Thị trường máy tính xách tay tăng nhiệt vì giá giảm

Máy tính xách tay công nghệ cập nhật liên tục và giá cũng giảm liên tục
Giá máy tính xách tay thương hiệu HP-Compaq, Toshiba, IBM, Dell hay Sony… giảm chóng mặt khiến người tiêu dùng nôn nóng cố "tậu" cho được một chiếc

Nhưng giờ đây, gió đã đổi chiều, chỉ với 1.000 USD, bạn đã có thể “xông xênh” lựa chọn cho mình một chiếc laptop mà đảm bảo là nếu mang ra sử dụng tại một điểm cafe wifi nào đó, sẽ có kẻ phải ngước nhìn bạn.

Ngay trước thềm Triển lãm Vietnam ComputerElectronics World Expo, sự kiện CNTT lớn nhất hàng năm tại Việt Nam, được tổ chức tại TP. HCM vào trung tuần tháng 7/2006, các thương hiệu lớn đã lên tiếng dự báo “thị trường MTXT tại Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh”, cùng với đó là việc đua nhau giới thiệu “làn sóng” laptop giá 1.000 USD.

Nhưng khi dư âm của Triển lãm CNTT này còn chưa dứt, hàng loạt model MTXT mới có giá dưới 800 USD đã được các hãng sản xuất máy tính như Acer, HP, Toshiba... ồ ạt tung ra thị trường Việt Nam. Đa số các dòng sản phẩm này sử dụng bộ vi xử lý Celeron, hoặc cao cấp hơn một chút là dòng vi xử lý Pentium M, Centrino. Chẳng hạn như Acer giới thiệu các dòng Aspire 3642, 3628, TravelMate 2428…; HP-Compaq thì tung ra các dòng laptop V5208TU, V2633TS...; Thương hiệu đến từ Nhật Bản Toshiba ra mắt dòng Satellite L30-C330, BenQ của Đài Loan giới thiệu A32-408, kẻ mới nhập cuộc chơi GigaByte thì có model N512U…

Cạnh tranh với các thương hiệu ngoại khi đó có dòng Sputniks C4 của nhà lắp ráp máy tính thương hiệu Việt CMS. Chiếc laptop này được bán với giá 10,8 triệu đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng – đủ sức cạnh tranh về giá. CMS Sputnik C4 được trang bị vi xử lý Intel Celeron M 370 1,5 GHz (1M L2 cache, 400 MHz FSB), bộ nhớ RAM 256 MB, dung lượng ổ cứng 40 GB, DVD combo 8X, chipset 915GM, màn hình 15 inch, card wireless chuẩn 802.11b/g, truy cập Internet không dây.

Trên các trang Web buôn bán các sản phẩm MTXT, hàng nhập khẩu về cũng không ít và cũng không kém phần thu hút về giá. Chẳng hạn như chiếc laptop Toshiba Satellite M55-S1001 được quảng cáo là hàng mới 100% này, với cấu hình cơ bản Centrino Celeron M 1.6 GHz; ổ cứng 60 GB; bộ nhớ RAM 256MB với màn hình 14.1 WXGA TrueBrite gương siêu sáng có giá 678,66 USD. Hay chiếc IBM ThinkPad T41 Centrino Pentium M 1.6GHz, RAM 512MB, ổ cứng 40GB được coi là mới 95% này có giá khoảng 758 USD; Chiếc HP-Compaq Nc6000 Centrino Pentium M 1.6GHz, RAM 256MB, ổ cứng 40GB còn bảo hành 3 tháng này có giá chỉ 659 USD…

Theo nhận định của giới trong nghề buôn máy tính, tốc độ phát triển của thị trường CNTT Việt Nam luôn duy trì ở con số trên 20% mỗi năm liên tục trong 10 năm qua đã khiến ngày càng nhiều thương hiệu máy tính xách tay nhận thấy đây là một thị trường rất tiềm năng mà họ không thể bỏ qua. Cho đến nay, những thương hiệu MTXT lớn nhất trên thế giới cũng như trong khu vực châu Á như Dell, IBM (nay là Lenovo), HP-Compaq, Toshiba, NEC, Sony, Acer, BenQ, Gigabyte… đều đã và đang có mặt tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến những thương hiệu trong nước đã phần nào tạo được chỗ đứng như CMS, Elead, MekongGreen… Sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi trong một thị trường tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô vẫn còn khá khiêm tốn tất yếu dẫn đến những cuộc rượt đuổi cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là về giá. Điều này đã và đang mang lại không ít lợi ích cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, xét riêng ở điều kiện Việt Nam, những chiếc MTXT giá mềm (tạm coi là dưới 1.000 USD) được coi là khá vừa với túi tiền và mức thu nhập dạng trung bình khá của nhiều người dân thành thị có nhu cầu sử dụng máy tính hiện nay. Chính vì thế, dòng MTXT phân khúc dưới 1.000 USD được các hãng nghiên cứu thị trường dự báo là có tốc độ tiêu thụ mạnh nhất hiện nay.

