- Những mùa phim ồn ào tiếp nối trên rạp chiếu, những dòng người háo hức xếp hàng chờ mua vé, những thông tin quảng cáo len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống…là phần hiện thực dễ nắm bắt của thị trường phim chiếu rạp. Đằng sau những cuộc bùng nổ phòng vé, là cuộc chiến cạnh tranh mạnh mẽ và phức tạp giữa các nhà phát hành và rạp chiếu.

Con số hơn 300 rạp chiếu, theo khảo sát của một công ty dự định đầu tư hệ thống rạp chiếu 3D, còn đang hiện diện trên khắp các tỉnh, thành có thể làm ngạc nhiên bất cứ ai, trừ những người đang chịu trách nhiệm về chúng. Bởi nếu như không sống ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Biên Hòa, Vũng Tàu…, bạn sẽ phải phàn nàn rằng muốn đi xem phim mà không có rạp chiếu. Phần lớn trong số này đang trong tình trạng bị rơi vào lãng quên vì thi thoảng mới đem phim về chiếu, bỏ không vì xuống cấp hoặc cho thụê mướn làm các dịch vụ khác.

Doanh thu “khủng”


Lượng khán giả đến rạp xem phim nhiều nhất trong khoảng từ 12 đến 35 tuổi.

Phác họa bức tranh toàn cảnh như vậy là để thấy mọi quan sát, phân tích các chuyển động đang ngày một mạnh mẽ của thị trường phim chiếu rạp hiện nay đều khu biệt trong phạm vi các thành phố lớn với khoảng trên 100 màn ảnh, thống trị bởi một số hệ thống rạp như Megastar, Galaxy, B.H.D, Saigon Movies Media…Điều đáng nói là chỉ trong vòng 5 năm, 2005 - 2010, thị trường này đã đạt mức tăng trưởng ngoạn mục cả về số rạp chiếu, tổng doanh thu bán vé và lượng khán giả, từ 1,2 triệu USD lên đến khoảng 25 triệu USD, theo số liệu do Megastar công bố. Một số hệ thống cụm rạp được đầu tư lớn, hiện đại như Megastar, Galaxy đã tạo ra được phân khúc thị trường mới, có giá vé cao ngất ngưởng từ 100 – 200 ngàn đồng/ vé, mang lại nhiều lựa chọn cho khán giả.

Xét trên nội dung màn ảnh, thành quả này có sự góp công rất lớn của các phim “bom tấn” Hollywood được nhập về ngày một nhiều hơn và nhanh hơn, thậm chí cùng thời điểm ra mắt ở thị trường Bắc Mỹ như Avatar, Harry Potter, Rô bốt đại chiến…và các phim VN mang tính giải trí thương mại như Cô dâu đại chiến (35 tỷ đồng), 2D và 3D Bóng ma học đường (trên 30 tỷ đồng), Công chúa teen và ngũ hổ tướng (25 tỷ đồng), Cánh đồng bất tận (20 tỷ đồng)… Bằng chứng dễ thấy nhất là doanh thu mùa phim Tết 2011 đạt tăng trưởng gần gấp đôi, ở mức trên 40 tỷ đồng của năm 2010 lên gần 70 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, doanh thu phòng vé bùng nổ trên mặt bằng chung không có nghĩa là tất cả các phim ra rạp đều kiếm được lợi nhuận. Các nhà phát hành vẫn phải vã mồ hôi trong cuộc chiến giành quyền phát hành ở những rạp chiếu tốt nhất, vào những suất chiếu đông khán giả nhất. Đại diện hãng phim B.H.D cho biết, con số chi phí in tráng 1 bản phim để phân phối tới các rạp chỉ chừng 1.000 USD (trên 20 triệu đồng) cho mỗi bản, nên gần như không thành vấn đề với nhà phát hành. Hiện các rạp trên cả nước đang cung cấp khoảng 100 phòng chiếu nhưng số phòng chiếu cao nhất mà B.H.D có thể thương lượng được giờ chiếu, ngày chiếu đến nay chỉ dừng ở con số 30. Rất nhiều phim VN chịu thua thiệt trong cuộc chiến phát hành với các phim ngoại nhập, mà điển hình là Bẫy rồng, Chơi vơi.

