Xuất phát từ lòng tham, nhiều người không e ngại mà tìm đến những thiết bị ăn trộm điện được bán trôi nổi trên thị trường. Không mất quá nhiều công sức và tiền bạc, họ chỉ bỏ ra vài trăm ngàn đồng lắp thêm một số thiết bị đơn giản, nhiều hộ gia đình có thể dùng điện thoải mái mà chỉ phải đóng 50% số lượng tiêu thụ điện hàng tháng.
Tinh vi, phức tạp
Phố Phùng Hưng, Hà Nội, nơi được biết đến như một chợ điện máy có thể cung cấp nhiều mặt hàng, thiết bị điện. Trong vai người đang cần tìm một thiết bị “tiết kiệm điện” thuộc loại "độc" mà không lo bị “sờ gáy” khi có lực lượng chức năng ngành điện đi kiểm tra, tôi lân la đến đây.
Khi nghe khách hỏi đồ "tiết kiệm điện", một gã thanh niên mắt sáng lên, lôi ra từ ba lô một cái hộp vuông như chiếc ổ cắm điện đa năng chi chít lỗ cắm rồi hắng giọng: “Yên tâm lớn đi! Bọn em phải lên tận Lạng Sơn để nhận hàng từ Hồng Kông về đấy, giá chỉ có 200.000 đồng, giảm điện 40 – 60%”.
Dạo thêm một đoạn, lần này một người đàn ông trung niên cất giọng mời hàng. Miệng nói, tay làm, gã kéo tôi ngồi thụp xuống góc khuất sau trạm xe buýt, móc ra trong bao tải khác một bình ắc quy có lắp sẵn một công tơ điện và một bóng thắp sáng loại tròn.
Gã bán hàng cắm bóng điện, nói: “Điện sáng, đồng hồ quay bình thường nhé. Bây giờ tôi cắm “tiết kiệm điện” vào. Nhìn thấy đồng hồ chậm hẳn chưa”. Tôi không tin vào mắt mình, khi gã cắm thiết bị vào, công tơ điện bỗng dưng chạy chậm, và khi rút ra, nó lại chạy nhanh. Sau một hồi kỳ kèo, gã dúi “hàng” vào tay tôi với cái giá 220.000 đồng với lời quảng cáo: “Tìm cả chợ này không ai bán thiết bị hiện đại như tôi”.
Thiết bị ăn cắp điện được coi là hiện đại nhất có điều khiển từ xa. |
Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội bắt quả tang công nhân Chi nhánh điện Hoàn Kiếm đang tháo dỡ công tơ để ăn cắp điện.
Hai người khai làm theo chỉ đạo của Nguyễn Mạnh Hùng (nhân viên Chi nhánh điện Hoàn Kiếm). Sau khi, tháo công tơ khỏi cột điện, Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp thực hiện các thao tác kỹ thuật, tháo vỏ công tơ lắp thêm con chíp điện tử rất nhỏ vào đó. Công tơ điện được cặp chì lại như cũ và treo lại.
Khám xét nơi ở của Hùng lực lượng chức năng thu được nhiều hóa đơn thu điện của khách hàng, nhiều chíp điện tử và các dụng cụ khác dùng để ăn cắp điện. Nguyễn Mạnh Hùng khai, nhiều năm qua đã cùng đồng bọn bán và lắp đặt chíp điện tử cho hơn 100 hộ dân, doanh nghiệp, khách sạn ở Hà Nội. Hộ gia đình nộp 3-5 triệu đồng; hộ kinh doanh, công ty, khách sạn đóng 10-15 triệu đồng.
Ước tính đến thời điểm này, nhóm của Hùng đã thu lợi hàng trăm triệu đồng. Được biết, Hùng và đồng bọn còn tổ chức bán, lắp các thiết bị ăn cắp điện sang các tỉnh ven Hà Nội.
Ngành điện “đau đầu”
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngoài những vụ ăn cắp điện theo kiểu “truyền thống” như cắt niêm chì để vặn ngược số, câu trực tiếp trước điện kế... thì tình trạng ăn cắp điện qua máy tạo dòng ngày một gia tăng... Vì thiết bị này được làm theo hình dáng giống thiết bị ổn áp trong mỗi gia đình nên khó bị phát hiện và lấy cắp điện một cách rất tinh vi.
Thậm chí chuyên nghiệp hơn, tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh có hộ còn đấu nối đường dẫn máy tạo dòng thông qua một thiết bị viễn thông như điện thoại. Khi úp ống nghe thì máy tạo dòng hoạt động, còn nhấc ống nghe ra khỏi điện thoại thì... không ai kiểm tra được vì máy tạo dòng sẽ tự động ngắt hoạt động.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Cty Điện lực Long Biên - cho biết, nếu như trước kia, thủ đoạn ăn cắp điện chủ yếu là đảo sơ đồ đấu dây hoặc đấu tắt cuộn dòng, tức là chỉ tác động bên ngoài công tơ, thì thời gian gần đây, đối tượng trộm cắp điện đã tìm cách thay đổi cả những tính năng hoạt động của công tơ.
Đối tượng vi phạm dùng tiểu xảo nậy kẹp chì niêm phong, rồi tìm cách thay thế một số linh kiện bên trong công tơ nhằm giảm tốc độ đo đếm điện năng tiêu thụ. Xong, lại đóng nắp công tơ, nắn lại kẹp chì như nguyên trạng. Để làm được điều này, đối tượng vi phạm thường có tay nghề, hiểu biết về lĩnh vực điện.
Theo một số lãnh đạo ngành điện, nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng ăn cắp điện không giảm là do biện pháp chế tài còn nhẹ và xử lý chưa nghiêm nên không đủ sức răn đe. Trước đây, nếu như bị phát hiện ăn cắp điện sẽ truy thu một năm tiền điện, phạt thêm ba năm tiền điện. Nay theo qui định mới chỉ cho phép ngành điện được truy thu người làm sai một năm tiền điện thôi.
“Trộm cắp thì ngày càng tinh vi trong khi chế tài xử phạt thì không tương xứng nên làm sao để giảm thất thoát điện năng vẫn là vấn đề đang làm đau đầu ngành điện”, ông Dũng nói.
(Theo PLVN)