Trên trang cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Khi nghe họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, cháu của nhà văn thông báo, tự nhiên trong tôi hiện lên một vùng cỏ non mênh mông. Có lẽ bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã hằn sâu trong ký ức tôi là tác phẩm Cỏ non được trích trong sách giáo khoa hồi tôi còn đang đi học. 

Hồ Phương là một người lính. Ngay từ tháng 12/1946 ông đã gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu rồi vào quân đội, trở thành 'Chiến sĩ Quyết tử' của Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lịch sử trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội, Đại đoàn 308 sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng. 

Và trong những bước đi của một người lính, ông đã trở thành nhà văn với những tác phẩm nổi tiếng như: Thư nhà, Lá cờ chuẩn đỏ thắm, Cỏ non, Kan Lịch, Những tầm cao, Biển gọi, Chúng tôi ở Cồn Cỏ và nhiều tác phẩm khác. 

Lúc nào nghĩ đến ông là trong tôi hiện lên một vùng cỏ non da diết và bất tận với nụ cười đôn hậu của ông. Và với tôi, ông không bay về trời. Ông ở lại mặt đất này trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời. 

Xin cúi đầu tiễn biệt ông: người lính Hồ Phương, nhà văn Hồ Phương".

thieu tuong hp 1.jpg
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930 tại Hà Đông, Hà Nội. 

Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi. Năm 1949 ông phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội là báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308.

Từ năm 1955 ông về Tổng cục Chính trị, là thành viên tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957. Nhà văn Hồ Phương từng giữ chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1990 ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Hiện nay ông là Chủ nhiệm Hội văn nghệ sĩ Xứ Đoài. 

Một số giải thưởng của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương:

Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ 1958 cho tác phẩm Cỏ non.
Giải thưởng văn học Thủ đô 1983 cho tác phẩm Những tầm cao.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – Bộ Công an với tác phẩm Yêu tinh (2001).
Giải thưởng UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam với tác phẩm Ngàn dâu (2003).
Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2000.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Ngàn dâu, Những cánh rừng lá đỏ.