- Có hay không việc "Kinh doanh nhan sắc" thông qua các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế? Câu hỏi này nhiều người đặt ra nhưng chưa có câu trả lời từ những đơn vị có bản quyền, đưa người đi so tài.


VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với bà Thúy Nga - Giám đốc điều hành Elite Việt Nam - đơn vị nắm giữ bản quyền đưa người đi thi ở nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế và là đối tác đồng hành với các công ty để tổ chức thành công Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Trái đất 2007 ở Việt Nam.

Từ chối những cuộc thi không có chất lượng cao

Ở Việt Nam có khá nhiều đơn vị có thâm niên đưa người đẹp Việt đi thi nhan sắc nhưng vẫn ít đơn vị chuyên nghiệp. "Kinh doanh sắc đẹp" là cụm từ mà nhiều người đang đặt dấu hỏi đối với một số công ty đưa người đẹp đi thi. Là người đơn vị có thâm niêm và kinh nghiệm nhiều nhất trong việc đưa thí sinh đi thi quốc tế, quan điểm của bà ra sao?

- Việc nhiều người đặt câu hỏi với một số công ty đưa người đẹp đi thi là "Kinh doanh sắc đẹp" tôi không có ý kiến vì đó không phải là tiêu chí của Elite. Đến nay qua nhiều sàng lọc, để giữ được chất lượng chúng tôi chỉ quyết định giữ hơn 30 bản quyền các cuộc thi Hoa hậu và người mẫu lớn nhất TG. Mặc dù vẫn thường xuyên nhận được thư mời tham dự hàng trăm cuộc thi lớn nhỏ khác nhau trên TG, nhưng qua xem xét chúng tôi quyết định từ chối những cuộc thi không có chất lượng cao. Điều thứ hai chúng tôi có được sau những hoạt đông này là học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm tổ chức, quản lý, ý tưởng từ những cuộc thi HH, người mẫu lớn nhất TG.

Đưa người đẹp đi thi là kênh đầu tư kém hiệu quả

Công ty Elite VN có đặt yếu tố kinh doanh trong việc đưa người đẹp đi thi? Công ty chọn người mang lại lợi nhuận hay quảng bá hình ảnh?

- Nếu coi việc tổ chức các cuộc thi HH hay bỏ tiền mua bản quyền đưa người đẹp đi thi là việc mang lại lợi nhuận thì đây là kênh đầu tư kém hiệu quả về kinh tế. Với cuộc thi HHTG thì 8/10 thí sinh VN do Elite mua bản quyền đi thi đều không có tài trợ. Trên thực tế các đơn vị tổ chức cuộc thi sắc đẹp hay như Elite bỏ tiền mua bản quyền chỉ nhằm tới yếu tố hoạt động xã hội, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và tích lũy kinh nghiêm cho những công việc khác của mình, đó là những lợi ích vô hình nhưng vô cùng quý báu và không phải cứ có tiền là mua được.

Bà Thúy Nga - GĐ điều hành Elite Việt Nam
Vi sao Ngô Phương Lan từ chối thi HHTG?

Việc lựa chọn được người đẹp đủ tiêu chuẩn, đủ tự tin và tài năng dự thi các cuộc sắc đẹp mang tầm thế giới là một vấn đề nan giải từ nhiều năm nay. Thực tế một số người đẹp có nhan sắc, tài năng nhưng lại cố tìm lý do nào đó để từ chối. Bên cạnh đó có người lại được cử đi thi nhiều hơn mức cần thiết, trường hợp Chung Thục Quyên là một ví dụ. Ý kiến của bà?

- Đến thời điểm này sau 10 năm đưa các người đẹp Việt Nam đến với các cuộc thi nhan sắc quốc tế thì chỉ có duy nhất Hoa hậu Ngô Phương Lan từ chối lời mời của Elite trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) 2007. Lý do là sau 1 tháng tham dự cuộc thi tại VN cô không thể tiếp tục xin trì hoãn cuộc thi tốt nghiệp ĐH ở Thụy Sĩ. Bố Phương Lan đã gọi điện thoại từ Thụy Sĩ về nói chuyện với tôi, và dù rất tiếc nhưng chúng tôi phải tôn trọng quyết định hợp lý của HH Ngô Phương Lan và gia đình.

