Có mặt từ sớm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Đắk-Lắk) chia sẻ, gia đình chị từng có người mất vì ung thư máu. Đó là cú sốc lớn đầy khó khăn khi bố chồng chị được chẩn đoán ung thư.

Gia đình đưa ông chạy chữa ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ với hy vọng mong manh. Tuy nhiên, bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, bố chồng chị mất sau 2 năm chống chọi với bệnh tật. 

“Bố tôi không có điều kiện để khám tổng quát hay tầm soát để phát hiện sớm. Xung quanh tôi các cô chú lớn tuổi cũng nhiều người mắc ung thư đại tràng, dạ dày… hầu như đều ở giai đoạn cuối. Bệnh tật lúc nào xung rình rập”, chị Duyên chia sẻ.

{keywords}
Chị Mỹ Duyên tại Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Vì thế, ngay khi dịch Covid-19 ổn định, tiêm đủ 3 mũi vắc xin, chị Duyên từ Tây Nguyên đi TP.HCM kiểm tra sức khỏe. Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chị là một trong những người “xông đất” cho Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư, vừa thành lập ngày 9/2.

“Tôi tham khảo thì thấy tầm soát ung thư vú 400.000 đồng, các loại ung thư khác khoảng dưới 5 triệu. Mình có thể chi trả được. Trong khi nếu mắc bệnh, tiền điều trị không thể đong đếm nổi”, chị Duyên chia sẻ.

Trong khi đó, chị Thái Thu Hoài (TP Thủ Đức) cho biết, ở Thủ Đức không có nhiều nơi tầm soát ung thư, chủ yếu ở các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Ung bướu, Đại học Y dược TP.

"Chúng tôi lên đó vừa xa, vừa quá tải. Nhất là bây giờ khi Covid-19 hết, người dân đổ đi khám bệnh, chờ đợi áp lực lắm”. 

Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư được thành lập sẽ giúp người dân khu vực TP Thủ Đức thuận tiện hơn trong chăm sóc sức khỏe.

{keywords}
Một số loại ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện, điều trị sớm.

Các kỹ thuật hiện đại sẽ giúp truy tìm ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện hoặc khi các khối u còn rất nhỏ. Nếu tầm soát cho kết quả bất thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để kết luận chẩn đoán.

Ngoài ra, người dân có thể tầm soát những loại ung thư có tính chất di truyền, khi tiền sử gia đình có người mắc bệnh.

Nhờ đó, một số loại ung thư được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện, điều trị sớm.

“Bệnh nhân có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí điều trị, không cần hóa xạ trị, tăng thời gian sống còn và giảm tỷ lệ tử vong nếu được chẩn đoán sớm ngay từ đầu”, bác sĩ Trần Văn Khanh bày tỏ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, thế giới có 9,9 triệu ca tử vong vì ung thư, 19,2 triệu trường hợp ung thư mới được chẩn đoán. Ung thư trở thành gánh nặng toàn cầu.

WHO khuyến cáo nên tầm soát 3 loại ung thư phổ biến là đại trực tràng, vú và cổ tử cung. Đồng thời, WHO nhấn mạnh, ở các nước mà bệnh nhân ung thư thường được chẩn đoán ở giai đoạn trễ, thì việc chẩn đoán sớm quan trọng hơn tầm soát. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Linh Giao

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

Những người có người thân trong gia đình từng mắc ung thư dạ dày; người có tiền sử nhiễm HP dạ dày hoặc có thói quen ăn thực phẩm như thịt hun khói, đồ ướp nhiều muối… sẽ có nguy cơ cao mắc loại ung thư này.