Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai có 85% dân số là đồng bào DTTS và là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao (kết quả rà soát năm 2022 là trên 28%) của tỉnh. Bởi vậy, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được địa phương đặc biệt quan tâm. 

Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thị xã Sa Pa đã triển khai nhiều giải pháp xóa nghèo bền vững.

Theo đó, thị xã Sa Pa đã ban hành Quyết định số 465-QĐ/TU ngày 09/2/2022 kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thị xã Sa Pa, giai đoạn 2021-2025 để chỉ đạo, giải quyết những công việc liên quan đến việc tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn thị xã, trong đó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch HĐND thị xã trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Việc ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, kế hoạch thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU về Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 -2025, trên địa bàn thị xã Sa Pa năm 2023... được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong toàn giai đoạn. Bên cạnh đó, huyện cũng xác định phải sử dụng có hiệu quả, lồng ghép các nguồn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các nguồn vốn phi chính phủ và nguồn vốn hỗ trợ xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo bền vững.

Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, đơn vị năm 2023, toàn thị xã đã tạo việc làm mới 1.330 lao động, mở 26 lớp đào tạo nghề từ nguồn các chương trình MTQG giảm nghèo và vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kết hợp với các nguồn chương trình, kinh phí của tỉnh và các đơn vị đào tạo trong ngoài tỉnh đào tạo cho gần 1.300 lao động, đạt 74.07% kế hoạch. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn thị xã đạt 56%, trong đó lao động có văn băng chứng chỉ đạt 23,5%.

Đến nay, thị xã Sa Pa không còn nhà dột nát, các hộ trong diện có nguy cơ sạt lở, thiên tai được sắp xếp di chuyển tới nơi ở mới an toàn. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cũng đạt nhiều kết quả. Năm 2023, thị xã Sa Pa đã giảm trên 900 hộ nghèo, tỷ lệ giảm đạt 7,75% (toàn thị xã hộ nghèo chiếm tỷ 20,69%, tương đương 2.893 hộ nghèo); riêng tại 8 xã nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 9,28%. 

Chia sẻ về các mô hình giảm nghèo ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho hay, với lợi thế phát triển nông nghiệp ôn đới và du lịch, dịch vụ, thị xã Sa Pa đã tập trung thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

W-anhminhoa-3.png

Nổi bật là mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây tía tô của Hợp tác xã Sa Pa Secrets với vùng nguyên liệu đạt 10 ha, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng/năm; mô hình liên kết sản xuất cây Atiso của Công ty Traphaco Sa Pa với 150 hộ dân; mô hình sản xuất, chế biến cá tầm, cá hồi, phát triển các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nuôi và chế biến thủy sản nước lạnh cá hồi, cá tầm Sa Pa Thức Mai, doanh thu đạt bình quân khoảng 12 - 15 tỷ đồng/năm…

Trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện có 5 điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ tập trung nhiều nhất tại các xã Tả Van (158 cơ sở), Tả Phìn (82 cơ sở), Mường Hoa (73 cơ sở), Bản Hồ (47 cơ sở)... Mỗi năm, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa đón khoảng 2 triệu lượt khách tham quan; thu nhập bình quân của các hộ có tham gia vào dịch vụ du lịch đạt từ 80 - 216 triệu đồng/năm.

 Nhìn chung các dự án, mô hình đã cơ bản bám sát mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa phương nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ giảm nghèo của thị xã Sa Pa năm 2023 đạt 7,75%, tỷ lệ hộ cận nghèo đạt 0,59%.

Thị xã Sa Pa xác định tiếp tục tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa, thực hiện hiệu quả hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trong lĩnh vực phi nông nghiệp gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm... góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đức Yên và nhóm PV, BTV