- Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh muốn nộp đơn phúc khảo không biết nộp đơn ở đâu.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thí sinh có 10 ngày nộp đơn phúc khảo
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết, thí sinh nộp hồ sơ ở đâu thì đến nơi đó nộp đơn phúc khảo.
Theo đó, học sinh lớp 12 nộp tại trường THPT thì nộp đơn phúc khảo tại trường THPT.
Tthí sinh tự do thi tại cụm thi TP.HCM thì nộp đơn phúc khảo tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.
Thời gian nộp đơn phúc khảo bắt đầu từ ngày 23/7 đến hết ngày 1/8. Lệ phí phúc khảo là 30.000 đồng/môn. Sau ngày 15/8 sẽ có kết quả phúc khảo.
Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết sau ngày 27/7 thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đến đơn vị này để nhận Giấy chứng nhận kết quả điểm thi THPT quốc gia (thí sinh mang theo phiếu số 2 hoặc thẻ dự thi).
Tại cụm thi do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì, ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã gửi mẫu đơn cho phúc khảo cho các sở bằng thư điện tử, sau đó gửi bằng văn bản. Các sở GD-ĐT chuyển dữ liệu phúc khảo và lệ phí phúc khảo cho hội đồng trường chậm nhất là ngày 31/7. Hội đồng trường sẽ chấm phúc khảo sẽ gửi kết quả phúc khảo đến các sở chậm nhất là ngày 5/8. Lệ phí chấm phúc khảo là 30.000 đồng/một môn. Ngoài các môn tự luận Trường ĐH Cần Thơ chấp nhận phúc khảo cả môn thi theo hình thức trắc nghiệm.
Ông Đỗ Minh Hoàng, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, thí sinh muốn phúc khảo bài thi khi nộp đơn hồ sơ ở trường nào nên gửi đơn phúc khảo về trường đó. Sau đó trường sẽ tổng hợp rồi gửi về cho sở, sở sẽ gửi cho các cụm thi.
Ông Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng cho hay, theo quy định trong vòng 10 ngày kể từ ngày công bố điểm. Đến ngày 22 vừa qua Bộ GD-ĐT mới công bố điểm nên hết ngày 1/8 mới kết thúc việc nộp đơn phúc khảo. Về mẫu đơn, thí sinh làm theo mẫu quy định do sở hoặc Bộ ban hành. Các sở GD-ĐT hướng dẫn thí sinh việc nhận đơn phúc khảo sau đó gửi dữ liệu về trường, trường sẽ chấm phúc khảo.
Không nên nghĩ chấm phúc khảo để được tăng điểm
Ông Nguyễn Văn Xê khuyên thí sinh, không nên nghĩ xin chấm phúc khảo để được tăng điểm vì bài thi đã được chấm 2 lần với 2 người chấm khác nhau.
Cụ thể, theo ông Xê tổ thứ nhất nhận túi bài thi và phân công cho người chấm lần 1. Người này chấm bài bằng cách đọc bài thi và ghi điểm trên phiếu chấm thi, không để lại dấu vết gì trên bài thi. Sau đó các phiếu chấm được rút ra và chuyển cho tổ thư ký. Bài thi vẫn còn nguyên trạng như khi chưa chấm và được chuyển cho tổ thứ 2 để phân công cho một người khác chấm lần 2.
Như vậy việc chia thành 2 tổ chấm thi nhằm bảo đảm túi bài thi không thể trở về tay người chấm thi thứ nhất. Nếu người thứ nhất chấm có sót câu nào thì người thứ 2 cũng gặp câu đó, rất khó xảy ra trường hợp cả 2 người chấm đều bỏ sót cùng một câu (hoặc một phần của câu). Sau khi bài được chấm 2 lần tổ thư ký sẽ đối chiếu điểm của 2 lần chấm.
Nếu tổng số điểm bài thi của 2 lần chấm chênh lệch nhau từ 0,25 điểm trở lên thì cả 2 người chấm phải ngồi lại đối chiếu với bài thi để sao cho điểm của 2 người hoàn toàn giống nhau thì mới được chấp nhận.
Ông Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm TP.HCM cũng cho hay phúc khảo bài thi là quyền của thí sinh, nhưng hội đồng chấm thi đã trải qua một quy trình chấm chặt chẽ, nghiêm túc nên rất hiếm xảy ra sai sót.
Cụ thể, việc chấm bài thi trải qua các quy trình chấm lần 1, chấm lần 2, kiểm tra và chấm lần 3, sau đó tiếp tục đối thoại và thống nhất điểm rồi chấm kiểm tra.
Ở lần 1 người chấm sẽ chấm bằng bút đỏ trên phiếu chấm với đủ điểm thành phần và điểm toàn bài, không được ghi bất kì thứ gì vào bài thi, trước khi chấm phải kiểm tra đầy đủ số tờ, số bài, số phách. Khi chấm phải gạch chéo lên phần trắng của giấy thi.
Ở lần 2, người chấm bằng bút đỏ, trực tiếp lên bài làm của thí sinh, ghi điểm chấm từng ý nhỏ tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm. Ở lần chấm này người chấm ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào vị trí quy định (chưa lên điểm chính thức bài thi)
Ở lần kiểm tra và chấm lần 3, sẽ tổ chức chấm nếu việc chấm lần 1 và lần 2 lệch nhau 0,2 điểm đối với môn Ngoại Ngữ, 1 điểm với môn Toán, 1,5 điểm đối với môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý…bằng bút màu tím.
Như vậy trong cả ba lần chấm có thể xảy ra các tình huống. Nếu kết quả 2 và 3 giống nhau, trưởng môn chấm thi lấy giống nhau làm điểm chính thức. Nếu kết quả lần 3 chấm lệch nhau lớn nhất là đến 0,4 điểm môn Ngoại Ngữ, 2 điểm môn Toán, 2,5 điểm đối với môn Văn, Sử, Địa trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 điểm làm điểm chính thức. Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất là trên 0,4 điểm đới với môn Ngoại ngữ, 2 điểm đối với môn Toán, 2,5 điểm đối với môn Văn, Sử, Địa trưởng môn chấm thi sẽ tổ chức chấm tập thể.
Sau lần này hai cán bộ chấm lần 1 và 2 sẽ đối thoại thống nhất điểm của bài thi. Và chấm kiểm tra bằng cách chấm nguyên túi nhưng thực hiện chấm hai vòng độc lập
Ông Hồng cho hay, khi chấm thi các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm, trừ phần viết của bài thi ngoại ngữ. Cán bộ chấm không được quy tròn điểm từng bài thi. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng Ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm. Với quy trình chấm như vậy, chúng tôi đã làm rất chặt chẽ, nghiêm túc, thí sinh đừng nên nghĩ chấm phúc khảo để được tăng điểm. Tuy nhiên việc phúc khảo là quyền của các em. Chúng tôi sẽ chấm lại nếu nhận được đơn của thí sinh.
- Lê Huyền