Thiên đường của Đại Phúc là biển cả, chính xác là một công viên thủy sinh, nơi các loài cá, rùa đều hiền hòa với cậu. Và với khả năng đặc biệt của một người tự kỷ, Đại Phúc bơi giỏi như chúng. Đại dương câm lặng chính là nơi cậu bé cô đơn tìm thấy hạnh phúc thực sự của mình.


Ông Thành (Lý Liên Kiệt) - bên phải và Đại Phúc (Văn Chương) trong bộ phim

Nhưng cuộc đời không như đại dương. Mẹ cậu đã tự tử khi cậu lên bảy vì không chấp nhận nổi sự thật về đứa con xinh đẹp mắc chứng tự kỷ - một khiếm khuyết vô hình.

Chàng thanh niên 22 tuổi đời đã và đang phải sống hoàn toàn dựa vào người cha đang làm việc ở công viên này với một cuộc sống đơn giản. Cậu không thể đi học, không thể tự lập, không biết giao tiếp, không tập trung, có những hành vi lập dị, dễ bùng nổ, chỉ thích ăn trứng, luôn để đồ vật đúng một chỗ, và sinh hoạt theo đúng một công thức của cậu.

Và buồn thay, người cha - ông Vương Tâm Thành, chỗ dựa duy nhất của cậu cũng sẽ không sống được bao lâu nữa vì ông mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Vương Tâm Thành đã buộc chân hai cha con vào nhau cùng nhảy xuống biển. Nhưng với tài bơi lặn của mình, Đại Phúc lại đưa cha vào bờ. Không còn lựa chọn, ông Thành phải tìm mọi cách chuẩn bị cho cuộc sống của Đại Phúc sau khi mình qua đời.

Ông dắt Đại Phúc đến mọi trung tâm xã hội tìm một chỗ cho con, song không trường học và không nơi nào nhận. Cũng không có cơ quan nào nhận Đại Phúc vào làm việc dù chỉ là công việc lao động chân tay. Ông phải dạy Đại Phúc từ những việc nhỏ nhặt như luộc trứng, phân biệt đồng tiền, mua hàng, mặc quần áo, đi xe buýt… Mọi sinh hoạt hàng ngày Đại Phúc đều phải học đi học lại nhiều lần, với sự nhẫn nại và yêu thương cao cả của người cha, cùng với sự hỗ trợ của những người hàng xóm và cộng đồng tốt bụng.

Thiên đường biển cả (Ocean Heaven), bộ phim đang gây sự chú ý ở Trung Quốc, kể về một câu chuyện có thật. Bộ phim chỉ có kinh phí chừng một triệu đô la Mỹ, nhưng tấm lòng của những nhà làm phim thì lớn gấp nhiều lần. Bộ phim có sự góp mặt của một dàn sao sáng: Lý Liên Kiệt, Châu Viên Viên, ngôi sao người Đài Loan Quế Luân Mỹ, diễn viên truyền hình Đài Loan Văn Chương (người đã sống cùng trẻ tự kỷ nửa năm trước khi đóng phim).

Nhà quay phim Christopher Doyle cũng là người đã quay hầu hết những tuyệt phẩm của Vương Gia Vệ hay Anh hùng của Trương Nghệ Mưu. Nhà soạn nhạc cho phim là nhạc sĩ người Nhật Bản tài ba Joe Hisaishi. Bài hát của phim cũng do một tên tuổi lớn sáng tác, đó là ông hoàng nhạc pop của Đài Loan - Châu Kiệt Luân.

Đây là phim tâm lý đầu tiên mà ngôi sao phim hành động Lý Liên Kiệt thể hiện sau 25 năm gắn bó với sự nghiệp điện ảnh, cũng là phim anh không nhận tiền thù lao. Song, hình ảnh người cha đời thường, dung dị; sự lóng ngóng vụng về của người đàn ông vừa làm cha vừa làm mẹ đã được anh thể hiện rất đắt và lấy không ít nước mắt của khán giả.

Tại một cuộc họp báo ở Hồng Kông, nam diễn viên này cho biết: “Tôi nhận lời đóng nhân vật này bởi kịch bản phim quá ấn tượng. Điểm cảm động nhất của bộ phim chính là tình yêu thương, tình yêu thương đi đôi với trách nhiệm. Tôi hy vọng mọi người có thể hiểu mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời: quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất trên đời”. Anh đã chia sẻ rằng cháu anh cũng mắc chứng tự kỷ. Và theo anh, người tự kỷ tuy nói rất ít, nhưng không phải không biết nói, nếu ta biết nghe họ.

Diễn viên Xuân Bắc trao quà cho trẻ trong một buổi đón Giáng sinh do CLB Gia đình trẻ tự kỷ tổ chức. Ảnh: GDTD



Thiên đường biển cả là phim tình cảm nhưng không sướt mướt. Tất cả đều diễn ra nhẹ nhàng, thấm đẫm tình người và vô cùng giản dị. Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm với người tự kỷ, nữ đạo diễn Tiết Hiểu Lộ không nhằm lấy nước mắt người xem mà muốn gửi gắm thông điệp về sự thấu hiểu, sẻ chia giữa con người với nhau và gây dựng ý thức cộng đồng trong một xã hội nhân văn.

Và bộ phim cũng nói đến một sự thật khác. Người tự kỷ nói riêng hay người khiếm khuyết nói chung vẫn chưa có nhiều cơ hội hòa nhập xã hội, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Ở Việt Nam số người tự kỷ cũng đang tăng nhưng không phải ai cũng may mắn như Đại Phúc, được dang tay đón nhận. Xã hội chưa chấp nhận những hành vi bất thường của người tự kỷ, và hệ thống hạ tầng chỉ dẫn ở những nơi công cộng cho thấy chưa có sự thừa nhận đối với nhu cầu sinh hoạt của họ. Pháp luật cũng chưa thừa nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật dù người tự kỷ không thể tự lập.

Ta chưa có trường học cho trẻ tự kỷ, song trẻ lại không được nhận vào học ở trường bình thường cũng như các loại trường đặc biệt. Đang có hàng ngàn đứa trẻ tự kỷ không có điều kiện điều trị khiếm khuyết và hàng ngàn ông bố bà mẹ vẫn đang cố tìm một cơ hội cho con trong tuyệt vọng!

Nhưng có lẽ, sẽ có những ông bố bà mẹ nhận ra một điều khi xem Thiên đường biển cả, đó là không ở đâu có thiên đường. Thiên đường ở lòng ta, địa ngục cũng từ lòng ta (Kinh Thánh).

Theo Hồng Phúc (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)