Một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã ghi lại được hình ảnh của "một vật thể đen lớn" đang di chuyển phía dưới mặt nước hồ Loch Ness lừng danh ở Scotland, làm sống dậy những đồn đại về sự tồn tại của con quái vật huyền thoại.
Ông David Elder, 50 tuổi kể, đã phát hiện ra hiện tượng kỳ bí khi đang chụp ảnh một con thiên nga bơi lượn ở phần tây nam hồ Loch Ness, gần pháo đài Augustus ở miền bắc Scotland.
Ngoài việc chụp các hình ảnh tĩnh, ông Elder thậm chí còn quay được một đoạn video ngắn về cảnh tượng lạ. Các hình ảnh ghi lại được cho thấy một đợt sóng cầu vồng dài, do một dạng xáo động nào đó trên bề mặt hồ gây ra.
Nhiếp ảnh gia nghiệp dư quả quyết, "thủ phạm" duy nhất chỉ có thể là "một vật thể đen lớn phía dưới mặt nước", dài chừng 4,5 mét. Ông Elder nói thêm rằng: "Mặt nước hồ lúc đó vô cùng phẳng lặng, không có bất kỳ gợn sóng lăn tăn nào và cũng không có bất kỳ hoạt động nào khác trên mặt nước. Nước hồ chắc chắn đã chạm phải vật gì đó rắn chắc và tạo thành làn sóng, tương tự như làn sóng do môn lướt ván buồm tạo ra ... Sự xáo trộn trên mặt nước sau đó bắt đầu dịch chuyển về một bên hồ Loch Ness. Đó là thứ tôi không thể nào giải thích được".
Câu chuyện cùng "bằng chứng" của ông Elder chắc chắn sẽ khơi dậy tưởng tượng của bất kỳ ai tin vào sự tồn tại của một sinh vật khổng lồ sống trong hồ. Hồ Loch Ness hiện được coi là lớn nhất Vương quốc Anh do chiều sâu tới 230 mét. Tuy nhiên, những người hoài nghi có thể quy làn sóng dị thường do một cơn gió lạ hoặc hiện tượng tự nhiên khác gây ra.
Truyền thuyết về quái vật hồ Loch Ness có từ thời Trung cổ, nhưng lần đầu tiên được công chúng biết đến rộng rãi vào năm 1933. Năm đó, cặp vợ chồng nhà Spicer tuyên bố đã nhìn thấy một sinh vật với cơ thể đồ sộ, có cái cổ dài nhảy xuống hồ, gây xôn xao dư luận.
Bức ảnh nổi tiếng nhất về quái vật hồ Loch Ness do bác sĩ Wilson chụp và công bố năm 1934, bị tố là đồ giả mạo. |
Bức ảnh nổi tiếng nhất về quái vật hồ Loch Ness được công bố một năm sau đó, vào năm 1934. Tác giả của bức ảnh - Robert Kenneth Wilson, bác sĩ phụ khoa ở London, đã bán nó cho báo Daily Mail, nhưng từ chối gắn tên mình với ảnh và nó chỉ được biết đến với cái tên "bức ảnh của một chuyên gia phẫu thuật". Năm 1975, tờ Sunday Telegraph cho đăng tải một bài viết nhận định, bức ảnh của ông Wilson chỉ là đồ giả mạo.
Tuấn Anh (Theo Daily Mirror, Huffington Post)