Các thí sinh còn lại khi nhận lời mời tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế đều rất hào hứng và tự hào vì được là đại diện VN trong những sự kiện văn hóa lớn như vậy. Về việc người đẹp Chung Thục Quyên tham gia nhiều cuộc thi quốc tế (cụ thể là 3 cuộc) chúng tôi thấy rằng không có gì là quá mức cần thiết. Trên thực tế các nước có lịch sử tham gia các cuộc thi HH lớn trên thế giới (TG) vẫn thường xuyên cử các thí sinh của mình đi tham dự nhiều cuộc thi khác nhau để có thể tích lũy kinh nghiệm cho những cuộc thi lớn hơn.

Năm 2010 khi sang Trung Quốc tham dự đêm chung kết HHTG chúng tôi đã gặp một thí sinh từ châu Phi và cô đã tâm sự rằng từ tháng 8/2010 đã xách vali đi tham dự từ cuộc thi HHHV rồi đến Trung Quốc tham dự cuộc thi HHTG và cuối cùng là đến VN tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất (HHTĐ). Đây là điều hết sức bình thường trên thế giới và thực tế các nước đã có được những thí sinh chuyên nghiệp từ kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều cuộc thi khác nhau, vậy tại sao chúng ta lại cứ phải đi ngược lại xu hướng đã hết sức phổ biến này?!

Không phải muốn đưa ai đi thi cũng được

Có ý kiến cho rằng Elite VN luôn ưu tiên "gà" trong công ty và thực tế có không ít người đẹp đã tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp quốc tế nhưng nhiệm vụ "quảng bá văn hoá" của họ thì thực hiện được chưa nhiều, có những trường hợp còn có tác dụng ngược như Hoa khôi Thể thao Hồng Hà. Bà nghĩ thế nào về điều này?

- Các cuộc thi HH lớn trên TG đều là những tổ chức hết sức chuyên nghiệp và không phải chúng ta muốn làm gì thì làm, muốn đưa ai đi thi thì đi, mọi cái đều phải được chứng minh thực tế và xem xét tỉ mỉ từ BTC cuộc thi đến các cơ quan chức năng trong nước. Để giải đáp "ý kiến" này chúng tôi xin được đưa ra con số thực tế ở cuộc thi nhan sắc lớn nhất HHTG, duy nhất chỉ có Á hậu Đặng Minh Thu là người mẫu của Elite vào thời điểm đó, 9 thí sinh còn lại, tính đến thí sinh năm nay là Á hậu Hoàng My đều là thí sinh tự do, không ai là người mẫu của Elite.

Việc lựa chọn thí sinh VN đại diện tại các cuộc thi lớn trên TG không thể lựa chọn theo cảm tính hoặc lợi ích cá nhân vì thí sinh được đề cử đều phải hội tụ đủ những tiêu chí của BTC cuộc thi và của Bộ VH-TT-DL. Nếu thí sinh hội tụ đủ những tiêu chí trên thì sẽ được đề cử, không quan trọng thí sinh đó là người mẫu tự do hay của công ty. Việc quảng bá hình ảnh đến TG chúng tôi cho rằng các thi sinh đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Không thể phủ nhận hình ảnh VN đã đươc biết đến nhiều hơn qua hình ảnh và các hoạt động của đại diện VN qua các cuộc thi trên TG hay ở những cuộc thi nhan sắc quốc tế đã được tổ chức tại VN.

Gần đây tôi có đọc một bài trả lời phỏng vấn của Hoàng My. Cô ấy nói mục tiêu ở Miss World 2012 là lọt vào top 15 hoặc Top 10. Riêng cá nhân tôi lại cho rằng, việc đoạt giải thưởng không phải quá quan trọng đối với một thí sinh đại diện Việt Nam đi thi quốc tế mà cô ấy mang được những thông điệp gì từ Việt Nam trong quá trình tham dự cuộc thi mới là điều nên tìm hiểu và hướng tới. Còn với bà thì sao?

