Tại miền bắc nước Úc, ước tính có tới hơn 100.000 con cá sấu nước mặn đang sinh sống. Chúng có thể dài tới hơn 6 mét, nặng tới gần nửa tấn và lực hàm của chúng có thể mạnh bằng cân nặng của một chiếc xe cỡ nhỏ. Thế mà vẫn có những thợ săn cá sấu đang ngày ngày tìm bắt những con quái vật này.
Hàng đêm, họ chèo thuyền quanh những vùng nước tối, cầm theo chỉ một chiếc đèn lớn, một cáo lao móc bắt cá lớn và một khẩu súng. Họ nhìn quanh, tìm kiếm một cặp mắt rực sáng giữa làn nước tối: những con cá sấu ẩn mình.
“Kiểu như mất hết can đảm vậy”, nhiếp ảnh gia Trevor Frost nói. “Không phải tôi sợ những con cá sấu kia sẽ nhảy ra khỏi mặt nước và ăn sống tôi trên thuyền. Nhưng đáng sợ lắm. Đâu đâu trên mặt nước cũng thấy những đôi mắt cá sấu”.
Hiện tại, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ và nhà làm phim Trevor Frost đang thực hiện series về cá sấu tại Úc, với tựa đề Giáo phái Cá sấu – Cult of the Crocodile. Dự án này ghi lại mọi khía cạnh của mối quan hệ người và sấu, từ những trang trại nuôi dưỡng cá sấu, tạo ra những loại da cá sấu thượng hạng cho tới những tour du lịch cho người ta ném gà cho cá sấu ăn.
“Những sinh vật này đã tồn tại hàng triệu năm nay mà chẳng thay đổi gì”, anh Frost nói. “Chúng có thể giết người. Một số người thì lại yêu thích chúng. Một số người ghét chúng vô cùng. Và giờ thì có cả một ngành công nghiệp xoay quanh chúng”.
Những con cá sấu này lởn vởn tại những vùng sông có nước ấm, những phá nước, những ao tù nước nông, rình mò và vồ lấy những con heo lớn, những con trâu nước và thậm chí, chúng còn xơi cả cá mập. Thế nhưng, vào những năm 1960, nạn săn bắn vô tội vạ đã khiến những con cá sấu này suýt biến mất hoàn toàn. Năm 1971, chính phủ ra lệnh cấm giết cá sấu, và lượng cá sấu lại nhanh chóng sinh sôi.
Ngày nay, chương trình kiểm soát “dân số” cá sấu được tổ chức chặt chẽ. Nó bao gồm một ngành công nghiệp trị giá 100 triệu USD, bao gồm việc thu thập trứng cá sấu hoang dã, nhân giống chúng, bên cạnh đó là cho phép thợ săn được triệt hạ 1.200 con mỗi năm. Mỗi người thợ săn phải mô tả con cá sấu họ muốn giết, quay phim lại cái chết của nó để các nhà chức trách đảm bảo rằng con cá sấu ra đi thanh thản. Rất nhiều con cá sấu lởn vởn tới gần khu dân cư, ăn gia súc của người dân và do đó, phải bị giết.
Anh Frost sống tại Richmond, Virginia, Mỹ nhưng niềm yêu thích cá sấu Úc của anh bắt đầu xuất hiện hồi năm 2013, trong muốn chuyến công tác tới lục địa xa xôi này. Anh đã gặp thợ săn Aaron Rodwell khi đang đi tìm răng cá sấu về để làm quà lưu niệm, ấn tượng khiến Frost đam mê loài cá sấu là tấm ảnh ông Rodwell tay trần vật lộn với một con cá sấu.
“Những người thợ săn đối mặt với vô vàn hiểm nguy để có thể bắt được một con cá sấu, và việc này chỉ có hai kết quả duy nhất”, anh Frost nói. “Con cá sấu sẽ tóm được họ. Hoặc là họ sẽ tóm được con cá sấu”.
Frost theo sát từng bước chân của Rodwell và cộng sự của ông, Roger Matthews trong ba năm ròng. Những người đàn ông dũng cảm và đầy nhiệt huyết này leo lên chiếc thuyền nhôm mỗi đêm, chiếu đèn xuống nước hòng tìm những con mắt rực sáng trong làn nước.
Họ nhẹ nhàng tiến tới mục tiêu, giơ cao chiếc lao móc và cắm thẳng vào cổ con cá sấu. Trong đau đớn, con vật giãy giụa và rít lên trong nhiều giờ cho đến khi nó mệt lả. Những người thợ săn sau đó sẽ buộc chặt mõm nó lại, kéo nó lên thuyền và tiễn nó về “nơi chín suối” với một phát đạn súng lục. Nhiều khi, mọi chuyện không đơn giản thế. Đã có lần, một con quái vật dài gần 5 mét đã gặm chặt mạn thuyền, rung lắc dữ dội hòng đánh chìm con thuyền nhôm nhỏ bé. Một trải nghiệm vô cùng đáng sợ và đáng nhớ, anh Frost kể lại.
Chuyện về cá sấu ở Úc dài và kì lạ lắm. Có bức ảnh, một người đàn ông đang tắm bồn cùng một chú cá sấu con được nuôi như chó mèo trong nhà; lại có bức ảnh hai người đàn ông, Rodwell và Matthews đang treo ngược một con cá sấu khổng lồ lên cây trong tự hào – họ vừa tự tay bắt được nó.
Những hình ảnh không phải ngày nào cũng thấy, nhưng có lẽ lại là “chuyện thường ngày” ở vùng đất có tới cả trăm ngàn con cá sấu vẫn bơi lội tung tăng.
Theo GenK