Thời các chương trình truyền hình thực tế nở rộ thì các ban tổ chức cũng vì thế mà đau đầu tìm kiếm giám khảo tham gia chương trình. Giám khảo được săn đón đều thường là "sao" nên giá cũng cao vời. Cách họ khen chê cũng có nhiều điều đáng nói.
Bộ tứ huấn luyện viên của Giọng hát Việt - Ảnh: T.T.D.
Gần đây nhất, trong đêm thi trực tiếp truyền hình đầu tiên của Giọng hát Việt diễn ra tối 23-9, các huấn luyện viên (cũng là giám khảo ở những vòng trước) đã không tiếc lời có cánh, thí sinh nào cũng được khen "tuyệt vời", "hoàn hảo", "rất hay", "làm rung động trái tim tôi"... Nếu không nghe thí sinh hát mà cứ nghe huấn luyện viên - giám khảo "hát" thì có lẽ khán giả sẽ nghĩ rằng mình vừa bỏ lỡ màn trình diễn của những ca sĩ hàng đầu thế giới!
"Điểm danh" phong cách giám khảo
Giám khảo "đường mật": luôn luôn hào phóng lời khen, khen không tiếc lời, đến mức khán giả xem truyền hình lắm lúc thấy đỏ mặt. Cũng trong chương trình Giọng hát Việt, không ít lần khán giả đợi chờ những nhận xét mang tính phân tích về chuyên môn, về chỗ hay chỗ kém của thí sinh thì họ chỉ toàn nghe những lời đường mật - mà có lúc cứ như đường hóa học vì nhiều phần... xa sự thật!
Sự hào phóng lời khen đã khiến không ít người xem ngán ngẩm các huấn luyện viên. Hồ Ngọc Hà hẳn đã phải nghĩ lại về lời xưng tụng một thí sinh là Taylor Swift Việt vì ngay vòng trực tiếp đầu tiên, thí sinh này đã để lộ tất cả điểm yếu của cô: phát âm không chuẩn, giọng yếu, chênh và phô... Thế nhưng kỳ lạ là các huấn luyện viên được mời nhận xét vẫn... khen là chính!
Giám khảo "tiêu ớt": những giám khảo này thuộc trường phái thích chê, gì cũng chê, thái độ và lời nói... cay như ớt. Tiêu biểu cho phong cách giám khảo này có thể tìm thấy trong chương trình Vietnam’s Next Top Model. Một vài vị giám khảo thường hay có những nhận xét như "tát nước vào mặt", chê bai không tiếc lời và thậm chí có phần gây tổn thương cho thí sinh.
Xuân Lan ở những tập đầu luôn có gương mặt và giọng nói mà một số thành viên trên Facebook gọi là "mẹ Cám" hay "bà Quảng Thị Kim Hoa". Nét mặt khó đăm đăm, lời nói cụt ngủn đuổi thí sinh ra khỏi phòng chụp ảnh của giám khảo hay đôi mắt lườm nguýt, những câu nói có phần đay nghiến, đôi khi bất nhã kiểu "khá khen cho em" đã khiến không ít khán giả thấy... khó chịu!
Giám khảo "góp mặt cho vui".
Trong hai cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ có không ít giám khảo luân phiên được mời là những người nổi tiếng nhưng không có chuyên môn về... nhảy hoặc hát. Khán giả rất dễ nghe những lời nhận xét rất cảm tính, mơ hồ và những con điểm cũng chung chung không kém. Giám khảo Hồ Hoài Anh từng phát biểu thật thà và dễ thương trước khi nhận xét rằng: "Tôi thì tôi không có chuyên môn về khiêu vũ nhưng...".
Và không chỉ có Hồ Hoài Anh, nhiều nghệ sĩ ở các ngành khác cũng được mời chấm hai cuộc thi hát và nhảy này. Vì thế đã xuất hiện những con điểm thật là... lạ! Có giám khảo từng làm không ít khán giả ngã bổ chửng khi anh cho một thí sinh điểm 9 vì lý do cô từng là nguồn cảm hứng sáng tác một ca khúc nhạc nền phim truyền hình! Nhiều người yêu mến nhạc sĩ này đã thở phào khi anh quyết định rời ghế giám khảo!
Giá và giá trị, ảo và thật
Cái giá mà ban tổ chức trả cho các vị giám khảo nổi tiếng, các "ngôi sao" hẳn là không hề thấp chút nào. Những "ngôi sao" tham gia ngồi ghế giám khảo ngoài tiền thù lao còn có thêm một "giá trị thặng dư" khác là tên tuổi liên tục được nhắc đến trước hàng triệu triệu khán giả.
Thế nhưng, cứ thử nhìn lại mà xem, những giá trị mà cá nhân nghệ sĩ, ngôi sao - với tư cách giám khảo - đã để lại cho khán giả xem truyền hình là gì? Những lời nhận xét ngọt ngào, những lời khen có cánh khiến người xem hoang mang không biết thí sinh có tài thật hay không, rồi có khi họ lại tự trách mình: "Ơ, Việt Nam có quá nhiều thiên tài ca hát như thế mà mình không biết à"... Sự nhầm lẫn ấy mới ngây thơ và chết người làm sao... Những giám khảo "mắng cho nó nên người" thì lại làm cho không ít khán giả là phụ huynh phải chạnh lòng.
Bác Nguyễn Văn Thắng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: "Tại sao con người ta đi giày không vừa cũng mắng, con gái người ta khóc cũng mắng sa sả vào mặt như thế? Tôi có con thì tôi không cho thi chương trình này đâu". Trao đổi riêng với thí sinh của cuộc thi người mẫu nói trên, một bạn giấu tên nói: "Thật ra chị Xuân Lan cũng rất tốt với tụi em, có đứa nào bị cái gì là chị ấy quan tâm lắm nhưng cái cách của chị ấy là như vậy...". Khổ cho giám khảo Xuân Lan, cái tốt thì chỉ thí sinh thấy nhưng những lời nói dằn hắt, cụt ngủn kiểu "em đi ra khỏi phòng ngay cho tôi" thì cả nước thấy!
Với những giám khảo "góp mặt cho vui" thì giá trị họ cống hiến cho người xem truyền hình càng khó thấy hơn. Vì khán giả xem truyền hình phần lớn không có kiến thức chuyên môn để đánh giá xem thí sinh như thế là hay hay dở nên họ ít nhiều trông đợi những nhận xét khuôn vàng thước ngọc của giám khảo để bổ sung kiến thức nâng tầm thẩm mỹ của mình lên. Thế nhưng, việc sử dụng giám khảo ngoại đạo, không có kiến thức đủ sâu về chuyên môn đã khiến lời của giám khảo nhiều lúc như đùa! Chỉ góp mặt cho vui là chính!
Không ít nghệ sĩ, đạo diễn, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ sau thời gian "hành nghề" giám khảo đã "đi chỗ khác chơi" vì hiểu mình không phù hợp ở chốn thị phi ồn ào để khán giả cũng chấm điểm mình như mình đang chấm điểm thí sinh. Cũng có người hiểu rằng mình không phải là ông/bà "Biết Tuốt" cứ ngồi ghế giám khảo là phán cho sướng miệng. Nhưng ai cũng tỉnh táo, cẩn trọng như thế thì lấy ai ngồi ghế giám khảo giữa thời... nóng ghế giám khảo. Thế nên, nhiều khi khán giả chỉ còn biết im lặng thở dài.
Theo Tuổi Trẻ