- Thị trường cá chép những ngày này bắt đầu sôi động, nhiều cửa hàng quyết định cất bể cá cảnh để bán cá vàng. Bên cạnh những loại cá truyền thống, thị trường đồ phóng sinh năm nay xuất hiện thêm nhiều đại diện mới.

TIN BÀI KHÁC

Cá ngoại, cá nội chen nhau vẫy vùng

Tết ông Công, ông Táo năm nay diễn ra vào đúng đợt lạnh kéo dài nên nguồn hàng cá chép, cá vàng tại các cửa hàng đầu mối không được phong phú như những năm trước. Hầu hết các thương lái không dám lấy nhiều vì sợ cá chết.

Hôm nay (25/1, tức 22 tháng chạp) đang là ngày cao điểm tại các cửa hàng bán cá trong làng Yên Phụ (Ba Đình, Hà Nội). Anh Minh, chủ một cửa hàng bán cá tại đây hào hứng nói “Vài ngày trước mới chỉ có lác đác vài người tới hỏi mua cá vàng, cá chép loại nhỏ và cửa hàng cũng ít cá nhưng chỉ trong sáng nay, đã xuất được trên 200 con các loại”.

Theo anh Minh, giá cả năm nay có nhích hơn năm ngoái từ 10-15%, tuy nhiên vì là thứ không thể thiếu trong lễ cúng ông Công, ông Táo nên người dân vẫn tấp nập đến mua.  Giá các loại cá chép vàng loại nhỏ từ 10.000-15.000 đồng/con, chép ngũ sắc từ 20.000 – 25.000 đồng/con.


 Bên cạnh các loại cá chép, cá vàng truyền thống, thị trường đồ phóng sinh năm nay xuất hiện thêm cả cá ngoại

Bên cạnh các loại cá vàng truyền thống, thị trường năm nay cũng xuất hiện thêm nhiều loại cá lạ được nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản với mức giá chênh lệch khoảng 50-150%. Điển hình như cá chép Nhật vàng, loại từ 100 – 150g có giá từ 50.000 – 60.000 đồng/con, cá chép ngọc trai (đầu có vảy óng ánh) giá 45.000 – 50.000/con, cá chép kỳ lân có mức giá từ 45.000 – 60.000 đồng/đôi.

Ngoài ra, một số hộ kinh doanh còn nhập thêm cá chép đen tuyền, cá chép trắng. Mức giá các loại cá này dao động trong khoảng 50.000 – 70.000 đồng/con.

Anh Nghiệp, chủ cửa hàng cá cảnh tại phố Hoàng Hoa Thám cho biết, người dân vẫn hay chuộng những loại cá chép, cá vàng loại nhỏ, vừa hợp túi tiền mà sức sống lại tốt. Tuy nhiên, cũng có không ít người cầu kỳ lựa chọn những giống cá mới, cá lạ để lễ cúng cho sang.

Cả năm mới tiễn ông Công, ông Táo một lần, có bỏ thêm chút tiền để lựa đôi cá to, cá lạ thì cũng chẳng nên tiếc làm gì” – Chị Hoa (khu tập thể Thành Công) cho hay.

Nhiều người ngại cảnh chen chúc trong các cửa hàng bán cá cũng có thể dễ dàng mua được các loại cá chép vàng tại chợ hay mua của những người bán cá dạo. Thông thường ở những nơi này cá thường được đóng thành từng cặp và mức giá chênh khoảng 5-8%.

Cấm rùa, baba lên ngôi

Không còn thuần túy chỉ cúng cá chép, các gia đình có điều kiện chuyển sang cúng rùa, cúng ba ba. Tuy nhiên, từ ngày thành phố khuyến cáo người dân không nên thả rùa tai đỏ thì nhiều nhà chuyển hẳn sang ba ba.

Anh Tiến, chủ cửa hàng điện thoại di động tại phố Cầu Giấy cho biết “Đi xem bói, thầy bảo nhà tôi dạo này làm ăn chậm chạm quá nên muốn giải xui thì nhân cơ hội phóng sinh Tết ông Công, ông Táo là phải “gửi” ngay. Giờ biết rùa tai đỏ độc hại nên không nhờ cụ chở xui nữa mà nhờ ba ba vậy”.

Chị Minh Nguyệt, nhà ở phố Hàng Cót cũng cho hay: “3 năm nay nhà tôi đều thả ba ba. Từ ngày được bạn mách nước chuyển sang loại này, nhà tôi buôn bán khấm khá hẳn. Giá tuy có đắt hơn cá chép có khi đến cả mấy chục lần nhưng vì nồi cơm cả năm nên vợ chồng tôi vẫn vui vẻ”.


Nhiều người lựa chọn ba ba để phóng sinh với hi vọng sẽ chở theo xui xẻo của năm cũ.

Chị Nguyệt cũng cho biết, thường những ngày này tìm mua ba ba không phải là chuyện dễ. Vì gần sát Tết nên các cơ quan tổ chức tất niên, nhậu nhẹt nhiều nên muốn mua thì phải đặt các nhà hàng bán ba ba từ trước. Mức giá cho con nhỏ nhất tại đó cũng đã ngót nghét 200.000 – 300.000 đồng/con.

Cũng vì cảnh phóng sinh “hàng xịn” mà nhiều người phải lặn lội đêm hôm mới dám chở ba ba đến sông, hồ để thả vì lo thả ban ngày ông Táo chưa kịp lấy thì người trần đã lội xuống bắt lên, xui lại hoàn xui.

Tốn kém, cầu kì là vậy, song theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, hiện nay người dân đang thương mại hóa quá nhiều thứ mà quên dần đi các nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Cái gốc của ông Công, ông Táo vốn là tục thờ Thần Bếp, Thần Nhà trong các gia đình người Việt. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm để tiễn các Táo về chầu trời. Ở miền Bắc thường cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước sau đó thả phóng sinh, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông táo về trời. Tại miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì giản dị hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Minh Anh