Trong sáng 23/3, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội sẽ tiêm vắc xin Covivac cho 15 tình nguyện viên. Ngày 25/3, tiếp tục tiêm thêm 15 người.

Như vậy đến hết tuần này, Việt Nam đã tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin Covivac cho 36 tình nguyện viên.

PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay sức khoẻ 6 tình nguyện viên đầu tiên tiêm ngày 15/3 đều rất tốt.

Trong khoảng 30 phút sau tiêm, một số có phản ứng nhẹ như đau tại vị trí tiêm, đau đầu. Sau 1 tuần, 6 tình nguyện viên đã quay trở lại để lấy máu xét nghiệm, kiểm tra chức năng gan, thận… Các chỉ số đều ổn định. 21 ngày nữa, nhóm này sẽ quay trở lại để tiêm tiếp mũi 2.

{keywords}

Nam tình nguyện viên thử nghiệm vắc xin Covivac. Ảnh: Thúy Hạnh

PGS Thiểm cho biết, mỗi buổi chỉ có thêm tiêm 15 người do khu vực lưu trú qua đêm theo dõi sau tiêm chỉ có 15 giường. Theo quy định, tình nguyện viên phải ở lại theo dõi trong 24 giờ đầu tiên.

Trong giai đoạn 1, vắc xin Covivac sẽ tiêm thử nghiệm trên 120 tình nguyện viên độ tuổi 18-59. Nghiên cứu do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Đại học Y Hà Nội thực hiện, với các đợt tiêm thử nghiệm từ ngày 15/3 đến ngày 20/4.

120 tình nguyện viên được chia thành 5 nhóm: 3 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều: 1mcg, 3mcg và 10mcg; 1 nhóm vắc xin mức liều 1mcg có tá chất và 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược.

Vắc xin Covivac của công ty IVAC là vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Vắc xin này sử dụng công nghệ véc tơ NewCastle trên phôi trứng gà theo dây chuyền sản xuất vắc xin cúm mùa.

Nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, vắc xin Covivac có thể ngừa được cả biến chủng Anh và Nam Phi.

Giá thành phẩm của vắc xin này chỉ khoảng 60.000 đồng.

Thúy Hạnh

Tháng 9, Việt Nam tự sản xuất được vắc xin Covid-19

Tháng 9, Việt Nam tự sản xuất được vắc xin Covid-19

Thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax đang diễn ra thuận lợi, dự kiến ngay cuối tháng 9, Việt Nam sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên.