Vài năm trở lại đây, Việt Nam được biết đến là điểm đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhờ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và chi phí cạnh tranh.
Những cái tên quen thuộc đã mở trung tâm R&D tại Việt Nam là Panasonic, Yamaha, Piago, GE, HP, Bosch… hay gần đây là Samsung. Một số doanh nghiệp khác cũng đã và đang đầu tư xây dựng, phát triển các trung tâm R&D như VNPT, Viettel, FPT, DASAN Việt Nam…
Có thể nói Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn bởi R&D giúp đào tạo, nuôi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiến đến trở thành nước mạnh về công nghệ, nơi phát minh và sáng tạo cho thị trường thế giới.
Tuy nhiên, liệu Việt Nam có biết tận dụng những cơ hội này như Ấn Độ để sớm trở thành “thung lũng Silicon tại Châu Á” hay không?
Tại Việt Nam, gần như chưa có trường đại học kỹ thuật nào đưa nội dung R&D vào giảng dạy chính quy. Do đó, các sinh viên và kỹ sư trẻ mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ khi tiếp xúc với lĩnh vực này. Phần lớn nghiên cứu và phát triển theo hướng tự phát, không theo một quy trình chuẩn nào.
6 năm về trước, khi quyết định xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam, ông Jong Hyun Park, Tổng Giám đốc DASAN Zhone Solutions Việt Nam (DASAN Việt Nam, công ty cung cấp các giải pháp và thiết bị mạng viễn thông của Mỹ), đã gặp phải một thách thức lớn là chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam thấp, không đáp ứng được công việc mà công ty yêu cầu.
“Các kỹ sư mới ra trường của Việt Nam thông minh, có kiến thức tốt, ham học hỏi, nhưng họ lại thiếu các kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, dẫn đến sự bỡ ngỡ, khả năng bắt nhịp công việc chậm và không hiệu quả”, ông Jong Hyun Park nói.
Cũng theo đại diện DASAN Việt Nam, trong ngành CNTT tại Việt Nam, công nghệ nền tảng (Fundamental Technology) chưa nhận được sự quan tâm bởi nó không dễ và không phải là ngành thời thượng nên ít sinh viên đăng ký theo học.
Tuy nhiên, với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển thành một cường quốc về công nghệ, thì công nghệ nền tảng là sự đầu tư đúng đắn nhất. Đó là cốt lõi, là nền móng cho sự phát triển ngành CNTT nước nhà.
R&D là điểm khởi đầu của bất kỳ sản phẩm hay giải pháp công nghệ nào. Từ R&D đến thiết kế, từ thiết kế đến sản xuât, từ sản xuất đến tiêu thụ - đó là chuỗi giá trị các sản phẩm. Nếu không tự phát triển được khâu đầu tiên thì không thể có sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, không thể đảm bảo được an toàn thông tin quốc gia và xa hơn là đủ tiêu chuẩn gia nhập các hệ thống phân phối toàn cầu.
Do đó, theo các chuyên gia công nghệ, thực tế đang rất cần hơn nữa sự đầu tư đúng đắn của các doanh nghiệp cho các trung tâm R&D, các chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo chính quy chuyên ngành R&D, ý thức tiêu dùng hàng Việt do người Việt phát triển, để Việt Nam có thể sớm làm chủ công nghệ, đi vào sản xuất và cung ứng trên thị trường, thay vì thị trường hiện tràn lan các sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng giá thành rẻ nhưng chất lượng kém, và điều đáng lo ngại là tiềm ẩn rủi ro bảo mật cao.
Kể từ năm 2011, DASAN Việt Nam đã hợp tác với các trường đại học công nghệ như Đại học Bách khoa Hà Nội để tạo điều kiện cho các sinh viên có cơ hội được học tập và trải nghiệm với công nghệ nền tảng ngay từ khi còn học tập tại trường. Thế hệ kỹ sư đầu tiên của trung tâm R&D của DASAN Việt Nam, sau gần 6 năm, đã được đánh giá có kỹ năng cao hơn hẳn so với các kỹ sư R&D của tập đoàn tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện nay, các kỹ sư Việt Nam đang là các kỹ sư phát triển chính cho nhiều dự án của tập đoàn về thiết kế mạng lõi, công nghệ thế hệ mới N-GPON, hay các dự án phát triển thiết bị IoT (Internet of Things).
Tính đến tháng 6/2016, hơn 500.000 thiết bị GPON triển khai tại Việt Nam cho Viettel, VTVcab, FPT…. do các kỹ sư người Việt của trung tâm R&D tại DASAN Việt Nam phát triển.
Ngoài ra, các kỹ sư người Việt cũng tham gia hỗ trợ các dự án nước ngoài của tập đoàn như phát triển GPON cho nhà mạng LG+ của Hàn Quốc và Softbank của Nhật Bản.