(TuanVietNam) - Hồi nhỏ, tôi hỏi ngoại, vì sao người theo đạo Cơ-đốc gọi Chúa là "Đức Chúa Lời". Dù là dân đạo gốc, ngoại tôi vẫn không thể giải thích được điều này cho một đứa trẻ 5 tuổi.
Sau này, tôi có cơ hội đọc lịch sử chữ quốc ngữ thời Alexander Rhodes xuất bản cuốn tự điển Việt - Bồ - La đầu tiên (1651). Chúa hiện lên trong trang sách với một cách viết kỳ lạ - "Đức Chúa BLời". Thì ra phụ âm "Bl" đã từng là "Tr" trong quá khứ vài trăm năm trước, thưở các nhà truyền giáo Tây phương bập bẹ học nói tiếng Việt và vã mồ hôi tìm cách la-tinh hóa chữ Nôm để giảng đạo cho con chiên. Qua thời gian, cặp ký tự "Bl" biến mất, và "Tr" thay thế. Chỉ còn dấu tích hiếm hoi không toàn vẹn trong cụm từ chỉ đấng tối cao của Cơ-đốc giáo.Nhắc chuyện phụ âm "Bl", có thể thấy ngôn ngữ biến động không ngừng, do tự nhiên hoặc do con người tác động. Hàng nghìn từ mất đi và hàng nghìn từ mới xuất hiện là điều bình thường. Các ngôn ngữ "xâm chiếm" hoặc vay mượn nhau, thậm chí "kết hôn" để sản sinh những đứa "con lai" đẹp đẽ.
Bộ máy tìm kiếm Google mới đây được đưa vào cuộc sống với nghĩa như một động từ, cũng tương tự vài thập niên trước, từ điển Larousse ghi tên một khúc xương nhỏ trên cơ thể con người là "đốt xương Hợp", tên bác sỹ Đỗ Xuân Hợp người Việt Nam đã tìm ra nó.
Tuy nhiên, mọi thay đổi đều có hai mặt - chi phí và lợi ích. Dù là ở môi trường nghiêm cẩn hàn lâm trong giảng đường đại học, hay bỗ bã bình dân ngoài quán nước vỉa hè, sử dụng ngôn ngữ phù hợp cũng là một vấn đề mang lại chi phí hoặc lợi ích cho người dùng.
Đã có quá nhiều lời bàn về câu chuyện thông tư pháp điển hóa bảng chữ cái với bốn ký tự mới F, J, W, Z trong tiếng Việt. Mặc dù một thông tư do cấp bộ ban hành không phải đối tượng phải qua thủ tục đánh giá tác động theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, thiết nghĩ vẫn có thể suy nghĩ về vấn đề trên theo cách tiếp cận này.
bảng chữ cái tiếng Việt |
Theo cơ quan soạn thảo, có mấy cái lợi. Trẻ em được sớm tiếp cận với ngôn ngữ quốc tế (điển hình là tiếng Anh). Đặc biệt hơn, những ký tự này phổ biến trong công nghệ thông tin, và nếu dùng đại trà, ngôn ngữ tiếng Việt sẽ dễ hòa nhập vào ngôn ngữ máy tính. Công tác quản trị văn bản trên máy tính sẽ đỡ phức tạp hơn.
Tiếng Việt "được" thành 32 ký tự sẽ "mất" gì?
Trước hết, toàn bộ số sách vở của nền giáo dục sẽ phải được in ấn lại. Không chỉ có sách giáo khoa, điều này còn ảnh hưởng tới sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa. Truyện Kiều có khả năng có hai tác giả, Nguyễn Du hoặc Nguyễn Zu, tùy thời điểm sách in.
Các văn bản pháp luật của nhà nước sẽ phải sửa đổi. Điều này cần được làm rất cẩn trọng, vì đã là quy định "fáp lý", đọc - viết sai một ly thì dễ đi một dặm.
Hàng trăm triệu phần mềm, vốn đã có tiếng Việt, bao gồm cả hệ điều hành phổ dụng nhất như Microsoft Window, sẽ phải cập nhật các ký tự mới và cách ghép từ ngữ mới. Khó dự đoán các hãng phần mềm có chịu không, nhưng có thể ước tính chi phí là không hề nhỏ. Chưa nói tới khả năng lỗi tương thích có thể xảy ra, nếu nhìn vào sự cố năm 2000 bắt nguồn chỉ từ một quy ước đơn giản bị vênh.
Cuối cùng, tưởng nhỏ mà không nhỏ, họ tên người Việt có thể phải đổi theo - một chi phí khổng lồ về hình ảnh của nhiều cá nhân và tổ chức, còn hơn cả việc thêm chữ số vào số điện thoại di động. Tên người Việt sẽ na ná tên người Hàn Quốc hay Singapore.
Giải pháp?
Khác với thời Alexander Rhodes, sự đào thải một phụ âm như "Bl" không gây ảnh hưởng quá lớn - chữ quốc ngữ chưa phổ thông tới mức mọi ấn phẩm hay văn bản hành chính đều được lưu hành bằng kiểu chữ này. Ở thế kỷ XXI, số sách báo, tư liệu tích lũy đã lên tới hàng tỷ đầu mục, việc xóa bỏ hay thay đổi cách đọc, cách viết trên văn bản và trong tâm trí gần chín chục triệu người ở Việt Nam cùng khắp nơi trên thế giới là một thách thức đáng xem xét.
Một cơ quan nghiên cứu về ngôn ngữ mới là đơn vị đáng tin cậy để nghiêm túc đánh giá tác động của quy định pháp luật về bảng chữ cái trước thời điểm dự thảo, khi mà quy phạm ra đời có thể gây nên những xáo trộn lớn trong xã hội. Cần làm rõ thay đổi, dù chỉ ở mức "sử dụng tiếng Việt trong môi trường máy tính và hệ thống giáo dục" sẽ sinh ra chi phí gì và chi phí cho những ai, đa số hay thiểu số. Giải pháp thay thế, bổ sung ký tự có phải là giải pháp duy nhất hay không, nếu không thay đổi thì "thảm họa" lớn nhất cho sự phát triển là gì; và nếu thay đổi thì số phận những ký tự như ph, gi, .v.v. sẽ ra sao, có được dùng song song với các phụ âm mới không, dùng sao để tránh nhầm lẫn.
Từ đó mới đủ lý lẽ khoa học để đề xuất một văn bản khách quan, không bị đánh giá là "để dễ ta, đẩy khó cho người".
Thiếu một đánh giá độc lập và quy mô, những phụ âm kép hiện nay có thể sẽ chung số phận của "Bl". Và tưởng tượng 400 năm sau, biết đâu chúng ta được nhìn trên màn hình Karaoke điệu ngân tình tứ của bài dân ca: "Jận thì jận, mà thương thì thương", hay dị bản dân dã của nó: "Fở là fở, mà Cơm là cơm"...
Nguyên Anh