Theo đó, căn cứ Quyết định số 848/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của TAS. 

Đồng thời, căn cứ công văn 6358/VSD-LK ngày 12/10/2012 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc ngừng cung cấp toàn bộ các dịch vụ liên quan đến hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán đối với TAS từ ngày 13/10/2012.

Theo HSX, kể từ ngày 15/10/2012, sở sẽ ngừng hoạt động giao dịch và ngừng cung cấp thông tin dữ liệu giao dịch đối với TAS.
Bên cạnh đó, HSX cũng ngừng mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới, ngừng ký kết các hợp đồng giao dịch chứng khoán mới với khách hàng để thực hiện giao dịch qua hệ thống giao dịch của Sở.

Trước đó vài ngày, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã yêu cầu TAS thực hiện các thủ tục cần thiết để chấm dứt tư cách thành viên bắt buộc.

Theo đó, cũng kể từ 15/10, HNX ngừng hoạt động giao dịch trên cả thị trường niêm yết và thị trường UPCoM, ngừng cung cấp dịch vụ thông tin (Bản tin và Infoshow) đối với TAS. Đồng thời, HNX yêu cầu TAS phải ngừng mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới, ngừng ký kết các hợp đồng giao dịch chứng khoán mới với khách hàng để thực hiện giao dịch qua hệ thống giao dịch của HNX; Ký thỏa thuận chuyển giao các dịch vụ, hợp đồng với các khách hàng hiện tại cho công ty chứng khoán khác; Công bố thông tin về ngày tạm ngừng giao dịch tại HNX và đề nghị khách hàng làm thủ tục tất toán, chuyển sang tài khoản ở công ty chứng khoán khác.

Trước đó, Công ty chứng khoán SME cũng đã bị UBCK thu hồi giấy chứng nhận đăng ký lưu ký chứng khoán cũng như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán do thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thành viên lưu ký và để xảy ra tình trạng mất thanh khoản giao dịch chứng khoán, đồng thời bị đưa vào diện kiểm soát nhiều lần.

Như vậy, sau khi loại TAS, hiện vẫn còn 6 CTCK bị nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, gồm CTCK Sài Gòn Thương tín (SBS); CTCK Thương mại và Công nghiệp VN (VIG); CTCK Caosu; CTCK Mê Kông; CTCK Hà Nội và CTCK Trường Sơn.

Nhiều CTCK khác cho dù không nằm trong diện kiểm soát đặc biệt nhưng thua lỗ lớn và dường như chỉ còn hoạt động ở dạng cầm chừng. Tính tới giữa tháng 10/2012, đã có thêm 9 CTCK báo cáo thua lỗ quý III, như: SHS lỗ 59 tỷ (lũy kế hơn 400 tỷ); VFS lỗ 1,47 tỷ; GLS lỗ 2,6 tỷ; STSC lỗ 3,94 tỷ; LVS lỗ hơn 4 tỷ…

Huấn Tú