước khi tham dự các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran.

Ngày này năm xưa

Ngày 14/5/1955, hiệp ước Warsaw của các nước XHCN ở châu Âu ra đời để làm đối trọng với khối NATO. 

Thanh Hảo