Không chỉ ở Việt Nam mới có chuyện rắc rối khi chọn tên cho con, mà chính phủ các nước trên thế giới, đặc biệt ở phương Tây, cũng có rất nhiều lý do để quy định và điều chỉnh cách đặt tên cho trẻ em.
Ảnh minh họa |
Những tên bị cấm
Lucifer, V8, Anal, Christ là một trong số những cái tên bị Bộ Nội vụ New Zealand từ chối đăng ký khai sinh. Nước này gần đây đưa ra danh sách những cái tên không được phép đăng ký trong mười năm qua. Phó phòng hộ tịch Ross McPherson cho biết, dù không cấm nhưng vẫn có những ký tự không được phép sử dụng trong tên riêng như số 89, ký tự J, I, T hay dấu *.
Các điều luật quy định chọn lựa cả họ và tên đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Đan Mạch mong đợi các cặp vợ chồng mới sẽ đăng ký những cái tên được chấp nhận.
Bồ Đào Nha ban hành cả một danh sách tên cấm và được phép.
Thậm chí ở Ireland còn lập một uỷ ban gồm chuyên gia ngôn ngữ nhằm hạn chế bớt những cái tên “lạ”.
Phòng hộ tịch Đức cấm sử dụng hầu hết danh từ và tên địa danh, và cũng không đồng ý bất kỳ cái tên nào không chỉ rõ ràng giới tính của người sở hữu ví dụ như tên Kim. Các chuyên gia trong cộng đồng nói tiếng Đức đã thiết lập một đường dây trợ giúp tư vấn (có thu phí) đặt tên cho các bậc cha mẹ.
Chính phủ các nước lập luận rằng quy định đặt tên giúp trẻ em tránh rắc rối từ các tên ngớ ngẩn (như tên Sinbin), có thể đè nặng tương lai chúng sau này.
Họ cũng ngăn chặn các tên có khả năng dẫn đến hành vi gây hại cho người khác như tên Jesuswept chẳng hạn. Thậm chí, ở những nơi phòng hộ tịch không có quyền cấm, những lựa chọn tên họ đáng lo ngại có thể được gửi tới toà án hay cơ quan bảo vệ trẻ em để xem xét. Trong năm 2009, một cặp vợ chồng ở New Jersey (Mỹ) đã bị tước quyền nuôi một bé trai, sau khi họ đặt tên cho cậu là Adolf Hitler.
Ở New Zealand, tên riêng bắt chước theo các chức danh cao quý thường bị cấm nhiều nhất. Phòng hộ tịch luôn “làm vỡ mộng” các bậc cha mẹ mong muốn đặt tên cho con là Justice (công lý), King (vua), Prince (hoàng tử), Baron (nam tước) hay Duke (công tước).
Những quy định nghiêm ngặt ở Thuỵ Điển còn cấm đặt tên gia đình lặp lại những tên đã đăng ký sử dụng trước đó, theo lời ông Staffan Nyström tại đại học Uppsala (Thuỵ Điển). Yêu cầu đổi họ cũng phải thông qua văn phòng sáng chế ở địa phương.
Chế độ phụ hệ ở một số nước, như Ý, còn không cho phép phụ nữ đã kết hôn lồng tên thời con gái của mình vào tên con, thậm chí trong cả họ ghép (của bố và mẹ).
Theo thời gian, những quy tắc được nới lỏng. Pháp đã loại bỏ bớt danh sách tên gọi được chấp nhận vào năm 1993. Hai năm sau, Ireland chấm dứt yêu cầu người nhập cư phải tiếp nhận những cái tên địa phương. Hạn chế này đến từ lỗi kỹ thuật. New Zealand cho phép 100 ký tự cho tất cả tên riêng, bang Massachusetts hạn chế lại còn 40 ký tự.
Trung Quốc, Nhật Bản gặp khó khăn do tên có thể sử dụng ký tự cổ hay hiếm gặp, dẫn tới lỗi nhập liệu. Hầu hết các quốc gia đều cấm tên riêng viết theo bảng chữ cái nước ngoài, hạn chế sử dụng các dấu phụ đặc trưng.
Ông Carlton Larson, thuộc trường đại học California, cho biết phòng hộ tịch bang này rất bất thường khi cấm tất cả các dấu chấm và những nét ngoằn ngoèo xuất hiện trong tên họ. Do đó, hầu hết cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha ở bang California đều không thể đặt tên thánh cho bé trai là José.
Tuy vậy, Mỹ và Anh là hai quốc gia có những điều luật đặt tên thoáng nhất: chấp nhận những cái tên có thể đánh vần bằng các ký tự chuẩn. Khảo sát của hai nhà kinh tế Roland Fryer và Steven Levitt cho thấy phụ huynh da đen là những người sáng tạo nhất khi có đến 30% các cô gái da đen ở California những năm 90 thế kỷ trước sở hữu tên riêng không hề “đụng hàng” với những đứa trẻ khác cùng năm sinh trong bang.
Tác động ngầm
Cái tên có tạo nên sự khác biệt? Nghiên cứu năm 2002 cho thấy cá nhân có thể bị ảnh hưởng một cách vô thức từ cái tên của mình. Có một tỷ lệ không cân đối nữ giới mang tên Georgia sống ở Mỹ bị trùng tên, nam giới tên Dennis có nhiều khả năng trở thành nha sĩ hơn một chút so với tên Walter, người mang tên Georges khuynh hướng đi theo ngành địa chất.
Về học thuật, những họ xuất hiện ở phần đầu bảng chữ cái có thể tìm được nhiều công việc tốt ở trường đại học, vì được xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái. Hiệu ứng tương tự cũng được thể hiện trong lá phiếu liệt kê tên các chính trị gia đứng đầu trong bảng chữ cái.
Công ty pháp lý Deed Poll Service của Anh trong năm 2011 đã giúp 60.000 người dân tự đổi tên với giá từ 33 đến 50 bảng, so với con số 5.000 người trong thập kỷ trước.
Ngay cả bộ trưởng Tài chính nước này, Gideon Osborne, đã đổi tên thành George Osborne vào năm 13 tuổi. Mỹ cũng ghi nhận một xu hướng tương tự. Những người này có thể muốn giải thoát khỏi mong muốn của cha mẹ hoặc thể hiện sự tiếc nuối vì họ đã không được sở hữu một cái tên đáng nhớ hơn.
Theo Hồng Ân - (Sài Gòn Tiếp Thị/Economist)