Mùa thu năm nay, các cô gái trẻ ở tỉnh Quảng Đông, phía nam
Trung Quốc sẽ được học một môn mới ở trường: làm thế nào để tránh trở thành kẻ
thứ 3, hoặc thành bồ nhí.
Trong vài năm gần đây, quá trình cải tổ kinh tế đã giúp Quảng Đông trở thành một trong những vùng giàu nhất nước và cũng khiến tỉnh này gặp phiền toái với cơn lũ "bầu vú thứ 2" hay còn gọi là bồ nhí.
Năm 2007, Quảng Đông thông qua một đạo luật coi việc có bồ nhí là phạm pháp song không thực thi được luật này. Giải pháp mới của chính quyền tỉnh là thực hiện thí điểm "chương trình giáo dục phụ nữ" khắp các trường tiểu học và trung học nhằm giáo dục các em gái tự đứng trên chính chân mình thay vì dựa vào những ông bố ngọt ngào trong việc hướng về tương lai.
"Chương trình sẽ tập trung vào sự tự trọng, tự tin, tự lực và tự trau dồi", Lei Yulan, phó tỉnh trưởng Quảng Đông phát biểu tại một hội nghị chuyên đề khi sáng kiến trên được công bố vào tháng 3.
Tuy nhiên, Li Yinhe, một nhà nghiên cứu tại Viện Xã hội học thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nói, chỉ riêng giáo dục sẽ không thể giải quyết vấn đề đã ăn sâu vào văn hoá Trung Quốc. "Đó là phong tục xã hội và ai cũng biết đã là phong tục thì rất khó để thay đổi". Theo ông Li, "trong xã hội cổ truyền, mọi người tin rằng càng nhiều vợ thì càng chứng tỏ đó là một người đàn ông thành công. Hiện giờ, truyền thống lại phát triển".
Trong suốt lịch sử vương triều Trung Quốc, một người đàn ông có thê thiếp không chỉ được thông cảm mà thực chất còn được sự chấp thuận chính thức của người cao nhất. Hoàng đế Trung Quốc từng duy trì một hậu cung lớn và các thương gia giàu có, những nhân vật quyền quý cũng tìm cách nâng vị thế xã hội bằng cách có nhiều thê thiếp.
Hiện nay, trong xã hội đói địa vị, việc có bồ nhí lại một lần nữa trở thành mốt. Tại một số thành phố, một hệ thống khép kín đã nở rộ để hỗ trợ cho ngành công nghiệp bồ nhí.
Kết quả một cuộc khảo sát trên mạng mới đây cho thấy, một công ty chuyên cung cấp bồ nhí ở Thượng Hải đã cung cấp một danh sách các cô bồ nhí là sinh viên đại học hoặc cao đẳng cho những nam giới sẵn sàng chi tiền. Phí hàng năm với một cô là sinh viên ở trường không nổi tiếng là 3.000 USD và những cô ở trường học danh tiếng là 26.000 USD.
Ở Trung Quốc hiện nay, việc tìm kiếm đối tác để yêu đương thường không phải xuất phát từ tình yêu mà thường dính tới vấn đề tài chính. "Tôi thà ngồi khóc trên xe BMW còn hơn là ngồi cười sau yên xe đạp" đang là quan điểm chung của một bộ phận những cô gái trẻ khi họ tìm kiếm người yêu giàu có. Trên các trang hẹn hò qua mạng, phụ nữ không chỉ có thể tìm người yêu tương lai có chung sở thích, mối quan tâm mà còn có thể lựa chọn liệu họ cần đối tác tương lai có nhà, có xe hay không và mức lương tối thiểu như thế nào.
- Hoài Linh (Theo Time)