- Những gì Hoàng My phát biểu nhằm trả lời câu hỏi của nhà báo về việc đánh giá cô sẽ lọt top hay không. Việc My đưa ra tiêu chí và sự nỗ lực để phấn đấu cũng là những gì mà nhiều người hâm mộ mong muốn. Ngoài ra việc quảng bá cho đất nước con người VN tại cuộc thi là điều mà chính tiêu chí của cuộc thi nhắm tới, tức là mỗi thí sinh chính là một đại sứ văn hóa cho đất nước mình, đem tới cuộc thi những thông điệp về đất nước mình, và được thể hiện qua trang phục dân tộc, trang phục dạ hội, đồ lưu niệm tặng cho BTC và thí sinh các nước, hoặc clip về những hoạt động từ thiện của thí sinh... 

Một số quốc xem các cuộc thi hoa hậu như là cơ hội vàng quảng bá hình ảnh, du lịch quốc gia đến mức bất chấp gánh nặng chi phí nhưng cũng có nơi thực tế hơn đã sớm rút lui để bảo toàn túi tiền.  Họ vẫn quảng bá hình ảnh quốc gia, giới thiệu du lịch, chào đón du khách nhưng bằng những phương cách khác tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn. Ý kiến của bà về vấn đề này?

- Việc quảng bá hình ảnh đất nước tới du khách có rất nhiều hình thức khác nhau và mỗi cách đều có ý nghĩa và ích lợi riêng. Tôi muốn đưa một ví dụ về đất nước rất gần với Việt Nam là Malaysia. Từ hơn 10 năm nay Malaysia đặc biệt chú trọng tới việc quảng bá du lịch trên khắp thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc tích cực đưa thí sinh tham dự nhiều cuộc thi HH và tự tổ chức rất thành công nhiều cuộc thi HH về du lịch, đặc biệt là cuộc thi HH Du lịch quốc tế được tổ chức hơn 10 năm nay, và họ đã rất thành công trong lĩnh vực này. H

Ngoài ra mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy trên trang chủ của cuộc thi HHTG có bao nhiêu thí sinh tham gia, tổng số các nước tham dự luôn luôn trong khoảng 100 nước đến 120-130 nước. Càng ngày số nước làm hồ sơ xin được tham gia càng nhiều, đặc biệt các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á không bao giờ vắng mặt, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng trong việc quảng bá văn hóa, du lịch từ cuộc thi lớn như thế nào.

Việc quảng bá hình ảnh quốc gia, giới thiệu du lịch, chào đón du khách cho đất nước mình sẽ phải chi phí không dưới con số hàng chục, hàng trăm tỉ đồng và sẽ là con số rất khập khiễng nếu so với việc mua bản quyền để được quyền tham dự các cuộc thi HH lớn, cho dù con số này cũng không hề nhỏ, và việc đưa thí sinh đến tham dự các cuộc thi HH cũng là hình thức quảng bá rất tốt cho đất nước và con người Việt Nam.

Khắc Tiệp - Giám đốc công ty Venus: Bỏ tiền túi đưa người đẹp đi thi để quảng bá cho công ty

Chúng tôi không bao giờ đặt nặng lợi nhuận trong việc đưa các người đẹp tham dự các cuộc thi nhan sắc, người mẫu mang tầm quốc tế. Tùy từng cuộc thi mà chúng tôi lựa người nhưng chắc chắn một điều là chúng tôi chỉ đưa người thuộc công ty đi thi còn không đưa người ngoài.

Chúng tôi không mua bản quyền như một số công ty khác mà khi nào đối tác nước ngoài muốn tìm thí sinh thông qua công ty tôi thì mới đưa người đi thi.

Từ trước đến nay chả có nhà tài trợ nào đồng hành với chúng tôi cả. Chúng tôi tự bỏ tiền túi ra hết. Chi phí không tốn kém lắm vì có một số cuộc BTC họ lo vé máy bay, ăn ở, chúng tôi chỉ phải bỏ tiền cho chuyên gia trang điểm đồng hành với thí sinh thôi.

Mục tiêu của chúng tôi đặt ra với các thí sinh ở các cuộc thi là phải đạt thành tích cao. Đoạt giải càng cao càng tốt bởi như vậy họ mới biết đến đất nước mình. Hơn nữa, thí sinh đoạt giải thì hình ảnh, thương hiệu công ty của chúng tôi cũng vì thế mà được chú ý hơn. Nói tóm lại tiêu chí đầu tiên trong việc đưa người đẹp đi thi quốc tế với chúng tôi là muốn quảng bá công ty mình.

Sơn Hà