Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đã đến thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp và tư tưởng pháp quyền buộc phải có cách thức viết Hiến pháp khác, không thể "ôm đồm", "dài dòng" như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật TP HCM, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay nhu cầu sửa Hiến pháp đã có từ nhiều năm, không phải chờ Đại hội Đảng XI mới đặt ra. Hiến pháp hiện hành dù đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2001 vẫn chưa mang tính đồng bộ và vẫn cơ bản theo cách thức, nội dung thể hiện của Hiến pháp 1980.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Hiến pháp hiện hành cơ bản vẫn của thời bao cấp. Ảnh: LAD
Từ đó đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi, nhất là về kinh tế - xã hội. Rất nhiều chủ trương, chính sách lớn đã vượt qua cả những suy nghĩ, quan điểm lúc xây dựng, sửa đổi Hiến pháp trước đây.

Theo Bộ trưởng, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đã có từ giữa nhiệm kỳ Đại hội VII. 20 năm tiếp theo, có lúc thăng trầm nhưng phải khẳng định việc xây dựng nhà nước pháp quyền là "không thể đảo ngược".

"Biểu hiện rất rõ là từ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, lập pháp của Quốc hội cho đến việc làm ăn của người dân, cái gì cũng đã lấy pháp luật làm thước đo. Thậm chí kỷ luật cán bộ mang tính Đảng cao nhất cũng phải tuân thủ luật pháp. Bước chuyển đổi lớn ấy cần được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, chứ không chỉ bằng vài dòng như Hiến pháp hiện hành"
, ông nhấn mạnh.

Với việc Đại hội XI thông qua Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 cơ bản xác định những đường lối, quan điểm chính trị cho đến giữa thế kỷ, nêu rõ chủ trương sửa hiến pháp, Bộ trưởng khẳng định: "Đây là thời điểm chín muồi để sửa đổi Hiến pháp 1992".

Đổi mới chính trị đồng bộ kinh tế

Đề cập nội dung cần được hiến định, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng bao quát nhất là nội dung mà Đảng khẳng định trong văn kiện: "Phải đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế".

Ông cũng nhấn mạnh cơ hội cho lần sửa đổi Hiến pháp này là "hiến định chính xác về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền".

Hiến pháp 1992 sau lần sửa đổi năm 2001 đã bổ sung nội dung về nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước ấy đặt dưới thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền. Đây là vấn đề mà giới nghiên cứu, các nhà lập pháp cần phải tiếp tục giải mã.

Báo cáo chính trị Đại hội XI bổ sung từ "rành mạch", "kiểm soát" vào nội dung "phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Vậy hành pháp, lập pháp, tư pháp thế nào cho "rành mạch" là điều cần làm rõ.

"Hiến pháp hiện hành, như tôi nói, cơ bản vẫn của thời bao cấp, ba quyền đó chưa được phân công rõ lắm, tư pháp là gì vẫn chưa có nhận thức thống nhất. Và phân công thế nào để giám sát, "kiểm soát" được quyền lực dân trao cũng là điều mà lần sửa đổi Hiến pháp tới đây cần giải đáp", ông nói.

Không ôm đồm, dài dòng

Đất nước trải qua gần 20 năm xây dựng nhà nước pháp quyền, theo Bộ trưởng, tư tưởng pháp quyền buộc phải có cách thức viết Hiến pháp khác, không thể "ôm đồm", "dài dòng" như hiện nay.

"Lập pháp đã có bước tiến dài. Hầu hết các lĩnh vực, các khía cạnh của sinh hoạt xã hội đều đã được luật hóa, hoặc chí ít được điều chỉnh bởi nghị định của Chính phủ. Biểu hiện pháp quyền ấy khác hẳn thời kỳ 1980 - 1991, là lúc mà hệ thống pháp luật vô cùng mỏng manh.

Vì vậy, Hiến pháp mới cần thể hiện cô đọng hơn, cơ bản hơn, với từng câu, từng chữ thấm đượm tinh thần pháp quyền, không nhất thiết ngành nào cũng phải "hiện diện" như hiện nay; không bó chân, để rồi đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, tòa án địa phương lại phải "thí điểm" vì sợ trái Hiến pháp
", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông khẳng định sửa đổi chính là trả lại cho nó đúng nhiệm vụ của Hiến pháp. Đảm bảo tính khái quát cao về nội dung và cách thức thể hiện chính là đảm bảo tuổi thọ của Hiến pháp dài hơn, thay vì cứ vài năm lại sửa một lần như thời gian qua.

"Tôi hy vọng Ủy ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp mà Quốc hội thành lập tới đây có được nhận thức thống nhất ấy".

Vai trò Chủ tịch nước

Trong văn kiện Đại hội XI cũng yêu cầu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng nguyên thủ quốc gia… Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay Hiến pháp 1946 và sau đó là Hiến pháp 1959 thể chế hóa vai trò Chủ tịch nước ở vị trí gắn kết quyền lực: Chủ tịch nước ký phê chuẩn bộ trưởng, tham gia phiên họp Chính phủ là quyền hành pháp; ký ban hành luật là lập pháp…

Hiến pháp sau này, Chủ tịch nước có thời kỳ ký bổ nhiệm thẩm phán từ cấp huyện trở lên và giờ thêm trách nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp. Ấy là tham gia vào tư pháp.

"Vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn vị trí gắn kết quyền lực ấy; để Chủ tịch nước thực sự là người đứng đầu Nhà nước cả về đối nội, đối ngoại, là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền. Những nội dung này, trong Đảng đã có lúc bàn về nhất thể hóa Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Tôi nghĩ trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy, Đảng sẽ tiếp tục làm rõ".

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An:

Hiến pháp phải làm rõ ai là chủ đất nước, người chủ đó có những quyền gì. Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói ngay rằng dân làm chủ chứ ai. Đúng. Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước đều khẳng định như vậy... Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946…

GS Đào Trí Úc (ĐH Quốc gia Hà Nội):

Dù Hiến pháp mỗi thời kỳ mang dấu ấn đặc trưng thời đại, nhưng phải tạo được tính chính đáng, phải thể hiện những giá trị xã hội mà toàn dân chấp nhận, thu hút được sự tham gia của nhân dân, người dân phải được phúc quyết Hiến pháp.


L.T tổng hợp