- "Cô Vân ơi dậy đi, cô mệt lắm à? Cô muốn ăn chút gì không, con mua giùm cho?" - nữ điều dưỡng lay nhẹ, kiên trì gọi. Một bác sĩ khẩn trương đặt ống nghe, đo mạch. Bà lão nằm im, sau một hồi cụ bà mở mắt ra lắc đầu rồi lại thiếp đi.

Đó là cảnh tượng diễn ra tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Chữ tình giữa những người xa lạ

Khoa Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện này mới thành lập gần 2 năm, chuyên chăm sóc nâng đỡ về tinh thần và giảm đau cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

"Bệnh nhân của chúng tôi thường tiên lượng sống không quá 6 tháng. Chăm sóc giảm nhẹ nghe còn rất mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Mục đích không chỉ làm bệnh nhân giảm đau đớn mà còn chia sẻ về tinh thần, giúp người bệnh hoàn thành nốt những tâm tư, nguyện vọng trước khi từ giã cõi đời.

Dù mọi thứ mới mẻ, bệnh nhân quá tải với 10 giường bệnh, chỉ có 2 bác sĩ biên chế, 6 bác sĩ kiêm nhiệm nhưng chúng tôi yêu công việc của mình vì tính nhân văn, và đôi khi còn vì cái tình, cái nghĩa con người" - bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Khoa Chăm sóc giảm nhẹ chia sẻ.

Một cụ bà ung thư giai đoạn cuối đang được chăm sóc tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thanh Huyền.

Về làm việc tại khoa chỉ mới 5 tháng, nhưng nữ điều dưỡng trẻ Nguyễn La Mai Huy đã có biết bao kỷ niệm.

Khi được hỏi, điều dưỡng Huy không chỉ nhớ tên từng bệnh nhân mình chăm sóc mà thấu hiểu luôn cả hoàn cảnh, tâm tư của họ.

"Em chứng kiến nhiều bệnh nhân hôm qua còn tâm sự, nói chuyện với mình, vậy mà hôm sau vào trực em không thấy tên họ nữa. Chẳng ai nói nhưng em biết họ đã ra đi. Buồn lắm, nhân viên y tế cũng là con người, dù tiếp xúc nhiều với cảnh sinh ly tử biệt nhưng không thể chai sạn" - điều dưỡng Huy nói.

Hoàn cảnh của bệnh nhân Nguyễn Thị Kim L. (SN 1948, ngụ tại quận 8, TP.HCM) khiến mỗi lần nghĩ đến là lòng điều dưỡng Huy lại nặng trĩu.

Bà L. rất tội nghiệp, bị ung thư cổ tử cung. Điều dưỡng Huy thường xuyên thấy bà ngồi khóc. Hỏi ra mới biết đã 6 ngày bà chẳng có ai thăm nuôi.

Điều dưỡng Huy bùi ngùi kể lại: "Bà mếu máo với em rằng con bà bỏ bà rồi, chúng không ngó tới vì biết bà sắp chết. Khi bệnh tình bà trở nặng, khoa đã gọi điện cho con bà nhưng họ cũng không tới liền hoặc có đến cũng về ngay”.

Mỗi ngày tới chăm sóc bà L., nữ điều dưỡng lại động viên, thăm hỏi, thậm chí cô còn cho các thân bệnh nhân bên cạnh số điện thoại của mình, đề phòng bà L. có chuyện thì gọi ngay. Cô và các bác sĩ miệt mài chăm sóc cho tới ngày bà L. trút hơi thở cuối cùng.

Chứng kiến chết nhiều nhưng không chai sạn

Điều dưỡng Huy còn kể cho chúng tôi về trường hợp của nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thị L. (SN 1954) bị ung thư vú trái.

Trên ngực trái của bệnh nhân có 2 vết thương, thường xuyên chảy dịch, có mùi rất khó chịu. Mỗi lần thay băng, làm sạch vết thương cho bệnh nhân, nữ điều dưỡng lại ái ngại vì vết loét ngày thêm trầm trọng.

Nhìn vào đôi mắt bệnh nhân cô thấy đắng lòng, nhất là khi bà L. hỏi: "Vết thương có đỡ không cô ơi, tôi sắp khỏi chưa, bao giờ tôi được xuất viện…".

Điều dưỡng Huy nói như sắp khóc: "Em không ngờ bác ấy ra đi nhanh thế. Thường ung thư vú kéo dài rất lâu. Bác L. bị di căn vào xương rồi.

Em không thể quên buổi sáng đó, là một ngày trước Tết. Các bệnh nhân khác còn khỏe hơn được người nhà xin cho về nhà ăn Tết, không khí năm mới bao trùm, ai cũng bận rộn. Em tới bên giường thấy bác L. lơ mơ. Em gọi mãi không thấy bác trả lời, lát sau bác tỉnh chỉ nói mệt. Thế rồi bác mất...”.

Điều dưỡng Huy còn nhớ như in tâm nguyện của bệnh nhân L. là mong mình hết bệnh để về quê với các con.

Tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, chúng tôi mới thấy bệnh tật, tử thần không chỉ gõ cửa người nghèo mà cả người giàu. Nhiều bệnh nhân giàu có, ngoài đời cũng một thời thanh thế, vậy mà khi bị bệnh họ tiều tụy, suy kiệt.

Trong con mắt các nhân viên y tế ở đây, họ dù có hoàn cảnh thế nào cũng là... bệnh nhân, họ cần chăm sóc, quan tâm, dù thời gian sống còn rất ngắn ngủi.

Theo bác sĩ Đoàn Trọng Nghĩa, khoa Chăm sóc giảm nhẹ, bệnh nhân khi vào đây không chỉ được giảm đau mà còn được thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình, kinh tế, tôn giáo, tâm tư nguyện vọng.

Khoa Chăm sóc giảm nhẹ có kết hợp với khoa Tâm lý của Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch để điều trị nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân được tốt hơn.

Ngoài ra, khoa còn có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà với giá khoảng 500 ngàn/lần cho ê kíp 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng.

Sở dĩ có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà vì nhiều người bệnh giai đoạn cuối không muốn nằm viện. Họ muốn về nhà để hưởng cảm giác ấm cúng của gia đình, để được sống bên người thân, bạn bè.

Thanh Huyền