Chiều 20/8, Tổ kiểm tra Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau do Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng đã họp nhưng nội dung kết luận chưa được các thành viên của tổ tiết lộ.
Cuộc họp diễn ra trong thời điểm giám đốc nhà máy ông là Tô Công Lý (35 tuổi, ngụ TP Cà Mau) vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một trong những quy trình xử lý rác tại TP Cà Mau. Ảnh: Nhật Tân. |
Trước khi bị bắt, ông Lý còn là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý). Ông Lý là con trai của đại gia điện gió Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý.
Được ứng 25 tỷ để bảo trì thiết bị
Hơn 9 năm trước, ông Tô Hoài Dân mời nhiều ca sĩ nổi tiếng từ TP.HCM xuống Cà Mau phục vụ văn nghệ tại lễ khởi công Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau trên diện tích rộng hơn 25 ha. Dự án có vốn đầu tư 239 tỷ đồng, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường.
Cụ thể, ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ cho Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau trên 160 tỷ đồng, tương đương 50% vốn hỗ trợ theo Nghị định 04/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ vậy, Công ty Công Lý còn được ưu đãi vay vốn ngân hàng (215 tỷ đồng) và những khoản ưu đãi khác liên quan đến thuế, đất đai.
Trong 7 năm hoạt động, nhà máy được tỉnh Cà Mau hỗ trợ rất nhiều. Trong lần bảo trì đầu tiên vào năm 2015, nhà máy đăng ký bảo trì 2 tháng nhưng nửa năm sau mới hoạt động trở lại. Phần rác tồn vẫn chưa xử lý xong nên hàng nghìn tấn rác được chứa tại nhiều nơi trong khu vực nhà máy.
Tô Công Lý. Ảnh: N.T. |
Ngoài ưu đãi đầu tư, năm 2012, tỉnh Cà Mau đã cho nhà máy ứng 20 tỷ đồng tiền xử lý rác. Năm 2016, khi Sóc Trăng lùm xùm chuyện Công ty Công Lý tặng 2 xe sang cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau thì Công ty Công Lý được ứng 25 tỷ đồng để bảo trì thiết bị. Số tiền này sau đó được trả dần vào chi phí hỗ trợ xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết chi phí hỗ trợ xử lý rác thải Công ty Công Lý đang nhận là 350.000 đồng mỗi tấn hàng. Doanh nghiệp cho rằng số tiền này quá ít, Công ty Công Lý liên tục bị lỗ vốn.
Nhà máy lỗ nhưng sếp khoe xe sang, tiền đô
Trong lần trò chuyện trước khi bị bắt, ông Lý nói rằng 6 năm hoạt động, nhà máy lỗ khoảng 133 tỷ đồng. Đơn vị đề nghị cơ quan chức năng xem lại cách tính thuế vì bị truy và phạt gần 10 tỷ đồng, xin được giao 10 ha đất, xem xét các chính sách thuế và nâng giá hỗ trợ xử lý rác từ 350.000đ lên 500.000đ cho mỗi tấn rác nhưng chưa được địa phương đồng ý.
"Các doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên được bù lỗ, còn chúng tôi lỗ thì cứ tự gồng gánh. Tháng nào cũng lỗ mà không được xem xét hỗ trợ giá xử lý rác và giao thêm đất thì chúng tôi đóng cửa nhà máy. Năm trước, công ty rất muốn giao lại nhà máy cho địa phương nhưng Cà Mau chưa chịu nhận”, ông Lý từng chia sẻ.
Phân hữu cơ của Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau sản xuất và rất khó tiêu thụ. Ảnh: Việt Tường. |
Còn ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý nói: "Người ta không xài phân hữu cơ của nhà máy vì đã quen với phân dừa và mùn cưa. Khó khăn thứ hai là nguồn hạt nhựa từ phế liệu cũng bị giảm dần, từ 15% giảm xuống còn khoảng 3% do đội ngũ bên ngoài đã nhặt hết trong quá trình thu gom. Rác vào tới nhà máy chỉ còn lá, vỏ cây, đầu tôm xương cá".
Theo ông Nguyễn Đức Thánh, Công ty Công Lý thua lỗ tại nhà máy xử lý rác thải là có thật. Lý do tiền vệ sinh thu của hộ dân và doanh nghiệp xả thải quá thấp, không đủ chi phí xử lý rác, chỉ đủ phí vận chuyển từ điểm người dân xả rác về nhà máy.
"Tiền để xử lý rác mình chưa thu của hộ dân nên phải lấy ngân sách bù vô cho Công ty Công Lý. Bù vào chỉ được hơn 50%, muốn tăng lên thì phải trình Bộ Xây dựng quyết định. Tỉnh đã trình và giải trình bổ sung mức hỗ trợ cao hơn nhưng vẫn chưa được duyệt", ông Thánh nói về khó khăn của nhà máy xử lý rác.
Hình ảnh hàng chục xấp USD được Tô Công Lý khoe trên trang cá nhân. |
Khó khăn là vậy nhưng ông Lý thường xuất hiện trên những chiếc xe sang mang biển số ngoại giao. Trên trang cá nhân, thiếu gia sinh cuối năm 1984 này thường đăng hình ảnh ngồi trên xe sang, cầm hai điện thoại Vertu và Bentley sang trọng. Ông này còn khoe hình rượu và hàng chục xấp tiền USD.
Ngày 19/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chính thức gửi thông báo đến chính quyền ở Cà Mau về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam Tô Công Lý về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Thiếu gia này bị cáo buộc lợi dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 04/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường để lập hồ sơ thanh toán, chiếm đoạt tiền Nhà nước tại một số hạng mục xây dựng.
Tô Công Lý là con trai duy nhất của đại gia điện gió Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý, vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng. Trong đó, ông Lý chiếm 29,88% (433,3 tỷ đồng), còn lại trên 1.016 tỷ đồng thuộc về người cha.
Công ty Công Lý là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau và Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia dự án Nhà máy điện gió Công Lý Sóc Trăng giai đoạn 1 (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng) và giai đoạn 3 Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu làm chủ đầu tư). Tổng vốn đầu tư các dự án này lên trên 24.700 tỷ đồng.
(Theo Zing)