- Nga khẳng định Iran chưa có công nghệ chế tạo tên lửa xuyên lục địa; Tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ sắp được đưa vào thử nghiệm trên biển... là những tin nóng trong 24 giờ qua.

Nổi bật trong ngày

Hãng tin Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Vadim Koval cho hay, Iran chưa có công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, ít nhất là trong ngắn hạn. Đây là phản ứng đầu tiên của Nga sau khi Iran tiến hành loạt vụ thử nghiệm tên lửa ở eo biển Hormuz.

Trước đó, hôm 2/1, Iran cho hay đã bắn thử 3 loại tên lửa giữa lúc căng thẳng giữa nước này và phương Tây đang leo thang. Hai trong số các tên lửa này, theo Iran, thuộc nhóm tầm xa, song tầm bắn tối đa là 200km. Tên lửa còn lại thuộc loại chống hạm có tầm bắn 35km.

Nga là nước có quan hệ mật thiết với Cộng hòa Hồi giáo, từng giúp Iran xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Trước giờ, Moscow luôn khẳng định chương trình hạt nhân của Iran hoàn toàn vì hòa bình và phản đối phương Tây mở rộng thêm lệnh trừng phạt với Tehran.

Iran bắn thử tên lửa trong khuôn khổ cuộc tập trận trên eo biển Hormuz. (Ảnh: THX)

Trong khi đó, theo các hãng tin quốc tế, Tổng thống Mỹ vừa ký lệnh trừng phạt cơ quan tài chính có giao dịch với ngân hàng nhà nước Iran, để gây sức ép lên chương trình hạt nhân nước này. Dự thảo về lệnh trừng phạt vốn đã được Quốc hội Mỹ thông qua từ tuần trước.

Theo đó, các cơ quan tài chính nước ngoài có giao dịch với ngân hàng trung ương Iran đều bị cấm mở hoặc duy trì hoạt động tại Mỹ. Lệnh cấm áp dụng đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài mua bán xăng dầu hoặc các chế phẩm khác từ xăng dầu với Tehran.

Phản ứng lại, nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ. Đồng thời ông tuyên bố rằng ngân hàng trung ương Tehran đủ mạnh, cũng như đủ tự tin để đánh bại bất cứ kế hoạch nào của "kẻ thù".

Trong một diễn biến khác, hôm qua, hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời Tư lệnh quân đội Iran Ataollah Salehi cho biết, Cộng hòa Hồi giáo sẽ hành động nếu tàu sân bay Mỹ trở lại khu vực vùng Vịnh. Chiếc tàu mà ông Salehi muốn nói đến là tàu USS John C. Stennis.

"Tôi thông báo, khuyên nhủ và cảnh báo họ không nên đưa tàu sân bay trở lại vịnh Persian, bởi vì chúng tôi không có thói quen cảnh báo thêm một lần nữa", ông Ataollah Salehi tuyên bố như vậy. Trước đó, vào ngày 29/12, tàu USS John C. Stennis đã đi qua eo biển Hormuz.

Cũng trong hôm qua, Iran đã yêu cầu quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Catherine Ashton đề xuất thời gian và địa điểm nối lại đàm phán hạt nhân giữa nước này với các cường quốc thế giới, vốn đã bị đình trệ từ một năm qua.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, một khi thời gian và địa điểm được EU công bố, Trưởng đoàn đám phán hạt nhân phía Iran và các nhà đàm phán nước này sẽ đưa ra quan điểm của mình và qua các kênh tiếp xúc, hai bên sẽ có được thỏa thuận cuối cùng.

Tin đọc 30 giây

- Theo báo Ấn Độ, tàu ngầm hạt nhân “Hủy diệt kẻ thù” do nước này chế tạo sẽ lần đầu được thử nghiệm trên biển vào tháng 2 tới.

- Một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại thành phố Kandahar của Afghanistan, khiến 5 người thiệt mạng, 16 người khác bị thương.

- Bộ Quốc phòng Philippines đang xem xét khả năng mua các loại vũ khí chống tàu mới và tăng cường năng lực giám sát hàng hải.

- Hơn 3 tháng sau khi lên nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản đã phải đối mặt với một cuộc bầu cử trước hạn do đảng đối lập kêu gọi.

- Tổng thống Tunisia cho hay giới chức nước này sẽ dẫn độ cựu Thủ tướng Libya về Tripoli để tiến hành xử tội lạm dụng quyền lực.

- Cảnh sát Los Angeles bắt giữ một nam giới tình nghi liên quan tới vụ cố ý đốt cháy 53 xe ôtô tại Hollywood và các khu vực lân cận.

- Mỹ đang nghiên cứu phát triển máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới thay phi cơ B-2, dự kiến đưa vào biên chế trong năm 2020.

- Bốn công dân Nhật Bản, trong đó có các chính trị gia, vừa đến thăm quần đảo tranh chấp với Trung Quốc tại vùng biển Hoa Đông.

- Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc nhóm chính trị gia Nhật Bản tới thăm quần đảo tranh chấp giữa 2 nước trên biển Hoa Đông.

- Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia cho hay, năm nay nước này sẽ cung cấp 4 phi cơ vận tải Hercules C-130 cho Indonesia.

- Ca sỹ nổi tiếng người Senegal, Youssou Ndour, tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống với Tổng thống đương nhiệm Abdoulaye Wade.

- Tổng thư ký Liên đoàn Arab kêu gọi người nổi dậy Syria chấm dứt bạo động khi quân đội nước này rút ra khỏi các khu vực dân cư.

- Hàng nghìn người thuộc cộng đồng Lou Nuer đã vào thị trấn Pibor của người Murle tại Jonglei ở Nam Sudan, đốt phá và cướp bóc.

- Chủ tịch Quốc hội Thái Lan tuyên bố, nước này sẽ thảo luận về bản dự thảo Hiến pháp mới và dự kiến hoàn tất trong vòng một năm.

- Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản làm giảm triển vọng quan hệ song phương do không chính thức chia buồn khi ông Kim Jong-il qua đời.

- Philippines cho hay, một dịch bệnh do nước bẩn đã khiến ít nhất 8 người chết ở các khu vực bị lũ lụt tấn công ở miền Nam nước này.

Thông tin trong ảnh

Hôm 2/1, hàng chục nghìn người đã tập trung tại thủ đô Budapest của Hungary để phản đối bản hiến pháp mới. (Ảnh: THX)

Họ đã nói gì?

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak. (Ảnh: Lexfridman)

Phát biểu ngày 2/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố gia tộc của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ còn cầm quyền tại Syria vỏn vẹn trong "vài tuần nữa".

"Nhà Assad chỉ còn cầm quyền không quá vài tuần lễ nữa ở Syria. Tình hình hiện nay khó có thể đánh giá được điều gì sẽ xảy ra sau khi chế độ Bashar sụp đổ", ông nói.

Ngày này năm ấy

Utah là một tiểu bang miền tây của Mỹ. Đây là bang thứ 45 gia nhập vào Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào ngày 4/1/1896.

Thanh Vân (Tổng hợp)