Báo động cuộc khủng hoảng kháng thuốc

Trey, một học sinh trung học sống tại Florida, Mỹ vốn là chàng trai khoẻ mạnh, yêu thích thể thao. Trong một lần chơi bóng rổ, Trey phát hiện dưới bàn chân có một vết xước nhỏ sau đó phồng lên giống như vết bỏng gây đau đớn.

Để phòng nhiễm trùng, bác sĩ đã cho cậu bé uống kháng sinh nhưng cơn đau không giảm. Mẹ cậu bé sau đó đã đưa con trai đến bệnh viện để kiểm tra, bác sĩ kết luận, Trey bị nhiễm trùng đe doạ tính mạng do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng kháng thuốc MRSA.

{keywords}

Một vết thương nhỏ dưới bàn chân của Trey cũng cướp đi sinh mạng của cậu bé

 

Dù được điều trị tích cực suốt 19 ngày nhưng cuối cùng cậu bé vẫn tử vong vì không còn kháng sinh nào diệt được loại vi khuẩn này.

Tiến sĩ Helen Boucher, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm y tế Tufts ở Boston cho biết, Trey không phải là trường hợp duy nhất, tại trung tâm đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng đơn thuần nhưng không thể chữa khỏi do vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có.

Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc vẫn đang tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới là hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong nhiều thập kỷ. Tại Mỹ, mỗi năm có khảng 35.000 người chết vì nhiễm trùng kháng thuốc, trung bình 15 phút có một ca tử vong.

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2050, mỗi năm thế giới sẽ có 10 triệu người tử vong do không có thuốc kháng sinh mới để điều trị.

Và theo dự báo, cuộc khủng hoảng thuốc kháng sinh trên thế giới sẽ xảy ra sớm và trầm trọng hơn khi những công ty khởi nghiệp về kháng sinh như Achaogen và Aradigm (Mỹ) đang hoạt động cầm chừng. Trong khi những ông lớn trong ngành dược phẩm như Novartis và Allergan đã rút khỏi lĩnh vực này. Và nhiều công ty khác đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ.

Thậm chí, một trong những nhà phát triển kháng sinh lớn nhất nước Mỹ là Melinta Therapeutics gần đây cũng đã cảnh báo các cơ quan quản lý rằng công ty này sắp cạn tiền.

Nếu các công ty dược phẩm không nhận được hỗ trợ từ chính phủ để phát triển nghiên cứu kháng sinh mới, họ sẽ phải tuyên bố phá sản, đồng nghĩa sẽ không có kháng sinh mới nào được sản xuất trong nhiều năm tới.

Chen Yu, một nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cảnh báo, nếu điều này không được khắc phục trong 6 – 12 tháng tới, những công ty nghiên cứu kháng sinh mới cuối cùng sẽ bị phá sản và sẽ không có ai dám nhảy vào thị trường này trong 10-20 năm tới.

“Đây là một cuộc khủng hoảng đáng báo động. Sẽ có hàng loạt bệnh nhân tử vong khi nhiễm vi khuẩn, nấm kháng thuốc”, BS Helen Boucher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế Tufts cảnh báo.

Các ông lớn rút khỏi lĩnh vực nghiên cứu kháng sinh 

Có 2 nguyên nhân khiến các tập đoàn dược phẩm lớn không còn mặn mà nghiên cứu kháng sinh mới.

Thứ nhất, các công ty đã đầu tư hàng tỉ USD để phát triển các loại thuốc mới, tuy nhiên doanh thu không như kỳ vọng khi những loại kháng sinh thế hệ mới chỉ được kê đơn trong vài ngày hoặc vài tuần, trong khi những loại thuốc thông thường điều trị các bệnh mãn tính tiểu đường, viêm khớp dạng thấp... được kê dùng trường diễn, mang lại lợi nhuận lớn.

Thứ hai, nhiều bệnh viện không sẵn sàng chi nhiều tiền cho các liệu pháp mới hoặc cảnh báo việc sử dụng kháng sinh hoang phí nên thay vì kê kháng sinh thế hệ mới, các bác sĩ sẽ kê các thuốc generic rẻ hơn gấp nhiều lần ngay cả khi biết thuốc mới có hiệu quả vượt trội.

