Sau gần 20 năm triển khai, khu công nghệ cao Hòa Lạc (CNC) đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại khiến nhà đầu tư bức xúc, bởi giữa khu công nghệ cao phải dùng nước giếng tự khoan hay đầu tư 30 tỷ đồng bus.
Còn nhiều dang dở
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Khu CNC Hòa Lạc đã đạt một số kết quả nhất định, dần có một hình hài của khu CNC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập mà Thủ tướng ví von “20 tuổi vẫn còn bú sữa”.
Thủ tướng đánh giá, số lượng dự án CNC còn quá ít so với các khu CNC và ngay cả với các khu công nghiệp điện tử. Không chỉ hạ tầng kỹ thuật mà hạ tầng xã hội còn nhiều vấn đề như nhà ở, bệnh viện, thiết chế văn hóa.
Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta có mục tiêu trở thành thung lũng Silicon của Việt Nam thời gian tới hay không?”. “Chuỗi giá trị của sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam tham gia nằm ở đâu từ CNC Hòa Lạc?”, “Thế giới có 800 khu CNC thì ta đang ở đâu?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: VGP |
Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT, cho biết, khu CNC thành lập hơn 20 năm nhưng thực trạng vẫn chưa xứng với thời gian và tâm huyết của nhiều lãnh đạo. Tỷ lệ các công trình khởi công vẫn còn thấp. Đại học FPT đến nay vẫn đang sử dụng nước giếng tự khoan, chất lượng chưa đảm bảo.
Lãnh đạo Tập đoàn FPT nhìn nhận, hạ tầng phải bảo đảm sinh hoạt, đời sống thì mọi người mới đến, do đó bệnh viện, nhà ở, giao thông cho người làm việc trong khu rất quan trọng. Ông cho biết, FPT phải dành khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm cho xe buýt vận chuyển người lao động.
Cần hỗ trợ giá phí sử dụng đất, phí hạ tầng cần có chính sách ưu đãi cụ thể mới thu hút được nhà đầu tư - ông Ngọc đề xuất.
Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói rằng Viện có 3 công trình đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, lớn nhất là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với số vốn 600 triệu USD. Viện Hàn lâm mong muốn sớm ổn định hạ tầng bởi có khu công nghệ, nhưng điện không ổn định là cả loạt sản phẩm bị hỏng.
Đại diện Tập đoàn VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, cũng bày tỏ mong muốn có tuyến xe buýt nhanh, kết nối giao thông từ trung tâm thành phố đến Khu CNC.
“Không để kéo dài sang tuổi thứ 21”
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, thời gian qua, Khu CNC Hòa Lạc tập trung nhiều vào công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng nên việc thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như mong đợi. Công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ và kéo dài, đến nay sau 20 năm thành lập vẫn chưa xong.
Hiện vẫn còn 243 ha chưa GPMB. Công tác GPMB chậm trễ và kéo dài 15 năm đã phát sinh rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư, dẫn tới việc sử dụng đất đai và nguồn vốn đầu tư chưa đạt hiệu quả.
Thủ tướng tham quan một số doanh nghiệp tại Khu CNC |
Nguồn kinh phí để GPMB rất lớn, ước tính khoảng 6.242 tỷ đồng, đến nay mới bố trí được 3.021 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 3.221 tỷ đồng để GPMB toàn bộ diện tích 243 ha còn lại của khu CNC và hoàn thành xây dựng tái định cư, khu đất dịch vụ.
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, theo quy hoạch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được tổ chức xây dựng theo hướng đầu tư một lần đồng bộ cho toàn khu, nhưng thực tế lại được triển khai theo nhiều giai đoạn, thiếu đồng bộ. Lý do: Ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được tổng số vốn đầu tư lớn trong một thời gian ngắn và tình trạng GPMB xôi đỗ, không liền khoảnh.
Trước những vấn đề còn vướng mắc, Thủ tướng đã có chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc cho Khu CNC Hòa Lạc. Về vốn cho giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu TP. Hà Nội cùng với Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phải giải phóng mặt bằng xong trong năm 2017, “không để kéo dài sang tuổi thứ 21”.
Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng phương án bổ sung đủ vốn để giải phóng mặt bằng và tiến tới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hòa Lạc.
TP. Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ, xắn tay áo vào làm, như xây khu tái định cư, vận động nhân dân, xây dựng hệ thống bên ngoài Khu CNC như điện, nước, đường giao thông. Thủ tướng lưu ý Thành phố mở tuyến xe buýt đến khu CNC, tạo điều kiện cho công nhân đi làm, không để doanh nghiệp phải bỏ ra 30 tỷ đồng để làm việc này.
Thủ tướng nêu rõ Chính phủ ủng hộ chủ trương ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển nhanh tiềm lực khoa học và công nghệ tại Khu CNC Hòa Lạc, trước mắt tập trung đầu tư phát triển khu nghiên cứu và triển khai. Thủ tướng đồng ý việc Khu CNC Hòa Lạc phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ vào Khu CNC.
Về cơ chế chính sách, Thủ tướng cho biết sẽ sớm ban hành Nghị định, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc.
Đến nay, khu CNC Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 3 trường ĐH với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 60 nghìn tỷ đồng.
Tính riêng năm 2016, ban quản lý thu hút được 9 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4.330 tỷ đồng trên diện tích 15,2 ha. Tới nay, đã có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người làm việc và học tập, 12 dự án đang xây dựng và 30 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 2,436 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu là 1,165 tỷ USD và xuất khẩu là 1,271 tỷ USD.
Nam Hải