Bên lề hội thảo quốc tế về Hoàng Sa, Trường Sa tại Đà Nẵng ngày 20/6, các học giả bày tỏ nhiều ý kiến xung quanh việc TQ đưa thêm giàn khoan xuống Biển Đông.
Hiện thực hóa lưỡi bò
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN:
Việc triển khai thêm giàn khoan ra Biển Đông cho thấy TQ sẽ tìm mọi cách để hiện thực hóa tuyên bố đường lưỡi bò.
Không chỉ một giàn khoan mà thêm nhiều giàn khoan khác, sân bay và thêm sân bay nữa, chiếm được chỗ này chiếm thêm chỗ khác nữa, dần dần biến Biển Đông thành cái ao của riêng họ.
Chiến thuật của TQ luôn là lùi để tiến, tiến là để chiếm toàn bộ Biển Đông. Âm mưu độc chiếm Biển Đông là quá rõ ràng.
Giàn khoan gối giàn khoan?
Ông Leszek Buszynski: Rất có thể TQ sẽ tiếp tục o ép VN |
Chuyên gia người Úc, Leszek Buszynski, Trường an ninh quốc gia, ĐH Quốc gia Australia:
Có khả năng là sau ngày 15/8 khi TQ rút giàn khoan Hải Dương 981 về, sẽ có giàn khoan khác sẵn sàng thay thế để gối nhau.
Tất nhiên cộng đồng quốc tế sẽ lên án họ, cảnh bảo rằng uy tín quốc gia của TQ sẽ bị tổn hại, nhưng chúng ta cũng không biết được. Rất có thể TQ sẽ tiếp tục o ép VN.
Hiện thực hóa “chủ quyền di động”
Cố vấn các vấn đề chiến lược Nhóm nghiên cứu Đông Nam Á, Subhash Kapila:
Ông Subhash Kapila: TQ đang thực hiện chiến lược "chủ quyền di động" |
Những động thái mới về việc điều các giàn khoan ra Biển Đông chính là việc TQ bắt tay vào thực hiện chiến lược mới về "chủ quyền di động".
Họ hy vọng rằng bằng cách đưa ngày càng nhiều giàn khoan vào, họ sẽ củng cố những tuyên bố của họ về chủ quyền trên Biển Đông đối với quần đảo Hoàng Sa.
Phô diễn vì chủ nghĩa dân tộc
Ông Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á và châu Á của Quỹ khoa học và chính trị (SWP), Viện Chính trị và an ninh quốc tế Đức:
Đây là một động thái làm gia tăng căng thẳng, đi ngược lại với chính cái lợi ích kinh tế lâu dài của Biển Đông mà chính những người đại diện TQ tuyên bố.
Thông tin về việc triển khai thêm các giàn khoan trên Biển Đông, được đăng trên báo chí TQ, cũng có thể là để nhắm tới công chúng TQ, để Chính phủ TQ tỏ ra với người dân TQ vốn khá dân tộc chủ nghĩa rằng "họ có làm gì đó".
TQ không có một chiến lược rõ ràng và thuyết phục lắm về cách hành xử trên Biển Đông. Cũng khó đi đến thỏa hiệp hoặc đồng thuận về vấn đề này được trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc của người dân cao như vậy.
Philippines: đích nhắm tiếp theo?
GS. Renato de Castro của ĐH De la Salle:
Nếu giàn khoan thứ nhất là nhắm trực tiếp vào VN, thì giàn khoan tiếp theo rất có thể là để nhắm trực tiếp vào Philippines.
Họ sẽ đẩy VN và Philippines trở thành cùng hội cùng thuyền. Rất có thể đây là phản ứng của TQ trước việc VN và Philippines cùng chơi bóng chuyền trên một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa gần đây.
TQ đang tự làm khó mình
GS. Erik Franckx, ĐH Tự do Brussels (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài thường trực:
Nếu những giàn khoan này được triển khai đến các vùng khác nhau trên Biển Đông, các nước liên quan chắc chắn sẽ khó chịu.
Vì thế tôi nghĩ TQ đang tự làm khó mình khi có động thái như vậy. Những cuộc hội thảo như thế này sẽ được tổ chức tại Malaysia, Philippines nếu như các giàn khoan được kéo gần đến nước họ. Tôi tin rằng ở những nước đó, người dân ở đó cũng sẽ rất giận dữ.
Các ý kiến nêu tại hội thảo đưa ra các góc tiếp cận mà VN có thể đấu tranh với TQ: Chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp chuyên sâu về Biển Đông, Tướng Daniel Schaeffer: TQ đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” không kèm theo bất cứ lời giải thích nào nên hoàn toàn không có giá trị và ráo riết hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” bằng các hành động xâm phạm chủ quyền các nước Philippines, VN, Malaysia. Vấn đề “đường lưỡi bò” không thuộc trách nhiệm của riêng nước nào trong khu vực mà là của cả cộng đồng quốc tế; cần phải đạt được sự đồng thuận quốc tế để yêu cầu TQ từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”. Giáo sư Jerome Cohen - Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á: VN có thể tham gia vụ kiện với Philippines hoặc tự khởi kiện TQ, và khuyến nghị các nước liên quan nên tận dụng sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hay hệ thống thể chế pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để giải quyết tranh chấp với TQ. Việc VN sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của VN tận dụng mọi biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy sử dụng công cụ pháp lý là phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên hợp quốc. Các học giả quốc tế Dmitry Mosyakov (Nga), K. Raja Reddy (Ấn Độ), Jean-Pierre Ferrier (Pháp): Dưới thời Pháp thuộc, Pháp đã nhân danh VN thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khi rút khỏi VN, Pháp bàn giao quyền quản lý hai quần đảo này cho VN; các tư liệu pháp lý lịch sử cho thấy VN đã chiếm hữu “hiệu quả, liên tục và lâu dài” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. TQ không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh TQ chiếm hữu hai quần đảo này trước khi dùng vũ lực đánh chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. |
- Chung Hoàng - Ảnh: Phương Mai