 

{keywords}

Achaogen đã mất hơn 1 tỷ USD để nghiên cứu thuốc kháng sinh Zemdri nhưng cuối cùng vẫn phải tuyên bố phá sản vì lợi nhuận không thu được như kỳ vọng

 

Dẫn chứng của công ty công nghệ sinh học Achaogen là một trường hợp điển hình. Công ty này đã mất 15 năm và 1 tỷ USD để được FDA Hoa Kỳ chấp nhận thuốc kháng sinh Zemdri là một loại thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu áp dụng với những ca khó. Tháng 7/2019, WHO đã thêm Zemdri vào danh sách cách loại thuốc mới cần thiết.

Tuy nhiên, thời điểm đó không còn ai ở Achaogen để ăn mừng. Công ty đã tuyên bố phá sản vào tháng 4/2019.

Trước đó, vào đầu năm 2019, cổ phiếu của công ty đã rơi xuống sát mức 0, công ty không đủ khả năng chi thêm hàng triệu USD để tiếp thị thuốc cũng như thực hiện các nghiên cứu lâm sàng bổ sung. Sau đó công ty đã bán hết các thiết bị phòng thí nghiệm và sa thải các nhà khoa học còn lại.

Hãng dược Tetraphase có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ cùng từng mất hơn 10 năm để nghiên cứu và đưa ra thị trường thuốc kháng sinh Xerava. Loại thuốc này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu vàng kháng thuốc hay vi khuẩn đường ruột đa đề kháng – 2 nhóm vi khuẩn này giết chết hơn 13.000 người Mỹ mỗi năm.

Tuy nhiên giá cổ phiếu Tetraphase vẫn không ngừng giảm, hiện dao động quanh mức 2 USD, giảm gần 40 USD/cổ phiếu so với năm trước.

Để cắt giảm chi phí, lãnh đạo công ty đã quyết định đóng cửa phòng thí nghiệm, sa thải khoảng 40 nhà khoa học và cho biết sẽ chỉ tập trung vào 2-3 loại kháng sinh có triển vọng khác.

Công ty dược Melinta Therapeutics cũng đang phải đối mặt với tương lai mờ mịt khi giá cổ phiếu đã giảm 45% sau khi các giám đốc điều hành đưa ra bản dự báo về triển vọng phát triển dài hạn của công ty.

Hiện Melinta đang sản xuất 4 loại kháng sinh, trong đó có Baxdela hiện đã được FDA chấp thuận để điều trị viêm phổi kháng thuốc. Công ty đang kỳ vọng các bệnh viện, bác sĩ sẽ có nhận thức cao hơn về giá trị của các loại thuốc kháng sinh mới để các công ty dược gia tăng doanh số.

Thông thường, để nghiên cứu ra một loại kháng sinh mới, các công ty dược cần bỏ ra khoảng 2,6 tỷ USD. Theo báo cáo, trong vòng 20 năm qua, chỉ có 2 loại kháng sinh mới ra đời song cũng chỉ là biến thể của những loại hiện có. Nhưng càng ngày, các công ty dược càng không mặn mà với lĩnh vực này do thiếu vốn, ít lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp dược đang kỳ vọng vào dự luật mang tên DISARM đã được trình lên Quốc hội Mỹ vào năm ngoái, trong đó có những cơ chế tài chính ưu đãi đối với những cơ sở y tế chấp nhận sử dụng các loại thuốc kháng sinh mới. Song đến nay, dự luật này vẫn giậm chân tại chỗ vì những e ngại giá thuốc leo thang.

Một số khác mong muốn chính phủ cho phép kéo dài thời gian độc quyền thuốc kháng sinh mới để họ có thời gian thu hồi vốn.

Thúy Hạnh (NYTimes, CBSNews)

 

VN xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh do dùng thuốc tuỳ tiện

VN xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh do dùng thuốc tuỳ tiện

- Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng toàn bộ kháng sinh kể cả loại mạnh nhất, bệnh nhân chỉ còn cách để cơ thể tự chống đỡ.