- Các chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á cho hay, việc Trung Quốc ra mắt máy bay tàng hình thứ hai tuần này là một phần chương trình đưa nước này vào vị trí hàng đầu trong danh sách cường quốc quân sự khu vực.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, máy bay chiến đấu J-31 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên hôm thứ tư tại tỉnh phía bắc Liêu Ninh ở một cơ sở thuộc Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương. "Đây là máy bay chiến đấu thứ hai với thiết kế hoàn toàn mới xuất hiện ở Trung Quốc trong hai năm qua. Nó gây ấn tượng khác biệt về trình độ phát triển kỹ thuật, đặt nước này ở vị trí dẫn đầu trong khu vực", Sam Roggeveen, một chuyên gia an ninh tại Viện Lowy ở Sydney đánh giá.
J-31 có thể nhanh và năng động hơn J-20, và có thể cất cánh từ tàu sân bay, theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Andrei Chang. Ông Chang cho rằng, loại J-31 gần giống như máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ năm mà Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, động cơ của nó không mạnh bằng và vật liệu cản rađa cũng không nhạy bằng của Mỹ. Ông Chang, chủ biên tạp chí quốc phòng Kanwa nhấn mạnh, bởi vậy J-31 kém máy bay Mỹ ở nhiều điểm. "Về hình dáng thì tương tự, nhưng chất liệu và tính năng thì không thể bằng được", ông nói.
Theo các chuyên gia, chưa rõ cả hai loại máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 có được sản xuất hàng loạt hay không, và nếu có thì khi nào. Mỹ đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc để khắc phục các trở ngại do loại máy bay tàng hình gây ra.
Một thách thức khác cho Trung Quốc là vấn đề động cơ cho loại máy bay hiện đại này. Trung Quốc vẫn dựa vào Nga về hệ thống động cơ cho các máy bay loại J-10, J-11, và J-15.
Các khả năng quân sự của Trung Quốc còn tụt hậu so với Mỹ. Nhưng quốc gia châu Á này đã không tiếc tiền đổ vào những chương trình hiện đại hóa quân sự bao gồm việc hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên nâng cấp từ một tàu cũ của Ukraine.
Quá trình tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc khiến láng giềng lo ngại và bất an về tham vọng phô trương sức mạnh quân sự mà họ theo đuổi, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc có các tranh chấp về chủ quyền hàng hải với Nhật (ở biển Hoa Đông) và với một số nước Đông Nam Á (ở Biển Đông).
"Cũng giống như các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ, loại máy bay J-20 và J-31 sẽ bổ sung cho nhau trong các hoạt động tương lai", Bạch Vị, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Thế giới Hàng không nói. "J-31 được thiết kế gần như chắc chắn là hoạt động trên tàu sân bay. Trung Quốc cần cả J-20 nặng hơn và J-31 linh hoạt hơn để bảo vệ không phận", ông Bạch cho biết.
Theo Hoàn cầu thời báo, J-31 là máy bay chiến đấu cỡ vừa, sử dụng các động cơ do Nga chế tạo mà sau này sẽ được thay thế bởi động cơ của Trung Quốc.
"Điểm yếu chính với ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc nói chung và cả hai chương trình trên nói riêng là động cơ", Roggeveen, nguyên là nhà phân tích cho cơ quan tình báo chính phủ Australia và biên tập trang LowyInterpreter của Viện Lowy, nhấn mạnh. "Họ vẫn phụ thuộc rất lớn vào công nghệ nước ngoài, quá trình phát triển các động cơ nội địa hiệu quả cao cho máy bay chiến đấu vẫn còn chậm chạp", ông nói.
Theo Roggeveen, trong khi J-31 và J-20 sẽ gia tăng khả năng chiến đấu cũng như phòng thủ của Trung Quốc thì "nước này sẽ phải mất nhiều năm" để có thể đưa hai loại máy bay chính thức hoạt động trong lực lượng không quân.
Thái An (theo Reuters, BBC, VOA)