- GĐ Sở Thông tin và Ngoại vụ TP Martin (Slovakia) Jozef Retras giới thiệu với báo giới Hà Nội sáng 1/11 sáng kiến xây dựng "Thành phố minh bạch" - mọi mua sắm công được đấu thầu điện tử.

Trung tâm thành phố Martin, Slovakia. Ảnh: wiki

Được trao giải Dịch vụ công năm 2011 của LHQ, sáng kiến trên do Thị trưởng TP Martin khởi xướng năm 2008 là mô hình điển hình về tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở cấp địa phương. Kết quả là Martin đã áp dụng thành công một loạt biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong các hoạt động hành chính công.

Theo lãnh đạo TP Martin, quá trình xây dựng thành phố minh bạch chia làm 3 giai đoạn: Đánh giá nguy cơ gồm đánh giá rủi ro, phân tích thực tiễn để xác định 17 lĩnh vực như hải quan, thuế vụ, đầu tư công… là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, xác định các biện pháp thực hiện và thực thi.

Điều đáng nói là Martin không ngần ngại mời Văn phòng Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Slovakia (TI-SK) tham gia đánh giá độc lập. Đây là tổ chức phi chính phủ, đã giúp chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch, phương pháp đánh giá nguy cơ tham nhũng, tham vấn với chính quyền, nghiên cứu và xác định những biện pháp chống tham nhũng khả thi nhất. Chính quyền thành phố cũng mời các chuyên gia độc lập, có chuyên môn cao tham vấn. Hội đồng TP Martin đã phê duyệt khoản kinh phí cho toàn bộ dự án là 23.300 euro (600 triệu đồng).

Martin đã áp dụng các biện pháp toàn diện để phòng chống tham nhũng như: Hệ thống đấu thầu điện tử áp dụng cho tất cả các gói thầu công trị giá trên 3.000 euro; sử dụng hệ thống dữ liệu mở để dân truy cập và giám sát các khẩu tuyển chọn công chức, phân bổ nhà ở xã hội, hoạch định chính sách và bầu ủy viên hội đồng TP; xây dựng quy tắc ứng xử và bầu ra ủy viên đạo đức của TP; công bố lịch tiếp dân của thị trưởng...

Trong buổi giới thiệu sáng kiến này tại Hà Nội sáng 1/11, ông Jozef Retras nhấn mạnh sự thành công khi áp dụng hệ thống điện tử cho đấu thầu và mua sắm công. Ông nói: "Khi chúng tôi định làm một con đường, chúng tôi cung cấp thông tin công khai, bất kỳ công ty nào đủ điều kiện đều được tham gia đấu thầu với số lượng không hạn chế. Họ có thể đăng ký đấu thầu ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, tên công ty cung cấp dưới dạng mã số".

Kết quả trúng thầu sau đó được công khai trên hệ thống với mức giá rõ ràng, cụ thể. Qua hệ thống dữ liệu này, mọi hợp đồng, hóa đơn, đơn đặt hàng mua sắm công của thành phố được công khai để dân giám sát và góp ý kiến. Nhờ đó, chính quyền địa phương tiết kiệm được chi phí mua sắm, thủ tục mua sắm, rút ngắn thời gian đấu thầu, và cơ bản là hạn chế tối đa điều kiện làm nảy sinh tham nhũng. Theo ông Jozef, nhờ hệ thống đấu thầu điện tử này, Martin đã tiết kiếm được 22% chi phí đấu thầu và mua sắm công.

Đánh giá về Thành phố minh bạch mà Martin xây dựng, bà Emilia Sičáková-Beblava, Giám đốc (TI-SK) cho hay, sau thành công của thành phố, mô hình đã được nhân rộng ở nhiều địa phương khác của Slovakia và thậm chí được nâng lên thành cấp quốc gia - thể hiện trong các quy định của luật mua sắm công như yêu cầu sử dụng hệ thống điện tử.

Như Thị trưởng Martin, ông Andrej Hrnciar viết trong thư ngỏ giới thiệu về Thành phố minh bạch: "Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ không gian cho tham nhũng bằng cách khiến mọi thủ tục, bước đi và quyết định của thành phố được minh bạch. Các lãnh đạo đi tới thỏa thuận chịu sự giám sát của người dân vào mọi lúc. Mọi hợp đồng, hóa đơn, thuê nhân công, mua bán cho thuê bất động sản... của thành phố phải được thông tin công khai 24h/ngày, 7 ngày/tuần. Tôi không muốn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của thành phố trong tương lai sẽ 'thừa hưởng' những hợp đồng không thích hợp. Là thị trưởng, tôi không muốn ký các hợp đồng phía sau cánh cửa đóng kín".

Thái An