Một nguyên nhân, theo giới phân tích, cũng có tác động không nhỏ vào làn sóng giảm giá chóng mặt của các dòng MTXT trong thời gian ngắn vừa qua, đó là các hãng muốn đẩy nhanh tiêu thụ những dòng sản phẩm sử dụng công nghệ vi xử lý cũ (như Intel Celeron, Intel Pentium…) càng sớm càng tốt để đón chờ công nghệ vi xử lý mới: Bộ vi xử lý lõi kép (Core Duo) dành cho cả máy chủ, máy tính để bàn và MTXT vừa được các nhà sản xuất như Intel hay AMD giới thiệu (Intel đã chính thức ra mắt bộ vi xử lý mới này tại thị trường Việt Nam vào ngày 4/8 vừa qua).

Core Duo: lại một làn sóng giảm giá mới

Vừa liên tục giảm giá các sản phẩm chip cũ, đồng thời vừa mới ra mắt Intel Core 2 Duo tại Việt Nam – thị trường mà Intel chiếm hơn 90% thị phần – nhà sản xuất bộ vi xử lý hàng đầu thế giới này lại ngay lập tức bước vào cuộc chiến về giá với đối thủ truyền kiếp AMD.

Ngay khi AMD công bố giảm giá đối với hàng loạt chip máy tính xách tay và để bàn, như chip lõi kép (duo) Athlon 64 X2 5000+ giảm giá từ 696 USD xuống 301 USD/bộ (giảm hơn 50%); Athlon 64 X2 4600+ cũng giảm đến 57% từ 558 xuống còn 240 USD/bộ..., cùng hàng loạt tin vui đến với hãng này như Dell công bố sẽ chuyển một phần máy tính của mình sang sử dụng chip AMD, Intel cũng tuyên bố đợt giảm giá mới nhất, với mức giảm tới 50% và tập trung hầu hết vào các dòng chip dành cho máy tính để bàn.

Trong cơ cấu giá máy tính, giá chip thường chiếm từ 20-25% giá thành sản phẩm. Vì thế, cùng với việc các linh kiện máy tính khác cũng bước vào chu kỳ giảm giá, cuộc chiến mới về giá giữa các dòng máy tính nói chung và MTXT nói riêng lại tiếp tục và chưa cho thấy điểm kết thúc.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 10/8/2006, CMS đã giới thiệu sản phẩm máy tính xách tay (MTXT) chính hãng mới đầu tiên có mức giá dưới 9,99 triệu đồng (đã có VAT) - CMS Sputnik C4V. Chiếc laptop này sử dụng bộ xử lý Celeron M 1.5GHz, bộ nhớ 256MB DDR RAM, màn hình 15 inch, đầu đọc thẻ nhớ cắm được 4 loại thẻ thông dụng MMC, SD, MS và MS Pro…

Một câu hỏi được đặt ra là: việc CMS chủ động ép giá sản phẩm xuống dưới 10 triệu trước, liệu có chọc giận những “người khổng lồ ngoại”? Ông Nguyễn Minh Huyên, giám đốc thương hiệu CMS nhận định: “Cạnh tranh về giá là một cuộc chiến thực sự khốc liệt và chỉ những người sử dụng cuối cùng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Phía các nhà cung cấp, công ty nào vận động nhanh hơn, hợp lý hơn, chủ động giảm giá trước sẽ có nhiều khách hàng hơn. Giống như máy tính để bàn, MTXT Việt Nam sẽ có được sự “tôn trọng” đúng mức từ các “đại gia” ngoại quốc. CMS là đối tác OEM của Intel, chúng tôi đang nhận được đầy đủ các hỗ trợ cần thiết từ Intel và các nhà sản xuất. Hệ thống dịch vụ của CMS hiện tại có quy mô hơn hẳn các công ty nước ngoài. Ngoài cạnh tranh về giá, CMS còn có khả năng cung cấp các MTXT công nghệ mới nhất của Intel nhanh hơn các công ty nước ngoài. Chưa nói đến kinh nghiệm thành công của máy tính để bàn, chúng tôi thấy mình đủ khả năng cạnh tranh về MTXT đường dài với các máy tính ngoại”.

Chưa rõ sự kiện giảm giá của CMS có phải là ngòi nổ cho một cuộc chiến giá mới hay không, nhưng trước mắt, những lợi ích lớn đã và đang thuộc về những người sử dụng CNTT tại Việt Nam.

        Tùng Sơn