- Mỹ và phương Tây phản ứng thận trọng trước việc Syria chấp nhận đề xuất chấm dứt khủng hoảng; Tổng thống Nga nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc có tính chiến lược đặc biệt... là những tin nóng trong ngày.

Nổi bật trong ngày

Việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấp thuận đề xuất của đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Kofi Annan nhằm chấm dứt khủng hoảng, được Mỹ và phương Tây hoan nghênh trong thận trọng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Victoria Nuland đánh giá quyết định trên của chính quyền Syria là "một bước tiến rất quan trọng", song điều này cần phải được chứng minh thông qua những hành động cụ thể.

Trong khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton thì nhận định rằng, "chúng tôi sẽ đánh giá mức độ chân thành và nghiêm túc của ông al-Assad dựa trên những gì ông làm, không phải những gì ông nói".

Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton. (Ảnh: Getty)

“Nếu ông ấy sẵn sàng khép lại chương đen tối trong lịch sử Syria, ông ấy có thể chứng minh nó bằng cách lập tức yêu cầu lực lượng chính quyền ngừng bắn và bắt đầu rút quân khỏi các khu vực dân cư”.

Bà cho rằng, ông Assad phải cho phép viện trợ nhân đạo và chuẩn bị chuyển giao dân chủ. Bà kêu gọi các nhóm đối lập “phải đưa ra quan điểm thống nhất, một tầm nhìn về Syria mà họ muốn xây dựng”.

Đại sứ Mỹ tại Syria, ông Robert Ford cũng bày tỏ mối nghi ngại về tiến triển của tình hình hiện nay. Ông cho rằng, tốt hơn hết nên nhìn vào hành động thay vì lời nói suông của Tổng thống Bashar Assad.

Ông Ford cho rằng, ngoài các luồng thông tin được đưa trên báo chí, ông không thấy có bất cứ một chút thông tin nào là mới mẻ. "Chỉ trong vài ngày tới chúng ta có thể sẽ thấy rõ những gì ông Assad nói”.

Không chỉ phía Mỹ tỏ ra thận trọng với quyết định đầy bất ngờ trên của Chính phủ Syria, mà nhiều quốc gia phương Tây khác như Anh, Đức cũng thể hiện thái độ này, cho rằng đây là phép thử quan trọng.

Ngoại trưởng Anh đánh giá việc ông al-Assad chấp nhận đề xuất hòa bình là bước quan trọng, hướng tới chấm dứt bạo lực, song cho rằng việc đó phải được thực hiện một cách chân thành và nghiêm túc.

Tương tự, Đại sứ Đức tại Liên hợp quốc, ông Peter Wittig cũng tỏ thái độ thận trọng, khi nhấn mạnh rằng những hành động cụ thể trong thời gian tới của Chính phủ Syria sẽ chứng minh cho thiện chí của họ.

Tin đọc 30 giây

- Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ yêu cầu quốc hội nước này tăng ngân khoản hỗ trợ Israel để phát triển hệ thống phòng không di động.

- Các quan chức Nhật, Nga nhất trí hợp tác để ngăn chặn Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh vào tháng Tư tới.

- Nhóm BRICS nhất trí không tuân thủ bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào với Iran mà có thể gây thiếu hụt nguồn cung dầu.

- Tổng thống Nga nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc có tính "chiến lược đặc biệt" và hai nước thường xuyên trao đổi cấp cao.

- Hai vụ nổ bom liên tiếp đã xảy ra tại một cây cầu ở Theinni thuộc bang Shan của Myanmar, ngay trước thềm bầu cử bổ sung.

- Tổng thống Bolivia Evo Morales dọa đóng cửa sứ quán Mỹ tại nước này vì phát hiện vũ khí trên một xe tải của sứ quán Mỹ.

- Australia cho phép Mỹ dùng lãnh thổ làm căn cứ cho các máy bay không người lái Mỹ tiến hành do thám ở Thái Bình Dương.

- Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ một kẻ tình nghi thuộc al-Qaeda, điều hành một diễn đàn chuyên tuyển mộ "thánh chiến".

- Thủ tướng Canada tuyên bố chi 367 triệu USD trong vòng 5 năm, để đóng góp vào nỗ lực quốc tế bảo đảm an toàn hạt nhân.

- Trung Quốc đã kêu gọi các nước thận trọng sau khi Mỹ tiết lộ kế hoạch thiết lập các lá chắn tên lửa tại châu Á và Trung Đông.

Thông tin trong ảnh

Hôm 28/3, một đám cháy đã thiêu rụi 200 căn nhà ở Quezon, Philippines. (Ảnh: THX)

Phát ngôn ấn tượng

Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hôm 27/3, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng, sẽ là "thiển cận" khi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ được giải quyết, nếu Tổng thống Bashar al-Assad chấp nhận từ chức.

"Ý nghĩ rằng việc ông Assad ra đi sẽ loại bỏ mọi vấn đề là quan điểm hết sức thiển cận và mọi người đều hiểu rằng nếu điều này xảy ra thì cuộc xung đột vẫn tiếp tục", ông Medvedev nói.

Ngày này năm xưa

Ngày 29/3/2004, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia và Slovenia trở thành thành viên đầy đủ của NATO.

Thanh Vân(Tổng hợp)