Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các ca bệnh nặng tay chân miệng trên địa bàn. Các bệnh viện nhi trên đã sẵn sàng trang thiết bị, điều trị lọc máu, ECMO... và thuốc men theo phác đồ.

Đồng thời, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Văn bản được gửi đi nhằm chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở TP.HCM diễn tiến phức tạp. 

Theo tìm hiểu, thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch dùng để điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng từ độ 2B và chuyển nặng hơn. Thuốc này hiện thiếu không riêng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 mà hầu như thiếu trên cả nước. Các bác sĩ buộc phải chuyển sang phương án dùng thuốc dạng uống nhưng hiệu quả không bằng thuốc dạng dịch truyền. 

Một bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: GL.

Một nguồn tin cho hay, từ 2-3 năm trước, tình trạng khan hiếm thuốc này đã được cảnh báo, các bệnh viện đã san sẻ cho nhau để sử dụng. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, năm nay có thể là một mùa bệnh tay chân miệng căng thẳng.

Kết quả giải trình tự gene ở một số ca bệnh cho thấy Enterovirus 71 (EV71) đã trở lại. Đây là tình huống rất đáng ngại vì EV71 là chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng, dễ biến chứng ở trẻ nhỏ. Tối 31/5, một bé trai 5 tuổi do bệnh viện tỉnh chuyển lên đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nghi ngờ do tay chân miệng độ 4. 

Trong 5 tháng qua, bệnh viện này đã tiếp nhận 1.349 lượt khám ngoại trú, 158 trẻ điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Đến hiện tại, thống kê cho thấy số lượng trẻ mắc tay chân miệng không tăng so với năm 2022 nhưng số ca nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022. 

Các chuyên gia cho rằng, bệnh tay chân miệng năm nay "căng thẳng" có thể do sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71, hiện tượng nhân viên y tế “quên bài” hoặc phụ huynh chủ quan đưa trẻ đến viện trễ…