- "Những tỉnh, thành nào năm nay không đạt số thu, không đạt chỉ tiêu Hội đồng nhân dân giao thì phải liệu cơm gắp mắm, giảm chi đi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Đó là chỉ đạo căn cơ về công tác lập dự toán thu - chi mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính hôm 2/7.
Tỉnh bội chi, trung ương không có bù
Hiện nay, có tới 50 tỉnh thành đang được Ngân sách Trung ương "rót" tiền hàng năm để chi tiêu, chỉ 13 tỉnh thành khác có tiền nộp về ngân sách Trung ương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ: "Phải quán triệt nguyên tắc tăng thu để tăng chi, kể cả trong lập dự toán và trong điều hành. Sau khi giao dự toán rồi, các tỉnh bao giờ cũng phải tính thu thêm để phục vụ cho chi. ví dụ như nguyên tắc thu từ sản xuất kinh doanh ít nhất tăng từ 14-16%. Còn chi thì phải chi trong khả năng cho phép".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. |
"Tôi đề nghị những tỉnh năm nay khả năng không đạt số thu hoặc có đạt nhưng số thu không đạt chỉ tiêu Hội đồng nhân dân giao thì phải phải liệu cơm gắp mắm, điều chỉnh giảm chi đi", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tường nhấn mạnh: "Bây giờ, giá dầu giảm, ngân sách trung ương hụt, không có nhiều đâu mà hỗ trợ các địa phương như trước. Chứ nếu không, giờ đã có dự toán chi, các đồng chí cứ chi hết đi, bội chi ngân sách địa phương tăng lên, rồi bắt đầu lại chay về Trung ương để hỗ trợ, Trung ương không có đâu mà bù".
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm nay, tình trạng ngân sách Trung ương thiếu hụt, ngân sách địa phương 'no ấm' vẫn diễn ra như năm 2015.
Ước hết tháng 6 năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 467,8 nghìn tỷ đồng, mới bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2015, là mức tăng thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, trong số này, thu ngân sách Trung ương đạt thấp, chỉ đạt 42% dự toán năm trong khi thu ngân sách địa phương lại đạt khá, khoảng 55% dự toán năm. Ngoài lý do giá dầu thô giảm, túi tiền Trung ương năm này còn bị ảnh hưởng lớn từ việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do.
Mặc dù eo hẹp như vậy, nhưng gánh nặng chi của trung ương lại lớn. Theo dự toán năm nay, ngân sách Trung ương phải cân đối điều tiết về cho ngân sách địa phương hơn 96.500 tỷ đồng. Thanh Hoá là tỉnh nghèo nhất nước khi Ngân sách Trung ương sẽ phải "rót" xuống hơn 6.000 tỷ đồng, kế đến là Nghệ An được nhận hơn 5.300 tỷ đồng, Hà Tĩnh được rót hơn 3.800 tỷ, Thừa Thiên Huế được rót về hơn 3.600 tỷ đồng...
Hai tỉnh từng mang tiếng "vỡ nợ" là Bạc Liêu cũng được hoạnh định sẽ được 1.080 tỷ đồng và Cà Mau nhận hơn 500 tỷ đồng nguồn từ trung ương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Dự địa cắt giảm chi còn nhiều lắm. Có nhiều khoản chi vô bổ, nhất là các khoản chi gián tiếp như khánh tiết, hội nghị, đi nước ngoài... phải được rà soát, cắt giảm thiết thực, nâng cao hiệu quả các khoản chi lên".
Không để lợi ích nhóm xen vào
Trong bối cảnh thiếu hụt như vậy, tăng thu từ đâu là câu hỏi hóc búa. Phó Thủ tướng phân tích, nếu chính sách tăng thu đi vào con đường tăng tỷ lệ huy động thì không ổn.
Ước hết tháng 6 năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 467,8 nghìn tỷ đồng. |
Phó Thủ tướng cho rằng, chính sách thu của ngành thuế và hải quan phải được rà soát lại. Ngoài những giải pháp "cẩm nang truyền thống" như: chống gian lận, chống thất thu nợ đọng, tăng thuế tài nguyên... thì thuế nội địa phải tích cực mở rộng cơ sở thuế.
Cụ thể, đó là việc phải xem lại thuế khoán với mục tiêu nâng các hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp, đảm bảo việc nộp thuế bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Kế đến là ở lĩnh vực hải quan với một trong các vấn đề lớn là giá tính thuế, phải tăng cường quản lý ở các cửa khẩu nhập khẩu và phải có đề án đánh giá sâu sắc về việc này.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý: "Trong chống gian lận thuế và tiêu cực về thuế thì phải rà soát các quy định và thực thi về chính sách miễn, giảm, giãn hoàn thuế. Không để lợi ích nhóm xen vào đây".
Theo ông, trong chính sách thu hiện nay, nếu sửa đổi không phù hợp thì sẽ thành đẽo cày giữa đường.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh nguyên tắc, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng của mình để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh... và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
Trường hợp dự kiến thu giảm so dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý. Ngân sách Trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu.
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2016 Quốc hội quyết định là 1.014,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện thu NSNN 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Dự toán chi cân đối NSNN năm 2016 Quốc hội quyết định là 1.273,2 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện chi 6 tháng đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. |
Phạm Huyền