- "Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT" là vấn đề không mới, nhưng mỗi lần có dịp nêu ra lại tiếp tục được dư luận quan tâm. Sau khi Phó Chủ tich nước Nguyễn Thị Doan gợi ý xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng hồi đáp "trong điều kiện hiện nay, bỏ thi tốt nghiệp THPT thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống". Dẫu biết rằng chưa có quyết định bỏ thi sớm, nhưng dư luận vẫn liên tục những vấn đề xoay quanh.
Ảnh minh họa: Văn Chung |
Bỏ thi: Vì tốn kém, hình thức
Trước giải thích bỏ tốt nghiệp, chất lượng giáo dục THPT sẽ đi xuống, độc giả Lê Văn An đặt câu hỏi:
“Động lực học chính là từ học sinh, mục đích đi học là để nhận kiến thức chứ không phải để đi thi THPT để rồi nhận bằng THPT. Nhu cầu học của học sinh là động lực để các thầy cô giáo tận tâm với học trò chứ không phải vì thi THPT thì giáo viên THPT mới tận tâm. Vậy thì các thầy cô Tiểu học, THCS không tận tâm, không phấn đấu vì học sinh sao?”
“Bỏ thi tốt nghiệp THPTcũng tương tự như bỏ thi tốt nghiệp THCS cách đây một số năm, mới đầu nhiều người cũng nghĩ bỏ thi thì sẽ ảnh hương tới chất lượng, nhưng thực tế không phải như thế. Kỳ thi tốt nghiệp nếu coi nghiêm túc như một năm thực hiệm 2 không thì tỉ lệ tốt nghiệp quá thấp, còn hiện nay tỉ lệ đỗ đến 96% thì kỳ thi chỉ là hình thức” – một độc giả khác bình luận.
Những lý do như: kỳ thi hình thức, không phản ánh đúng chất lượng, gây tốn kém… liên tục được độc giả đưa ra để giải thích cho ý kiến nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. “So sánh kết quả giữa hai kỳ thi Đại học và tốt nghiệp cấp 3 kết quả chênh nhau rất xa. Điều đó chỉ ra bệnh thành tích trong giáo dục đã quá nặng rồi. Chúng ta nên vì lợi ích chung của nhân dân cả nước, chứ đừng vì một nhóm lợi ích cục bộ” – anh Đàm Văn Tuynh khẳng định.
Trước phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng chính xác hơn, bạn đọc Phan Hoa đề nghị lãnh đạo ngành giáo dục nhìn thẳng vào sự thật chất lượng giáo dục hiện nay:
"Hãy thẳng thắn, chân thành thì mới cùng nhau tháo gỡ được những loay hoay, bùng nhùng, bất cập”.
Không thi : Không có gì trong đầu
Trái lại, không ít người cho rằng nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục Việt Nam sẽ “đội sổ” thế giới. “Học mà không thi thì học làm gì, chơi game cuối năm vẫn đỗ . Tất cả chỉ là biện hộ, thi mà còn không chịu học để trượt tốt nghiệp lại đổ tội này khác. Ta chỉ nên bỏ thi cao đẳng mà nên lấy điểm từ thi đại học xuống cho đỡ tốn kém người dân thôi” – anh Lê Văn Liên đưa ý kiến.
Độc giả Lâm Ngọc Khanh chia sẻ từ trường hợp của bản thân: “Nhờ vào những kỳ thi mà trong đầu tôi còn đọng lại những cái mà làm hành trang cho chính bản thân tôi khi học đại học cũng như khi vào đời. Bạn thử tưởng tượng đi học mà người ta nói học cho biết, coi được bao nhiêu người tới lớp và tới cũng chỉ điểm danh thôi và môn lịch sử nước nhà sẽ đi về đâu”.
Độc giả Nguyễn Anh Tuấn thì đưa lý do “ở Việt Nam nếu không thi tiêu cực sẽ rất lớn, họ có thể thay đổi làm lại cả học bạ của học sinh để có điểm cao”.
Một độc giả lớn tuổi thì phân tích khá hợp lý khi so sánh giữa thi cử xưa và nay: “Ngày xưa, ko có chuyện bàn bạc nhiều về chuyện thi cử. Đã học là phải thi, đã thi là phải có kẻ đỗ, người rớt. Thi nào cũng quan trọng cả, từ tốt nghiệp đến đại học. Tốt nghiệp cấp III ngày xưa còn khó hơn bắc thang lên trời. Ngày nay có nhiều quan niệm sai lệch, học đến đâu cho tốt nghiệp đến đấy, nên cứ tưởng họ có trình độ tương đương. Nhầm, xã hội tổ chức thi cử là để phân loại trình độ và do đó để có cơ sở bố trí vào công việc phù hợp.
Cùng học lớp 12, người có bằng tốt nghiệp do thi cử khác với không thi cử lắm; nếu đã chọn chế độ tuyển chọn bằng bằng cấp thì nên cho thi cử lấy bằng hết sức ngặt nghèo. Thương người nghèo khó vì phải lo thi cử tốn kém là tình thương giả tạo, hay còn gọi là đạo đức giả. Ngày xưa, thời phong kiến bao kẻ bần hàn vẫn đỗ trạng nguyên, tiến sỹ, phó bảng. Họ phải lều chõng vào một phòng riêng, ở đó không có bất cứ một thứ gì để mà quay cóp. Vì danh dự, người nghèo có khi còn cao hơn kẻ giàu sang, phú quý, do vậy họ rất muốn được thi thố với những người đó!”
Trong số nhiều ý kiến phản đối bỏ thi tốt nghiệp, có chia sẻ của một ông bố có con đang học THPT rất đáng lưu tâm. “Đồng ý là việc thi tốt nghiệp THPT chỉ là hình thức… vì đậu tới 99,5%. Rất nhiều em không đủ kiến thức tốt nghiệp thực sự đâu. Nhưng nếu bỏ thi thì nhiều em chẳng có chữ nào trong đầu. Vậy giữa kiến thức chưa đủ và không có chữ nào trong đầu vẫn khác xa nhau xét về mặt kiến thức luận. Con gái tôi đang mong bỏ thi tốt nghiệp để khỏi phải học các môn phụ đấy. Tôi cho rằng trong giáo dục đã dạy và học thì đừng quan niệm môn phụ môn chính. Điều đó sẽ làm hỏng ngay bản thân nền giáo dục và đội ngũ giáo dục”.
Vẫn giữ, nhưng iao về địa phương
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng vẫn nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp nhưng nên giao cho các tỉnh làm, không phải là kỳ thi quốc gia nữa hoặc ghép vào kỳ thi học kỳ, để địa phương có cách tổ chức khoa học, giảm áp lực học thêm, bệnh thành tích.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Kim Dung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục – ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng trước khi đưa ra một quyết định gì, Bộ GD&ĐT cần có một cuộc nghiên cứu cụ thể. Theo TS Dung, với điều kiện hiện nay như ở nước ta, có thể bỏ bớt kỳ thi tốt nghiệp, thay vào đó là kỳ thi 2 trong 1 vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa là tuyển sinh đại học.
Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hộị cho rằng “chúng ta đang có một nền giáo dục nuông chiều con em”. Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp không chỉ là thước đo để đánh giá học sinh, mà nó còn là một kênh quan trọng để đánh giá chương trình, sách giáo khoa, giáo viên và việc tổ chức dạy học – những cơ sở để điều chỉnh các yếu tố tác động tới chất lượng giáo dục. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng ủng hộ việc nên giao kỳ thi này về địa phương.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)