Đứng đầu SEA Games, xếp hạng 6 Đông Nam Á ở Asiad

Kết thúc Asiad 19, đoàn TTVN giành được 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp ở vị trí thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương. Tính ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ xếp trên các đoàn Myanmar (1 HCV), Brunei, Lào, Campuchia và Timor Leste (không có HCV nào).

Ba tấm HCV của Việt Nam thuộc về Phạm Quang Huy (bắn súng), đội tuyển cầu mây nữ và đội tuyển Kata (Karate). Thành tích này giúp đoàn TTVN hoàn thành chỉ tiêu (2-5 HCV), nhưng không thể vui khi nhìn sang các quốc gia Đông Nam Á có bước tiến mạnh ở đấu trường châu lục.

karate 2.jpg
Ba nữ võ sĩ mang về tấm HCV nội dung kata ở môn karate

Đứng đầu khu vực là Thái Lan với vị trí thứ 8 chung cuộc (12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ), tiếp theo là Indonesia (7 HCV, 11 HCB, 18 HCĐ), Malaysia (6 HCV, 8 HCB, 18 HCĐ), Philippines (4 HCV, 2 HCB, 12 HCĐ), Singapore (3 HCV, 6 HCB, 7 HCĐ).

Có một nghịch lý là ở hai kỳ SEA Games gần nhất, TTVN luôn vượt qua Thái Lan để xếp nhất SEA Games, nhưng ra đấu trường Á vận hội lại bị đối thủ bỏ xa về thành tích. Không chỉ ở sân chơi Asiad, mà ở Olympic, Thái Lan hay Indonesia, Malaysia, Singapore cũng đều có thế mạnh cạnh tranh huy chương, trong khi TTVN chỉ chờ vào may mắn.

Sự tiếc nuối và những điểm sáng

Nếu có một tâm lý vững vàng hơn, tuyển bắn súng đã có thể giành thêm 1 tấm HCV ở nội dung 10m súng trường hơi di động đồng đội nam. Nguyễn Thị Thật ở môn xe đạp về đích ở vị trí thứ 4, chỉ kém VĐV giành HCV chưa đến 1 giây. Nếu không chấn thương, tay đua của Việt Nam đã làm nên chuyện.

ban sung 2.jpeg
Tuyển bắn súng hoàn toàn có thể có thêm một HCV

Ở môn Rowing, chúng ta rất mạnh ở nội dung thuyền nhẹ, là môn mang về HCV của kỳ Đại hội trước và được tiếp tục đầu tư, nhưng Trung Quốc lại bỏ hạng thuyền nhẹ, khiến các VĐV Việt Nam bị thua thiệt nhiều về thể hình, thể lực, cố gắng hết sức mới giành được 3 HCĐ.

Ở môn boxing, Nguyễn Thị Tâm không thi đấu như mong đợi vì chấn thương. Môn cờ tướng ở nội dung đồng đội hỗn hợp rất được kỳ vọng, nhưng ở trận chung kết chúng ta đã chơi không đúng phong độ, nên chỉ giành được HCB. Môn điền kinh nội dung 4x400m tiếp sức vượt thành tích HCV châu Á nhưng chỉ về đích ở vị trí thứ 4 Asiad...

dien kinh 2.jpeg
Tuyển điền kinh Việt Nam sở hữu nhiều VĐV đạt tầm châu lục nhưng "trắng" huy chương ở Asiad 19

Ngoài sự tiếc nuối, TTVN cũng có những điểm sáng rất đáng khen ngợi. Ba tấm HCV là thành quả của sự nỗ lực, chiến đấu hết khả năng của các VĐV, nhưng những tấm HCB, HCĐ ở thể dục dụng cụ, bơi, môn võ... đều rất đáng quý. Thậm chí thành tích xếp hạng tư của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng là một lịch sử.

Hướng đi nào cho TTVN sau Asiad?

Trao đổi với VietNamNet, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT, nay là Cục TDTT), ông Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn cho rằng các nhà quản lý thể thao nước nhà cần nhìn nhận và suy nghĩ nghiêm túc về chiến lược và sự đầu tư.

Hiện nay, có một thực trạng được nhìn thấy rất rõ là TTVN bị bệnh thành tích ở SEA Games mà quên rằng Asiad hay Olympic mới là cái đích, là thước đo thực chất sự phát triển của mỗi nền thể thao.

cau-may-nu-2.jpg
TTVN đứng đầu SEA Games nhưng hụt hơi ở Asiad

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, muốn giúp VĐV nâng cao về tố chất thể lực, kỹ thuật, trình độ cần phải áp dụng khoa học. Đặc biệt, những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, chữa trị hồi phục chấn thương, dinh dưỡng, cải tiến phương tiện dụng cụ tập luyện và thi đấu… ở Việt Nam gần như chưa được quan tâm, chính xác là không có điều kiện.

Câu chuyện các VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam kêu đói vì ăn không đủ khiến nhiều người suy ngẫm. Phát triển thể thao luôn đặt khâu đào tạo trẻ lên hàng đầu, nhưng các VĐV của chúng ta được chăm lo như nào thì tất cả đã thấy.

Quay trở lại câu chuyện đầu tư và hoạch định chiến lược cho TTVN, chúng ta chưa bao giờ nhận được sự đầu tư tương xứng cho việc đào tạo VĐV trọng điểm như các nước trong khu vực, chưa muốn nói tới Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

rowing 5.jpeg
Sự đầu tư của ngành thể thao với các VĐV đỉnh cao rất hạn chế

Song, nói đi cũng phải nói lại, nếu ngành thể thao chỉ trông chờ vào khoản ngân sách 700-800 tỷ đồng mỗi năm nhưng phải lo cho hàng trăm chuyến tập huấn, ăn ở của hàng nghìn VĐV, thuê chuyên gia, mua thiết bị tập luyện, dinh dưỡng, thuốc bổ… sẽ vẫn là bài toán khó giải.

Một trong những giải pháp để TTVN phát triển đó là giải bài toán kinh tế thể thao để chủ động nguồn ngân sách. Thực tế, một vài môn thể thao ở Việt Nam bắt đầu có nguồn kinh phí nhất định từ xã hội hóa, nhưng chỉ có bóng đá làm tốt. Chỉ khi nào có tiền đầu tư, cùng với đó là hướng đi đúng đắn, TTVN mới có cơ hội để vươn tầm châu lục, từ đó tạo cú hích cho sự phát triển chung của cả nền thể thao.