- Dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên dự tính hoàn thành toàn tuyến vào 6/2013 nhưng đang bị chậm tiến độ do khâu GPMB. Lãnh đạo Bộ GTVT đã mạnh tay chỉ đạo để các đơn vị thi công và nhà thầu khắc phục.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo các nhà thầu thi công Cao tốc QL.3 Hà Nội – Thái Nguyên.
Thông xe nửa tuyến vì… vướng mặt bằng
Dự án đường cao tốc QL.3 mới Hà Nội – Thái Nguyên đã được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013.
Tuy nhiên, do còn vướng về mặt bằng nên dự kiến vào tháng 6/2013 dự án chỉ thông xe được đoạn 29,3km đường chính tuyến trên địa phận tỉnh Thái Nguyên (từ mố A2 cầu Phù Lôi đến cuối tuyến).
Cả 3 gói thầu PK1 thuộc địa phận Hà Nội tiến độ thi công “ì ạch” do ảnh hưởng của công tác GPMB, chưa xây dựng được các khu tái định cư cho dân. |
Dự án đường QL3 mới được chia làm 4 gói thầu chính, trong đó địa bàn Hà Nội có 3 gói thầu PK1A, 1C, 1B, gói PK2 trên địa bàn Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 (Tổng Cục đường bộ VN) cho biết: Tính đến nay, toàn dự án đã đạt được 58% khối lượng thực hiện các hạng mục gói thầu. Gói thầu PK2 về cơ bản tiến độ sẽ đảm bảo thông xe trong tháng 6/2013.
Đối lập với gói thầu PK2, tại Hà Nội, cả 3 gói thầu PK1 tiến độ thi công “ì ạch” do ảnh hưởng của công tác GPMB, chưa xây dựng được các khu tái định cư cho dân.
Theo đánh giá, công tác GPMB và xử lý nền đất yếu tại các huyện địa bàn Hà Nội bị chậm trễ đã khiến nhiều đoạn trên tuyến đường không thể thi công, ảnh hưởng tiến độ toàn dự án.
Ông Long cho biết, đến cuối tháng 2 vừa qua, tổng mặt bằng đã bàn giao và có thể thi công đạt 98,6% (60,5km/61,3km), riêng Hà Nội vẫn còn 117 hộ dân chưa chịu di dời do chính quyền sở tại chưa triển khai được phương án đền bù, tái định cư.
Cụ thể, cả 3 gói thầu PK1 trên địa bàn Hà Nội đều dính nhà nằm ‘chình ình’ trên tuyến, bàn giao mặt bằng theo kiểu ‘xôi đỗ’ nên rất khó thi công.
Ngoài ra, các nhà thầu cho biết, các điểm chưa bàn giao mặt bằng lại nằm trong vùng đất yếu nên đòi hỏi thời gian xử lý ít nhất 6 tháng bằng búa khoan cọc cát, đóng lún, gia tải chờ lún…
Về vướng mắc công tác GPMB tại các gói thầu PK1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ này sẽ làm việc với Hà Nội để có phương án cụ thể, sớm bàn giao mặt bằng.
Thay thế nhà thầu “có vấn đề”!
Trong số 7 nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, TCT Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) có giá trị hợp đồng chiếm 30% gói thầu PK1, 20% gói thầu PK1C và 40% gói thầu PK2. Thế nhưng hiện Cienco8 lại đang gặp khó khăn về tài chính.
Đối với gói thầu PK1C, Thứ trưởng Trường chỉ đạo, nếu đến 30/3 Cienco 8 không lo được tài chính và không đưa ra được giải pháp thi công cụ thể thì Ban Quản lý dự án 2 ra quyết định yêu cầu Cienco1 làm luôn toàn bộ móng, mặt, khối lượng đắp đất của Cienco 8.
"Trong trường hợp Cienco 8 lo được tài chính
thì cách chỉ đạo thực hiện cũng phải được cải thiện, chứ không phải có tiền rồi
vẫn để mấy ông nhà thầu lẹt đẹt làm thì cũng không được”, ông Trường chỉ đạo
thêm.
Gói thầu PK2 thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được các nhà thầu gấp rút thi công để thông xe vào tháng 6/2013. |
Liên quan đến việc thi công tại điểm Tân Lập, Thứ trưởng Trường yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 xem xét, nếu thấy Cienco 8 khả năng “có vấn đề” thì phải điều đơn vị khác vào làm tiếp “để một ông làm cầu, một ông làm đường”.
“Khối lượng công việc còn rất lớn, chỉ đổ mấy chục cái dầm cầu đã mất hơn một tháng rồi, trong khi thời gian chỉ còn hơn 2 tháng nữa là thông xe thì làm sao làm được?”, ông Trường băn khoăn.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trường lưu ý các nhà thầu về quy trình kỹ thuật tại đường hai đầu cầu, cống của tuyến đường. Trong quá trình đầm tải phải làm đúng quy trình, tránh tình trạng khi thi công xong đường lún so với cầu cống, dẫn đến tình trạng khi phương tiện đi qua thường vấp phải mố cầu, tạo ra tiếng kêu.
Tình trạng này đã xảy ra ở gần hết các tuyến đường cao tốc hiện nay.
Vũ Điệp