Thêm bằng chứng iPhone sắp sản xuất tại Mỹ?

Foxconn (Đài Loan) là một nhà thầu khổng lồ, đóng vai trò quan trọng trong lắp ráp iPhone cho Apple. Chỉ riêng tại Trung Quốc, công ty này đã tuyển dụng hàng trăm ngàn công nhân. Trong tuyên bố gửi đến CNN Money, Foxconn cho biết đang trong quá trình thảo luận sơ cấp liên quan đến khoản đầu tư tiềm năng, đại diện cho việc mở rộng kinh doanh tại Mỹ.

Trước đó, tên của Foxconn xuất hiện trong văn bản được CEO công nghệ hàng đầu Nhật Bản Masayoshi Son mang theo trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba (6/12). Softbank dự định đầu tư 50 tỷ USD vào startup Mỹ, có thể tạo ra 50.000 việc làm.

Bức ảnh chụp ông Trump và ông Son cho thấy ông chủ Softbank đang cầm tài liệu có logo của cả công ty mình và Foxconn. “Cam kết: Đầu tư 50 tỷ USD + 7 tỷ USD tại Mỹ, tạo ra 50k + 50k việc làm mới tại Mỹ trong 4 năm tới” là những gì được ghi trên tài liệu. Chi tiết này dẫn đến suy đoán Foxconn có thể lên kế hoạch đầu tư 7 tỷ USD vào Mỹ để mang đến 50.000 việc làm mới. Tuy nhiên, Foxconn từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào.

Họ cho biết sẽ thông báo chi tiết khi hoàn tất thảo luận trực tiếp giữa lãnh đạo công ty và các quan chức Mỹ có liên quan. Foxconn cũng không bình luận về khoản đầu tư có liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ hay không.

Tổng thống đắc cử Trump đã tweet trên Twitter cá nhân rằng ông Son nói Softbank có thể không đầu tư nếu Trump không thắng cử.

Tháng 10/2016, vài tuần trước cuộc bầu cử Mỹ, Softbank và chính phủ Ả-rập Xê-út tuyên bố kế hoạch mở quỹ 100 tỷ USD để đầu tư vào các công ty công nghệ khắp thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo phố Wall, ông Son cho biết khoản tiền ông hứa với Trump đến từ quỹ này.

Không rõ nguyên nhân vì sao ông Son lại mang theo tài liệu có tên Foxconn. Cả hai công ty hoạt động độc lập nhưng có hợp tác về robot. Ông Son cũng nổi tiếng vì là bạn với nhà sáng lập Foxconn Terry Gou.

Vai trò của Foxconn và các doanh nghiệp ngoại trong sản xuất iPhone và các sản phẩm Apple khác trở thành đề tài của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. “Chúng ta sẽ buộc Apple phải chế tạo những cái máy tính và những thứ chết tiệt của họ tại nước này thay vì tại nước khác”, ông phát biểu hồi tháng 1/2016.

Dù vậy, dường như tân Tổng thống Mỹ đã nghĩ về vấn đề quá đơn giản. Một số linh kiện iPhone, iPad đang được sản xuất tại Mỹ. Chuyển tất cả dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ gần như không khả thi ở điều kiện hiện tại.

Foxconn từng thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện tại Mỹ nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Năm 2013, nhà thầu Đài Loan cho biết có thể chi 30 triệu USD cho nhà máy mới tại Pennsylvania ngoài các nhà máy sẵn có tại Texas và Indiana.