- Chợ Long Biên bao nhiêu tuổi gánh hàng của một số người dân cũng từng ấy năm. Bởi vậy, trước thông tin không xóa bỏ chợ Long Biên, những con người cả cuộc đời mưu sinh gắn với khu chợ này đã thở phào nhẹ nhõm.
Một đời bám chợ
“Chợ đóng cửa tôi lấy gì mà sống. Hầu như những người ở đây đều một gánh hàng nuôi cả gia đình ở quê”, chị Liễu (Hưng Yên) mở đầu câu chuyện bằng một lời khẳng định.
Với quán nước nhỏ ở chợ Long Biên chị tự hào cho biết: “Ấm nước trà, nước vối nho nhở thế này thôi mà tôi nuôi cả gia đình”.
Hoàn cảnh người phụ nữ này cũng khá đặc biệt. Ngày nhỏ trong một cơn sốt cao dẫn đến co giật khiến chị bị liệt một chân. Chị đi lại không được như người bình thường.
Lấy chồng sớm, nhưng khi đã có 2 con, người chồng không chịu nổi cảnh túng quẫn bỏ nhà ra đi. Một mình chị gồng gánh nuôi con với hàng trăm thứ nghề.
“Làng tôi ngày xưa có nghề thủ công làm mũ nón nhưng rồi nghề chết. Tôi đi bán báo cũng ngót 20 năm nhưng giờ báo giấy càng ngày càng bán khó tôi chuyển qua một buổi bán báo, buổi chiều thì bán nước ở chợ này. Kinh tế cũng khá hơn một chút”, chị chia sẻ.
Phòng trọ của chị ở Phúc Xá, Ba Đình với 1,2 triệu/tháng dành cho 3 người ở. Những người ở cùng chị cũng là dân buôn hoa quả rong, người bán tôm cá ở chợ.
Câu chuyện ngắt quãng khi một vài người gọi nước. Chị lại đi cà nhắc mang theo ca nước đưa đến tận nơi cho vài hàng quán trong chợ. Chợ Long Biên buổi ngày khá đìu hiu, nhiều người ngủ để lấy sức cho đêm làm việc. Dăm ba người nữa túm tụm lại ngả chiếu đánh bài. Nắng nóng, oi bức thỉnh thoảng họ lại gọi nước của chị Liễu.
Một anh xe ôm ở chợ Long Biên bảo: “Hoàn cảnh của chị ấy khó khăn lắm, nhiều lúc những người buôn bán xung quanh khi ít việc cũng đưa nước cho khách giúp chị ấy”.
|
Gánh hàng phở đơn giản giúp chị Nguyệt nuôi cả gia đình |
Cũng cảnh không chồng nuôi con, chị Nguyệt (Ninh Bình) mưu sinh ở chợ Long Biên với gánh bún phở, kể: “Tôi lên Hà Nội khi mới 16 tuổi làm đủ nghề rồi chuyển sang lăn lộn ở chợ Long Biên này. Chợ bao nhiêu tuổi thì gánh bún của tôi bấy nhiêu năm, cũng phải hơn 25 năm rồi”.
Năm 20 tuổi chị lấy chồng, hai vợ chồng bán hàng rong. Chồng mất vì bệnh tật, người đàn bà này lại đơn độc nuôi 2 con. Chị đi bán từ sáng cho đến chiều. Khách của chị là những người bán hoa quả rong, xe ôm, cửu vạn…nên bán bún của chị cũng chỉ có giá 12-15 nghìn.
“Hàng chục năm kiếm sống ở đây, chợ Long Biên như ngôi nhà thứ 2 của tôi. Khi biết tin chợ phải xóa bỏ chúng tôi không ai tin bởi xóa chợ thì hàng trăm con người ở đây lấy gì để nuôi mình, nuôi gia đình?”, chị Nguyệt nói.
'20 nghìn tiền thịt, chia làm mấy bữa'
Chị Xuyên (SN 1960, Hưng Yên) đang buổi ế khách ngồi than thở: “Nồi chè đỗ đen với mấy chai nước ngọt này mà nuôi cả gia đình tôi. Mỗi bán chè giá 5 nghìn, một nồi được khoảng 25 bát. Bán hết mỗi hôm tôi lời được từ 60 – 100 nghìn”.
Chị Xuyên cho biết: "Nhờ nồi chè đỗ đen mà tôi vẫn nuôi chồng bị bệnh, con học và trả nợ ở quê" |
Chị quê ở Hưng Yên, 2 vợ chồng vẫn còn 5 sào ruộng ở quê. Những ngày hết mùa chị lên chợ Long Biên làm thuê.
"Tôi lấy chồng nhưng không được nhờ chồng. Ngày trẻ ông ấy suốt ngày rượu chè, đánh vợ không tu chí làm ăn. Hơn 1 năm nay ông ấy lại bị bệnh xơ gan, từ uống rượu lại chuyển qua uống thuốc. Mỗi tháng 2 chén thuốc bắc mất 4 triệu, thêm tiền đi lại, ăn uống bồi bổ cho người bệnh cũng lên đến cả 5 triệu”, chị kể.
Hằng ngày, chị dậy từ 3h sáng bất kể dù mùa đông hay hè để bưng phở thuê cho hàng phở. Làm đến 11 giờ trưa chị kiếm được 120 ngìn/buổi. Chiều chị lại nấu chè, mở sạp nước nhỏ bán thêm.
Chị ở trọ ngay trong chợ. Căn phòng trọ cao điểm có lúc đến 6 người thuê, chỉ trải đủ 1 cái chiếu để ngả lưng vào ban đêm. Trần lợp bro mùa hè rất nóng, chỉ đứng lên đã đụng phải đầu mà bao nhiêu mảnh đời chen chúc.
“Bữa ăn của tôi đơn giản lắm, tôi mang gạo từ quê lên nấu cơm trắng sau đó mua ít rau nấu canh. Hôm nào bán được hàng thì tự thưởng cho mình 20 nghìn tiền thịt, chia làm vài bữa. Nhiều hôm mưa chè ế tôi phải bê nồi về phòng trọ nhờ mấy người bạn trọ ăn giúp”, chị cho biết.
Trừ tiền trọ, ăn uống mỗi tháng chị dành được 4 triệu để gửi về quê cho chồng chữa bệnh. Trong cái đìu hiu của buổi chiều vãn chợ, chị nói: “Cũng không đủ được vì còn nuôi con ăn học. Gần năm nay tôi phải vay mượn thêm. Nhưng dù sao vẫn có việc để có thêm thu nhập chỉ sợ mất chợ, mất việc”.
Trước thông tin chợ Long Biên vẫn được giữ lại, chị nói: "Chợ này tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu mảnh đời. Những người trẻ, khỏe không có chợ này người ta còn tìm các chợ khác để kiếm sống. Chúng tôi già rồi, bao nhiêu năm bám chợ giờ mất chỗ chúng tôi rất khó để tìm việc khác"
Chị nói thêm: "Người dân ở chợ chỉ mong giải quyết được vấn đề ô nhiễm ở đây. Nhiều năm nay, mùi rác thải ảnh hưởng rất lớn đến những người làm ăn sinh sống tại chợ cũng như nhiều hộ dân xung quanh".
N.Trang