Đến Công ty Yến sào Khánh Hòa, hỏi thăm anh Võ Văn Cam - Đội trưởng Đội Kỹ thuật, mọi người đều nhắc về anh với lòng quý mến bởi anh không chỉ giỏi nghề mà còn có lối sống giản dị, luôn quan tâm đến đồng nghiệp.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghề khai thác yến sào, mới chớm tuổi thanh niên đã theo cha ra đảo thu hoạch yến nên những câu chuyện về nghề yến... không hề xa lạ với anh Cam.

{keywords}

Ông Võ Văn Cam (thứ hai từ trái qua) thay mặt Công đoàn Công ty Yến sào Khánh Hòa tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng

Theo anh Cam, nghề khai thác yến sào rất vất vả, hiểm nguy. Ở những hang rộng, người ta thường làm giàn như kiểu giàn giáo xây dựng mà dân trong nghề gọi là “giăng”. Với những tổ yến ở vách đá không cao lắm, người ta thường dùng một cây tre để leo lên hái tổ, dân trong nghề gọi là “đi cội”. Cây tre “đi cội” phải thẳng và có nhánh để có thể bám và leo lên. Người “đi cội” phải nhớ ở hang nào, vị trí nào thì dùng bao nhiêu cội, kích thước bao nhiêu để vừa tầm hái tổ yến.

Với vai trò Đội trưởng Đội Kỹ thuật kiêm Trưởng Ban Kiểm tra hang yến, anh Cam chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra giăng, cội trong các hang yến; kiểm tra vật tư, lên dự trù vật tư dụng cụ khai thác yến sào.

“Nghề khai thác yến rất nguy hiểm, vì thế mình phải tính toán, đóng giăng sao cho chắc chắn đảm bảo an toàn, thuận lợi cho công nhân kiểm tra hang và khai thác tổ yến. Anh em làm việc trên những vách đá cheo leo, chỉ cần một sơ suất, sai sót nhỏ trong việc đóng giăng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”, anh Cam tâm sự.

Hơn 30 năm trong nghề, hơn ai hết anh Cam thấu hiểu nỗi vất vả, hiểm nguy của người làm nghề khai thác tổ yến. Vì vậy, anh thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi để cải tiến kỹ thuật khai thác.

Trong việc làm giàn giáo khai thác tổ yến, anh Cam cùng anh em trong đội kỹ thuật đã có một số đổi mới như khoan vách đá cấy Inox vào để khóa các cây cội tre dựng giàn khai thác và bỏ sàn rộng để hoạt động khai thác tổ yến được thuận lợi, công tác an toàn lao động trong khai thác yến sào được đảm bảo. Việc cấy Inox vào vách đá tạo lối vào hang yến khi có sóng to, chủ động trong việc kiểm tra hang yến và khai thác tổ yến.

Ngoài ra, anh còn có sáng kiến thay đổi đóng giăng bằng tre ở những dầm mái che mưa, nắng, gió bằng những dầm kim loại Inox, tạo độ vững chắc hơn để cho đàn chim yến trú ẩn vào mùa sóng to và tạo thêm nhiều vị trí làm tổ cho chim...

Bên cạnh đảm bảo về kỹ thuật, anh Cam còn lên kế hoạch chắn lưới chống tổ yến bị chảy (rơi) do nóng; làm hệ thống nước tạo độ ẩm cho các hang có tổ yến bị nóng dộp; chống chảy ở các hang yến bị ảnh hưởng bởi sóng to.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, 5 năm qua, anh Cam đã tham mưu cho lãnh đạo Công ty Yến sào Khánh Hòa về kế hoạch khai thác tổ yến đúng thời gian từng hang đảo; tổ chức phân công phù hợp từng thành viên trong Đội Khai thác. Nhờ đó, việc thu hoạch tổ yến đạt kết quả cao: các tổ yến không bị bỏ sót, chất lượng được đảm bảo; nhất là công tác an toàn lao động trong công việc.

Những năm gần đây, khi Công ty Yến sào Khánh Hòa mở rộng vùng bảo vệ, khai thác đảo yến ra các tỉnh, công việc của anh Cam ngày càng nhiều hơn. Anh cùng lãnh đạo công ty thường xuyên đi khảo sát các đảo yến ở nhiều địa phương trong cả nước, lập kế hoạch bảo vệ đàn chim yến để có hướng khai thác lâu dài.

“Để hoàn thành nhiệm vụ, bản thân tôi phải rèn luyện để có sức khỏe tốt, chịu được khó khăn vất vả trong công việc vì phải thường xuyên hoạt động trên biển, phải kiểm tra hang yến trong mọi thời tiết”, anh Cam chia sẻ.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, với vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, anh còn thường xuyên động viên, nhắc nhở anh em vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của anh em để phản ánh kịp thời lên lãnh đạo công ty...

Với những đóng góp tích cực trong công việc, 5 năm liền anh Cam được Công ty Yến sào Khánh Hòa tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2010 và 2012.

(Theo Báo Khánh Hòa)