- Trung Quốc khẳng định về tự do hàng hải trên Biển Đông; Ngoại trưởng Philippines chính thức thăm Bắc Kinh; Báo Trung Quốc phê phán động cơ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông của Mỹ; Tai nạn kinh hoàng ở Ấn Độ... là những tin nóng hổi trong 24 giờ qua.

Thời sự trong ngày

Khẳng định từ Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 7/7 cho biết, tại cuộc gặp mới đây với người đồng cấp Nhật Bản Takeaki Matsumoto, Ngoại trưởng nước này Dương Khiết Trì đã tái khẳng định về tự do hàng hải trên Biển Đông.

Ông Dương Khiết Trì đã nói rằng, các tuyến hàng hải trên vùng biển xung quanh Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như các vùng biển lân cận gần lục địa châu Á, không bị cản trở. Ông trấn an, tàu bè sẽ tiếp tục tự do lưu thông trên các tuyến hàng hải này.



Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời chuyên gia Zhou Fangyin thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nước này phê phán các động thái của Mỹ trong tranh chấp ở vùng biển này.

Theo ông Zhou, với hàng loạt những động thái khuếch trương cho kế hoạch “trở lại Đông Nam Á”, Mỹ đã đưa ra một số cam kết với các nước trong khu vực dựa trên cơ sở phù hợp với lợi ích căn bản của những quốc gia này.

Chuyên gia Zhou Fangyin cho rằng, sự thân mật bất ngờ này đang khiến nhiều người lầm tưởng Mỹ vô tư giúp đỡ và sẵn sàng đứng ra bênh vực cho các nước này trong tranh chấp Biển Đông.

Ông này nhấn mạnh, động cơ thực sự khiến Mỹ nhúng tay vào Biển Đông chỉ bởi xuất phát từ lợi ích chiến lược của mình, chứ không vì che chở hay giúp đỡ cho Việt Nam và Philippines. Và sự can thiệp quân sự đó sẽ là một động thái hoàn toàn chủ động, xuất phát từ chiến lược và những toan tính lâu dài tại châu Á.

Chuyến đi Bắc Kinh

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.

Hôm 7/7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã tới Bắc Kinh để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc trong bối cảnh hai bên có căng thẳng liên quan tới quần đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Trong cuộc họp báo trước chuyến thăm, ông Del Rosario khẳng định lập trường kiên định của Philippines đối với Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Ông nói rằng, các nước nên hợp tác và thăm dò tài nguyên tại các khu vực tranh chấp.

Chỉ là tin đồn

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Hôm 7/7, Tân Hoa Xã đã bác bỏ bác bỏ tin nói cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã chết và khẳng định rằng đây hoàn toàn là "tin đồn". Trước đó một ngày, trên Internet đã xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng, nhà lãnh đạo 84 tuổi này đã qua đời.
 
Tân Hoa Xã nói rằng các tin đó dẫn lời "những nguồn tin không có thẩm quyền". "Tin tức gần đây của một số cơ quan truyền thông nước ngoài nói rằng ông Giang Trạch Dân đã từ trần vì ốm nặng hoàn toàn là tin đồn," Tân Hoa Xã khẳng định.

Kinh hoàng tàu đâm xe

Một nạn nhân trong vụ tàu hỏa đâm xe buýt ở Ấn Độ.

Báo chí Ấn Độ cho biết, sáng 7/7, một tàu hỏa đâm vào một xe buýt chở 80 người đi dự đám cưới ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc nước này. Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương.

Trong khi đó, tối 6/7, ít nhất 36 người đã bị mắc kẹt dưới một mỏ than ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sau khi xảy ra đám cháy do sự cố thiết bị nén không khí ở độ sâu 225m dưới lòng đất.

Phát ngôn đáng chú ý


Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

"Căng thẳng Philippines-Trung Quốc do sai lầm của bà Arroyo", Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 6/7 cho biết trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 113 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao.

Theo ông Aquino, việc bà Arroyo phê chuẩn gộp Reed Bank và một vùng biển lớn của Philippines vào Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung năm 2005 giữa nước này và các bên tranh chấp khác, đã khuyến khích Trung Quốc đòi kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Manila tuyên bố chủ quyền.

Ảnh đáng chú ý


Những đứa trẻ xếp hàng chờ được phân phát thức ăn ở Mogadishu, Somalia hôm 6/7/2011. Cảnh khô hạn và đói kém ở các tỉnh phía nam Somalia đã buộc hàng trăm hộ gia đình phải sơ tán về Mogadishu. (Ảnh: THX).

Ngày này năm xưa


8/7/1922 là ngày mất của nhà thơ Shelley Percy Bysshe người Anh. Ông là người có đầu óc tự do, say mê văn học, triết học có tư tưởng dân chủ quan điểm vô thần. Năm 19 tuổi ông bị đuổi khỏi đại học vì viết bản luận văn "Sự cần thiết của chủ nghĩa vô thần".

Sheli được xem là đại diện ưu tú của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng ở Anh. Thơ ông đề cao tuyên truyền cho tư tưởng cấp tiến, đề cao nhân dân và giải phóng nhân dân nhờ tình yêu và lý tưởng. Ông xây dựng những hình tượng anh hùng mới, anh hùng của nhân dân.

Thanh Vân (Tổng hợp)