Cuộc chiến giữa các nhà phát hành



Các phim “bom tấn” Hollywood góp công rất lớn vào doanh thu “khủng” của màn ảnh.

Một đặc trưng khác khiến sự cạnh tranh giữa các nhà phát hành lẫn các rạp ở VN trở nên khắc nghiệt hơn là: cơ hội doanh thu cho một bộ phim chỉ có thể ở hai tuần đầu công chiếu. Trong khi đó, ở các quốc gia có nền chiếu bóng phát triển, một phim thường đuợc phát hành thành 3 vòng chiếu với chất lượng rạp và mức vé thấp dần từ vòng 1 xuống vòng 3. Chưa kể, các hãng phim, nhà phát hành còn có thêm cơ hội khai thác phim trên truyền hình, bán DVD vài tháng sau khi phim kết thúc trên rạp chiếu. Tuy nhiên, do nạn sao chép lậu nên các doanh nghiệp không có cửa nào để thu được lợi nhuận từ DVD hay truyền hình tại VN.

Lượng phim ngoại nhập với trên 100 phim mỗi năm đã giúp các rạp chiếu duy trì được sinh khí hoạt động thường xuyên. Ước tính, khoảng 70% trong số này là đến từ Hollywood, còn lại từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Lượng phim nội, dù được giới truyền thông ưu ái quảng bá đến khán giả, vẫn còn quá ít ỏi. Con số 11 phim nội ra rạp của năm 2010 và khoảng 20 phim nội sẽ ra mắt trong 2011 vẫn chưa đủ để đáp ứng 20% số buổi chiếu của các rạp theo như quy định của Nghị định 54 của Chính phủ. Điều mà phim Việt làm được trong năm qua là không bó hẹp và dẫm chân lẫn nhau trong mùa phim Tết, mà mở rộng phát hành sang các kỳ nghỉ khác trong năm hoặc ăn theo các sự kiện lớn của đất nước.

Khán giả tăng mạnh nhưng điều ngạc nhiên là số lượng rạp chiếu lại tăng chậm, rạp mới mọc lên chủ yếu là tại các thành phố lớn. Rất nhiều khó khăn về vốn, nghiên cứu thị trường và địa điểm đầu tư… ngăn trở các doanh nghiệp chiếu bóng triển khai một dự án rạp mới. Một đặc thù của ngành chiếu bóng VN là Luật điện ảnh VN quy định nhà phát hành phim phải có rạp chiếu riêng, trong khi các nước đều tách biệt hai khâu này để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng vị thế thống lĩnh về số rạp chiếu hoặc số phim “bom tấn” mang lại doanh thu cao.

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường đến nay vẫn chưa thể có một bảng xếp hạng doanh thu phim ảnh một cách công khai và chính xác, do một đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Các doanh nghiệp thường nêu lý do họ cần giữ bí mật kinh doanh của mình. Bởi không ai có thông tin chính xác về con số lợi nhuận của các nhà phát hành lẫn cách thức làm ăn của họ, nên đến nay, dòng vốn của các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực khác chảy vào thị trường này gần như rất ít. Chưa kể, các nhà đầu tư ở lĩnh vực khác chưa có sự am hiểu văn hóa của từng địa phương.

Người trẻ xem phim đông nhất

Tính chất chưa chuyên nghiệp của ngành chiếu bóng VN còn thể hiện ở chỗ chưa có nhà phát hành, chiếu bóng nào làm được điều tra, khảo sát về khách hàng mà họ phục vụ. Nhận định mang tính chất định tính của nhà phát hành Galaxy nói, lượng khán giả đến rạp xem phim nhiều nhất trong khoảng từ 12 đến 35 tuổi. Thị hiếu chung là thích xem các thể loại phim hành động, hài, tình cảm và phim làm bằng công nghệ 3D vì âm thanh sống động, hình ảnh nổi trung thực. Các thể loại phim bi kịch, chính kịch hay thuộc các đề tài chính trị thì hơi kén khách. Dự báo trong năm tới, do nhu cầu thị hiếu của tầng lớp khán giả trẻ là đa số nên hãng này sẽ chú trọng nhập các thể loại phim hành động, hài và 3D.


Minh Chánh