Luôn khát khao mang những nét đẹp văn hóa của Tây Bắc đến với du khách và góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ du lịch tại địa phương, cô gái Thái Lò Kim Tuyến đã từ bỏ bất nhiều ước mơ, dự định tại thủ đô để gây dựng sự nghiệp tại chính mảnh đất quê hương Điện Biên của mình.
Năm 2012, Lò Thị Tuyến thi đỗ Khoa Báo chí trường ĐH KHXH-NV ĐHQG Hà Nội. Những năm đầu học đại học, Tuyến được chị gái cho đi du lịch cùng công ty, đó là chuyến đi Đà Nẵng đầu tiên của cô gái Thái bé nhỏ. Lần đầu tiên được đi du lịch, thấy hướng dẫn viên làm việc năng nổ vô cùng thú vị, tân nhà báo tương lai chỉ nghĩ đơn giản trong đầu “Làm hướng dẫn viên thích ghê, được đi du lịch nhiều nơi, ở khách sạn sang, được ăn nhiều món đặc sản, được nói hay với sự hiểu biết rất rộng, và hơn nhất là còn được trả tiền lương mang về nữa’’.
Cô gái Thái thoát nghèo bằng cách xây dựng du lịch trải nghiệm vùng Tây Bắc. |
Tuyến nuôi ý định sẽ thử làm hướng dẫn viên từ lúc đó và cô đã làm cộng tác viên với vai trò như hướng dẫn viên du lịch của khá nhiều các công ty khác nhau. 4 năm làm hướng dẫn viên, năm 2017 thì bỗng Tuyến cảm thấy khá hụt hẫng. Tốt nghiệp đại học, cô cảm thấy vô cùng chênh vênh.
Cô đã dành ra 5 tháng để đi đây đó, tìm hiểu những công việc ở nhiều vùng khác nhau, cũng thử sức xin làm một số công ty trong lĩnh vực khác. Tuy nhiên, làm được một thời gian cô lại cảm thấy mình “cuồng chân” và lại quay lại với du lịch.
Đầu năm 2018, Tuyến có một quyết định mà ngay cả đối với cá nhân cô cũng vô cùng bất ngờ: Điện Biên mở công ty du lịch. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là, nếu mình tạo ra cái gì đó là của mình thì sẽ phải có trách nhiệm hơn, và tôi về làm du lịch để cống hiến cho nơi chôn rau cắt rốn, tôi muốn làm điều gì đó để khẳng định thêm sự tự hào về Dân tộc Thái Tây Bắc. Thêm vào đó, tôi cũng muốn bà con thôn bản có thêm thu nhập từ việc làm du lịch, bớt khó khăn nghèo đói", Lò Thị Tuyến chia sẻ.
Lò Thị Tuyến nghĩ, tại sao ở nơi phố thị đất chật người đông, cạnh tranh nhau từng chút một để sinh tồn mà Điện Biên quê cô thì vô cùng tiềm năng, cảnh đẹp mà chưa có nhiều người khai thác quảng bá.
Trước khi về quê nhà mở công ty, Tuyến đã có 6 tháng ở tại Phố cổ Hà Nội. Mỗi sáng cô thức dậy, cô đều thấy các loại hình dịch vụ thay đổi theo từng ngày, từng giờ, từng sự kiện. Tuyến đã chú ý đến cách mà họ thay đổi, và thử hình dung rằng nếu mang cách thay đổi này về quê thì liệu có hiệu quả không. Và ngay lập tức, cô bắt tay vào việc, về quê thuê mặt bằng với vị trí trung tâm, chăng bảng biển, làm chương trình tour, kết hợp mở một Hostel nho nhỏ phục vụ khách hàng dạng du lịch bụi khi đến với Điện Biên.
Tuyến nghĩ, mình làm như vậy, vừa tạo công ăn việc làm cho chính bản thân, vừa thể hiện tình yêu quê hương đất nước với chính nơi mình sinh ra, và nữa, cô không giúp gì, không trực tiếp từ thiện cho bà con thôn bản nhưng nếu du lịch phát triển, bà con sẽ bán được những sản phẩm mình làm ra, sản vật địa phương được nhiều người biết tới, kinh tế từ đó mà khấm khá lên.
Tuyến hướng tới khi xây dựng công ty du lịch của mình - xoá đói giảm nghèo bằng con đường văn hoá. |
Nhận thấy nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách vùng miền khác về Tây Bắc càng ngày càng tăng, nhưng dịch vụ tại vùng này lại rất hiếm. Trong khi đó, chất liệu lễ hội để làm du lịch tại địa phương của các dân tộc anh em thiểu số lại rất nhiều, chính vì vậy, Tuyến đã lên kế hoạch thực hiện tour tết Âm lịch gồm các sản phẩm đặc trưng như khám phá lễ hội của người Mông ở “Tiểu Hà Giang” – Tủa Chùa; các chương trình khám phá hang động, tham gia chợ phiên, hòa mình vào các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian và tour xây dựng dành riêng cho các gia đình từ vùng miền khác tới Tây Bắc, yêu mến và muốn trải nghiệm văn hóa vùng núi cao chạy xuyên qua các tỉnh: Phú Thọ, Lào Cai, Sa Pa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo và ngắm nhìn cảnh quan Tây Bắc một cách tổng quát nhất.
Sau hai năm nữa, Tuyến hy vọng có thể xây dựng thành công một khu tái hiện lại nét đặc sắc về văn hóa Dân tộc Thái cổ nhằm bảo tồn và giới thiệu với du khách về những gì mà người Tai Dam xưa đã sinh sống, giới thiệu với du khách về phong tục và văn hóa ẩm thực một cách dễ hiểu nhất nhưng cũng ấn tượng nhất để du khách hiểu được nét đẹp và trân trọng hơn về Văn hóa dân tộc Thái của. Như vậy, bà con nơi đây có nguồn thu nhập ổn định từ việc gìn giữ văn hoá truyền thống, đó cũng chính là cách mà Tuyến hướng tới khi xây dựng công ty du lịch của mình - xoá đói giảm nghèo bằng con đường văn hoá.
Bài: Hà Lệ Yên - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV