Việt Nam vốn nổi tiếng với sự hòa trộn văn hóa của 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền luôn có những phong tục tập quán riêng, tạo nên sự đa dạng thú vị. Đặc biệt, dịp Tết cổ truyền, ba miền Bắc - Trung - Na đều có các phong tục ngày Tết rất riêng, rất đặc biệt, mang ý nghĩa sâu sắc được phản ánh trong những trang văn, cuốn sách sinh động.

Tô Hoài: Tết Tây Bắc

image001.png

“Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội.

Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ”.

“Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi”.

“Ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm cái sân chơi chung ngày Tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy”.

Vũ Bằng: Tết Hà Nội

image003.png

“Yêu tháng Chạp không biết bao nhiêu, nhưng yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đã thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”.

“Ở Hà Nội, đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém hẳn phần rực rỡ”.

“Lúc ấy, nhà đã trang trí xong xuôi. Đèn nến thắp la liệt trên bàn thờ. Nhìn vào chỗ nào cũng thấy khói hương nghi ngút… Ở ngoài kia, có tiếng gì nhỏ bé như tiếng sóng xa xa mà lại như tiếng đàn hát của thần tiên, tiếng chuyển mình của sông hồ, của lộc cây, của giàn hoa thiên lý?”

“Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xăm có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng …

Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một cái áo lông, ngậm một ống điếu, mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!”.

Thiệu Trị Hoàng đế: Tết Cung đình Huế

Phương viên xuân sắc (Sắc xuân trong vườn thơm)

“Vũ trụ huyên hoà ái diễm dương,

Thượng lâm vô hạn hảo phong quang.

Doanh đình đào lí thiên chân thú,

Mãn giá thi thư cổ trật hương.

Hoa chức ngô lăng khi cẩm tú,

Liễu thư nhân tự mộ văn chương.

Khả tri vật thái giai sinh ý,

Tiên trạch triêm nhu vĩnh Thiệu Phương”.

Dịch nghĩa

“Vũ trụ giao hoà dưới ánh dương diễm lệ,

Cảnh sắc vườn Thiệu Phương vô cùng đẹp đẽ.

Trước sân hoa đào hoa lý gợi niềm hứng thú,

(Trong nhà) các giá sách thấm đậm mùi hương.

Hoa dệt gấm như lụa Ngô, coi khinh cả cẩm tú,

Liễu như dáng người mến mộ văn chương.

Mới hay muôn vật đều có ý,

 Ân trạch tiền nhân đã thấm nhuần ở vườn Thiệu Phương”.

Võ Hồng: Tết miền Trung

image005.png

“Cùng với sự phát triển của dãy cúc vạn thọ, cái Tết như cũng lớn dần. Manh nha từ đầu tháng Mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tàn ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà. Cái Tết lớn lần lên với những bụi hoa, vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum suê và bắt đầu ra nụ.

Càng đi sâu vào ngày tháng, cái Tết càng hiện rõ thêm, in dấu vết trên mọi cảnh mọi vật và mọi hoạt động của con người. Chữ Tết được nhắc đi nhắc lại một cách thân mến êm đềm trong mọi trường hợp sinh hoạt ở gia đình”.

Lê Văn Nghĩa: Tết Sài Gòn

“Để chuẩn bị đón Tết cho thật 'đàng hoàng', mẹ tôi cũng như những người phụ nữ quản lý gia đình khác đều phải đi chợ Tết. Đi chợ Tết như là một thủ tục đầu tiên để đón ông bà, đưa ông Táo nghinh xuân cho thật chu đáo. Tết bắt đầu từ chợ. Chính chợ đã tạo nên không khí mua sắm rạo rực của ba ngày Xuân.

Dù bây giờ đã có siêu thị lo hàng Tết, mua hàng Tết qua online nhưng người ta vẫn thấy thiêu thiếu khi không đi chợ Tết. Đi chợ Tết không phải chỉ đi mua sắm mà để hưởng cái không khí Tết bắt đầu từ chợ Tết. Lúc nhỏ đi chợ Tết để mong mau trở thành người lớn ăn Tết cho thật 'bảnh tỏn', cho 'đã đời Vân Tiên'. Khi có tuổi người ta đi chợ Tết để hoài niệm lại bao bóng hình tuổi thơ gắn liền với phiên chợ Tết, nhớ lại bóng mẹ ngày xưa thân cò lặn lội để cho con có được ngày Tết...”.

Vương Hồng Sển: Tết Nam bộ

sai gon nam xua.png

“Nhớ đến phong tục chùi lư mà tiếc hối buổi xuân thời: lúc nào còn bé thơ, mãi sợ nạn chùi lư vì mỏi tay thêm mất dịp đi xin bánh và đi lượm pháo tịt ngòi. Nay đã khôn già thì người lớn đã khuất hết, tiếc cho mình nay không còn cha mẹ để được bắt chùi lư!”.

”Cứ từ chạng vạng tối bắt đầu phải giữ gìn cho trong nhà bình tịnh, không nên cười lớn và khi nói phải lựa lời, cử chỉ phải thanh bai lễ giáo vì hiểu rằng vào khem trong nhà có rước vong ông bà quá vãng về sống chung ba ngày xuân nhựt với con cái, nên phải thủ lễ. Lại nữa cũng tin tưởng, tin rằng đêm ba mươi rạng mồng một Tết, có ông Hành cũ và mới đến nên trong nhà nhỏ lớn đều kiêng không 'động đất'. Và cũng từ quan niệm trên đã hình thành nên mỹ tục đẹp trong văn hóa Tết của người Nam bộ nhiều gia giáo ngày nay còn giữ được lệ cấm nói tục tĩu ba ngày Tết và bớt rầy la con cháu khi lầm lỗi buổi đầu xuân, ý tốt muốn giữ là mong năm mới và suốt năm ăn nói thanh bai thì sẽ trọn năm không xúi quẩy.

“Tết đến lại có dịp vặn máy hát thức xem đèn dầu, tim bằng cỏ bấc trổ bông báo điềm lành và nhờ đêm thanh tịnh không tiếng súng nổ mà cũng không tiếng máy bay rầm rầm, nên cổ nhân canh chừng mới biết được 'con thú gì ra đời': gà gáy đem lại thăng bình hay chuột túc con bày điềm sang năm sung túc”.

Cánh Cam