Gần đây, trên Internet nổi lên những tranh luận về xu hướng của giới trẻ. Trong đó, có những thứ quen thuộc đối với thế hệ 8x, 9x đời đầu, nhưng giờ đây bị Thế hệ Z chê là không phù hợp. Những thứ này bao gồm quần jean bó, tóc ngôi lệch, và cả biểu tượng cảm xúc emoji "Khóc cười" (😂), hay còn được gọi là emoji "Cười ra nước mắt".

Walid Mohammed, một bạn trẻ 21 tuổi chia sẻ: “Tôi sử dụng mọi thứ trừ biểu tượng khóc cười. Tôi đã bỏ một thời gian trở lại đây vì thấy những người lớn tuổi sử dụng biểu tượng này, như mẹ tôi, anh chị tôi và những người lớn tuổi nói chung".

Xavier Martin, 17 tuổi, gọi biểu tượng "Khóc cười" là nhạt nhẽo, đồng thời khẳng định không có quá nhiều người ở độ tuổi của anh ấy sử dụng nó. Còn Stacy Thiru, 21 tuổi, thích emoji "Khóc to" hơn, vì biểu tượng này thể hiện được cảm xúc tận cùng, kịch tính hơn.

{keywords}
"Khóc cười" vẫn đang là biểu tượng cảm xúc được sử dụng nhiều nhất trên mạng. Dù vậy Thế hệ Z cảm thấy biểu tượng này đã nhạt nhẽo.

Thay vì biểu tượng "Khóc cười", Thế hệ Z có thể thay thế bằng biểu tượng "Khóc to" trong một số trường hợp, hoặc sẽ chỉ đơn giản viết "lol" (cười phá lên). Nếu dùng "Khóc cười", Thế hệ Z thường để 6-7 cái liên tiếp để phóng đại biểu cảm.

"Khóc cười" vẫn đang là biểu tượng cảm xúc được sử dụng nhiều nhất theo ghi nhận bởi Emojitracker.com, một trang web xếp hạng emoji theo thời gian thực trên Twitter. Đứng thứ hai là biểu tượng "Trái tim", thứ ba là biểu tượng "Khóc to".

Nhận định về cái nhìn của Thế hệ Z, nhà ngôn ngữ học Internet Gretchen McCulloch nói: "Khóc cười là nạn nhân của sự thành công từ chính nó".

"Nếu bạn dùng cùng một biểu tượng mặt cười năm này qua năm khác, người ta sẽ dần cảm thấy không thật", Gretchen McCulloch giải thích. Đó là lý do tại sao Thế hệ Z tìm những cách mới để báo hiệu rằng họ đang cười.

Đối với người trẻ Thế hệ Z, emoji hình đầu lâu (💀) lại thường trở thành biểu tượng phổ biến đại diện cho mặt cười, kiểu như câu nói đùa cợt "Tôi chết đây".

Thế hệ Z được định nghĩa là lứa trẻ sinh sau năm 1996. Họ lớn lên vào thời điểm mà Internet đã trở nên phổ biến khắp nơi, có thể truy cập bằng thiết bị cầm tay.

Theo Jeremy Burge, người phụ trách web từ điển biểu tượng cảm xúc Emojipedia, những người trẻ 8x, 9x đời đầu có xu hướng sử dụng emoji chân chất hơn, trong khi những người trẻ Thế hệ Z sẽ sáng tạo hơn.

Thậm chí Thế hệ Z còn thích tự quy ước ý nghĩa cho biểu tượng cảm xúc, sau đó lan truyền cho những người khác trong nhóm. Ví dụ, biểu tượng cảm xúc người đội mũ cao bồi (🤠) thường biểu thị sự khó xử.

Ngoài "Khóc cười", một biểu tượng cảm xúc khác trước đây rất phổ biến là "Cười lăn lộn" (🤣) cũng không còn thịnh hành nữa. Khi được hỏi về biểu tượng cảm xúc này, Thiru nhăn mặt trả lời: "Tôi không thích cái đó. Mẹ tôi thậm chí cũng không sử dụng".

Anh Hào (Theo CNN Business)

“Cười ra nước mắt” đứng đầu danh sách 10 emoji phổ biến nhất thế giới

“Cười ra nước mắt” đứng đầu danh sách 10 emoji phổ biến nhất thế giới

ictnews Lần đầu tiên trong lịch sử, Liên đoàn Unicode công bố danh sách các biểu tượng emoji được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới.