- Những động thái gần đây cho thấy chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI sẽ thay đổi theo hướng tạo ra các mức ưu đãi khác nhau cho các loại dự án khác nhau, thay vì cào bằng như lâu nay.

Các tin liên quan

Thành tích tỷ đô và niềm tự hào khó nuốt

Giằng xé phân cấp: Kẻ tiếc người thèm

Tranh cãi từ chuyện một ông lớn

Cho đến nay, ngay cả khi Samsung đã được coi là một điển hình thành công về thu hút FDI nhưng luôn có những tranh luận xung quanh những ưu đãi mà nhà đầu tư này nhận được vẫn đang được tiếp tục.

Phía Samsung thừa nhận họ đã được Chính phủ cho áp dụng ưu đãi “kịch khung” đối với cả hai dự án tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Họ nhận được ưu đãi cao nhất theo luật là được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% mức thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Không chỉ vậy, các dự án của Samsung còn được giảm 50% mức thuế phải nộp trong 3 năm tiếp theo nữa; được miễn thuế xuất nhập khẩu; miễn thuế nhà thầu đối với hình thức nhập khẩu tại chỗ; miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án. Tại dự án Thái Nguyên, nhà đầu tư thậm chí còn được tỉnh hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng cho 100 ha đất mà họ thuê để triển khai xây dựng nhà máy.

Nhóm ý kiến phản đối cho rằng, với ưu đãi như vậy thì hầu như nhà đầu tư không phải chi tiền cho vấn đề đất đai cũng như đóng thuế. Với thời gian ưu đãi thuế lên tới 15 năm, nhiều người thậm chí tự hỏi đến lúc đó liệu những sản phẩm “công nghệ cao” của Samsung có còn làm mưa làm gió trên thị trường. 

{keywords}

15 là khoảng thời gian quá dài cho một chu kỳ phát triển công nghệ và khi đó, các sản phẩm hiện nay của Samsung cũng có thể trở nên lạc hậu như câu chuyện ti vi đèn hình hiện nay. Do đó, chờ đến ngày có thể thu 100% thuế thu nhập doanh nghiệp của Samsung là quá xa.

Ở chiều ngược lại, các ý kiến ủng hộ cho rằng ngay cả khi không tính đến đất đai và thuế, những dự án như Samsung vẫn mang lại nhiều lợi ích. 

Chẳng hạn, tại dự án Samsung Bắc Ninh, hiện tại số lượng lao động đã lên tới 30 ngàn người, chưa kể 80 ngàn lao động khác trong các doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung cũng được hưởng lợi gián tiếp. Hàng ngàn tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” đã được Samsung chi trả cho người lao động và các doanh nghiệp vệ tinh. Số tiền này, được trích từ doanh thu của Samsung, không chỉ giúp giải quyết lao động mà còn hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong việc giải quyết nhu cầu ngoại tệ. 

Hơn nữa, với tư cách một nhà đầu tư “chim mồi”, việc ăn nói với các nhà đầu tư khác trên thế giới, đặc biệt là các TNC, cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn trước.

Samsung đã đạt được các ưu đãi này không hề dễ dàng. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã rất đắn đo trước các đề xuất của nhà đầu tư này, đặc biệt là những vấn đề đụng tới luật. Ngay cả bây giờ, quá trình thương thảo liên quan đến các kế hoạch hoạt động của Samsung vẫn đang được tiếp tục, như trong việc mở một trung tâm nghiên cứu phát triển.

Một lãnh đạo của Samsung thừa nhận, không như sản xuất, trung tâm nghiên cứu phát triển không thể nằm ở tỉnh lẻ mà chắc chắn phải ở Hà Nội, nơi họ có thể tuyển dụng được người tài. Tuy nhiên, với giá thuê đất khá cao, Samsung đang đắn đo?

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhắc lại trường hợp dự án của Nokia mới đây. Vì không quyết đoán ngay từ đầu, Việt Nam đã dùng dằng mãi để rồi cuối cùng cũng… chấp nhận đề xuất của nhà đầu tư. “Nếu đồng ý triển khai sớm chúng ta sẽ được lợi nhiều hơn”, ông Mại nói.

Chính sách sẽ thay đổi

Phát biểu trong Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI mới đây, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn vào triển khai những dự án quan trong, không có cách nào khác là phải thay đổi, bổ sung các chính sách hiện hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, trong chiến lược sắp tới cần “đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ”. 

Để làm được điều đó, rõ ràng không thế áp dụng mặt bằng ưu đãi chung cho tất cả các nhà đầu tư lớn nhỏ.

Những nhà đầu tư như Samsung đã phải mất khá nhiều thời gian để trình lên trình xuống các kiến nghị của mình. Từ thực tế này, các lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn có chính sách ưu đãi rõ ràng hơn để có thể áp dụng chung, thay vì phải đứng ra “xử lý” từng trường hợp riêng lẻ. 

{keywords}

Theo thứ trưởng Đào Quang Thu, trong việc hoàn thiện chính sách tới đây thì “bên cạnh hệ thống ưu đãi chuẩn, cần quy định thêm cơ chế ưu đãi thỏa thuận để áp dụng đối với các dự án đặc thù”. Vẫn theo ông Thu, cơ chế ưu đãi thỏa thuận sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ chuyên ngành.

“Để có cơ sở xem xét, quyết định ưu đãi thỏa thuận một cách rõ ràng, minh bạch, tránh cơ chế “xin cho” cũng như giám sát thực hiện đối với các dự án này, cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về công nghệ cao, giá trị gia tăng, liên kết, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, sử dụng công nghệ xanh, đóng góp cho ngân sách… thay vì chỉ dựa vào tiêu chí lĩnh vực và địa bàn như hiện nay”, ông Thu nói. 

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi chính sách chung được hoàn thiện, các tỉnh thành đã có những cách đi riêng của mình. Tại Bắc Ninh, tới đây tỉnh này sẽ chủ động triển khai thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh. 

Chủ tịch Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, cho biết ngoài những ưu đãi chung, đối với các dự án có quy mô vốn từ 1500 tỷ đồng trở lên và sử dụng công nghệ cao sẽ xem xét hỗ trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 

Yến Thanh