Chiến thắng toàn diện của các môn Olympic
Với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ đoàn TTVN đã kết thúc kỳ SEA Games thành công. Thành tích này đã vượt xa chỉ tiêu đề ra ban đầu là giành từ 65 đến 70 HCV, qua đó giúp đoàn TTVN vượt mặt Thái Lan để vươn lên vị trí thứ nhì tổng sắp, vượt hơn cả mong đợi!.
Ở đấy những môn trong hệ thống Olympic vẫn là thế mạnh, đóng góp phần lớn HCV cho Việt Nam. Đây mới là thắng lợi lớn của đoàn TTVN, bất chấp việc nước chủ nhà cắt giảm rất nhiều nội dung thế mạnh ở SEA Games 30.
Trong 44 đội tuyển thể thao, điền kinh vẫn là môn giành được nhiều huy chương nhất với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ. Trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước chủ nhà Philippines khi nhập tịch nhiều hảo thủ từ khắp nơi trên thế giới, hoặc Thái Lan rất quyết tâm lấy lại thế mạnh từ môn thể thao nữ hoàng, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam vẫn đem lại những cảm xúc tuyệt vời khi giành đến 16 HCV để giữ vững vị trí số 1.
Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV đầy cảm xúc |
Cảm xúc và tự hào nhất chính là "cô bé hạt tiêu" Nguyễn Thị Oanh giành với 3 HCV cá nhân ở cự ly 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m. Cũng cần nên biết rằng 2 tấm HCV ở nội dung 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật của VĐV cao chưa tới 1m50 được thực hiện chỉ trong 1 ngày. Hình ảnh Nguyễn Thị Oanh đổ gục xuống sau khi hoàn thành "hat-trick" Vàng, rồi lại đứng dậy dìu đồng đội khiến người xem phải rơi nước mắt
Còn “bà mẹ bỉm sữa” Nguyễn Thị Huyền giành 2 HCV nội dung chạy 400m và 400m rào cực kỳ ấn tượng khi vừa quay lại thi đấu sau khi sinh con. Dương Văn Thái cũng đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục trước VĐV chủ nhà ở 1.500m nam...
Đội bơi Việt Nam cũng tạo dấu ấn đậm nét với 10 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ. Nguyễn Thị Ánh Viên dù được xem là không hoàn thành chỉ tiêu, nhưng kình ngư người Cần Thơ vẫn được vinh danh là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30, với 6 HCV, 2 HCB.
Huy Hoàng là một trong những kình ngư xuất sắc nhất của bơi lội Việt Nam |
Một gương mặt khác là Nguyễn Huy Hoàng vẫn giữ được phong độ xuất sắc, trong lúc tay bơi trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên đang là một hiện tượng khi giành 2 HCV ở cự ly 200m và 400m hỗn hợp.
Ở SEA Games 30, môn vật đứng thứ 2 với số lượng HCV. Các đô vật trong một kỳ SEA Games chói sáng, đã giành tới 12/14 tổng số HCV.
Ngoài vật, tuyển thủ của các môn trong hệ thống Olympic như cử tạ, đấu kiếm, TDDC, tennins bóng bàn, canoeing, bắn cung, judo, taekwondo, xe đạp… đều đã mang về những chiếc HCV quý giá cho đoàn thể thao nước nhà. Trong số này, tennis có tấm HCV lịch sử, hay trường hợp của Lộc Thị Đào ở môn bắn cung giành tới 3 HCV dù gặp vấn đề về sức khoẻ...
Tấm HCV lịch sử của Hoàng Nam và tennis Việt Nam |
Bên cạnh những môn trong hệ thống Olympic, các đội tuyển của những bộ môn khác như kurash, aerobic, khiêu vũ thể thao… đều đã mang về những chiếc HCV bất ngờ, qua đó góp công rất lớn vào vị trí thứ hai tại đại hội của đoàn thể thao nước nhà.
Từ SEA Games tới Olympic
Ngay sau khi kết thúc SEA Games, rất nhiều VĐV Việt Nam lại lên đường đi tập huấn, chuẩn bị cho đấu trường Olympic. Tại Thế vận hội, cuộc cạnh tranh ở vòng loại đang ngày càng khốc liệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 suất tham dự Olympic Tokyo 2020 do công của Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ) và Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung).
Tú Chinh giành HCV ở SEA Games nhưng cực khó vượt qua vòng loại Olympic |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã đánh giá rất cao sự nỗ lực của tất cả các tuyển thủ khi mang về những thành tích quý giá cho TTVN. Từ thành tích này, Việt Nam tự tin hướng tới những đấu trường cao và xa hơn như Asian Games, Olympic.
“Sau SEA Games, chúng tôi đã nhận định và đánh giá chuẩn xác những thành công và thất bại của từng đội tuyển, qua đó có những sự điều chỉnh cho tốt hơn trong tương lai. Những môn Olympic vẫn được đầu tư mạnh nhất để giúp các VĐV trước mắt vượt qua vòng loại Thế vận hội 2020, sau đó là tăng khả năng tranh chấp huy chương tại đại hội này", ông Phấn chia sẻ.
Thể thao Việt Nam tiếp tục đầu tư cho các môn Olympic |
Cũng theo ông Phấn, trong nhiều năm trở lại đây TTVN đã bỏ qua cách đầu tư theo kiểu “ao làng", và xác định rõ từ SEA Games để vươn tầm Olympic. Nhờ tư duy này, TTVN đang có những hướng đi tích cực và gặt hái được nhiều thành công nhất định.
Bên cạnh thành công, thể thao Việt thao Việt Nam cũng phải nhìn lại ở những thất bại để rút ra bài học. Cờ vua với nhiều VĐV đẳng cấp tầm châu lục, thậm chí thế giới, đã không thể giành được tấm HCV nào. Bên cạnh đó, một số môn ở đua thuyền, bắn súng… cũng cho thấy rõ sự thiếu hụt về lực lượng, qua đó không hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.
Video hành trình lên ngôi vô địch SEA Games 30 của U22 Việt Nam:
Bằng Lăng