Tối 18/5, Đại hội Võ thuật Tân Cương 2019 diễn ra với tâm điểm là cuộc chiến giữa võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông và Lã Cương, cao thủ Vịnh Xuân. Chỉ trong vòng 47 giây, Từ Hiểu Đông đã hạ gục đối thủ. Trước đó, các võ sư Ngụy Lôi (Thái Cực quyền), Đinh Hạo (Vịnh Xuân quyền) cũng từng bại trận dưới tay của võ sĩ họ Từ.
Dưới video Từ Hiểu Đông giao chiến với Lã Cương, nhiều bình luận ủng hộ võ sĩ MMA đánh bại, “vạch mặt” sự giả dối của võ sư truyền thống Trung Quốc.
Nhiều khán giả khác tiếc nuối khi võ thuật truyền thống thất thế trước MMA. Họ hồi tưởng về những bộ phim tô vẽ võ thuật truyền thống là bất khả xâm phạm. "Nhìn thắng lợi của Từ Hiểu Đông hiện nay lại tiếc nuối thời hô mưa gọi gió của phim võ thuật trước kia", độc giả Sina bình luận.
Điện ảnh Trung Quốc đã tô vẽ đẳng cấp võ thuật quốc gia này. |
Trong quá khứ, dòng phim võ thuật tạo dựng tên tuổi và vị thế trên thị trường điện ảnh Hoa ngữ và châu lục. Các tác phẩm điện ảnh với đề tài võ thuật luôn được công chúng đón nhận rộng rãi. Các môn võ truyền thống cũng nhờ thế luôn được ca tụng tại Trung Quốc.
Một thời làm mưa làm gió của dòng phim võ thuật Trung Quốc
Điện ảnh Hoa ngữ làm nên tên tuổi trên thị trường châu lục nhờ các tác phẩm xoay quanh đề tài võ thuật truyền thống Trung Hoa.
Khởi đầu cho sự phát triển của dòng phim võ thuật là huyền thoại Lý Tiểu Long, với hàng loạt bộ phim ăn khách như Đường sơn đại huynh, Tinh Võ môn, Long tranh hổ đấu, Mãnh Long quá giang, Trò chơi tử thần…
Vào thời điểm ấy, các tác phẩm và khả năng võ thuật của Lý Tiểu Long ít nhiều gây tiếng vang trên thị trường điện ảnh Hoa ngữ và châu Á.
Sau Lý Tiểu Long, những ngôi sao võ thuật liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như Thành Long, Nguyên Hoa, Nguyên Bưu, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo, Dương Tử Quỳnh, Triệu Văn Trác...
Các ngôi sao nói trên đều được đánh giá cao về võ thuật và khả năng diễn xuất, giúp dòng phim võ thuật truyền thống Trung Hoa vang danh châu lục. Những Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Thành Long không chỉ nổi tiếng tại Trung Quốc mà còn “Hollywood tiến” tương đối thành công.
Lý Tiểu Long là người tiên phong cho dòng phim võ thuật Trung Quốc. |
Người hâm mộ phim võ thuật Trung Quốc có nhiều “món ngon” để lựa chọn. Những năm đầu phát triển của dòng phim võ thuật, người xem mê mẩn Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long với những đòn võ nhanh, dứt khoát của huyền thoại họ Lý.
Giai đoạn sau đó, Thành Long thành công xây dựng “đế chế phim hành động hài”, với cách biểu diễn võ thuật một cách hài hước mà hiệu quả trong loạt tác phẩm Kế hoạch A, Câu chuyện cảnh sát, Long huynh hổ đệ...
Một bộ phận khán giả có hứng thú với Vịnh Xuân quyền nhờ các tác phẩm của “cao thủ Vịnh Xuân trên màn ảnh” Nguyên Bưu, series Diệp Vấn do Chân Tử Đan đóng chính.
Bên cạnh đó, những bộ phim xoay quanh đề tài Thiếu Lâm tự cũng từng một thời được đông đảo khán giả yêu thích như Thiếu Lâm tam thập lục phòng, Thiếu Lâm tiểu tử, Nam Bắc Thiếu Lâm, Đội bóng Thiếu Lâm...
Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan là những ngôi sao võ thuật của làng điện ảnh Hoa ngữ. |
Suốt nhiều năm liền, dòng phim võ thuật Trung Quốc được yêu thích vì tính thẩm mỹ trong biểu diễn và kịch bản xây dựng tinh thần thượng võ cho nhân vật chính. Cho đến nay, tác phẩm giữ kỷ lục doanh thu phòng vé của Trung Quốc là Chiến lang - bộ phim thuộc thể loại hành động của ngôi sao võ thuật Ngô Kinh.
Sự lớn mạnh của dòng phim võ thuật khiến một bộ phận khán giả có nhận định sai lầm về võ thuật truyền thống của Trung Quốc. Thực chất, võ thuật truyền thống Trung Hoa chú trọng tính biểu diễn và không được giới trong nghề đánh giá cao về tính thực chiến.
Võ thuật truyền thống không lợi hại như trên màn ảnh
Những năm qua, dòng phim võ thuật đã không còn sức ảnh hưởng như xưa. Khán giả thất vọng với các kịch bản mới thiếu sáng tạo, diễn viên lạm dụng đóng thế. Các ngôi sao võ thuật được mệnh danh là "vua Kung Fu", "cao thủ Thiếu Lâm" đang dần mất chất. Khán giả tiếc nuối sự huy hoàng một thời của phim võ thuật và càng xót xa khi nhận ra sự khác biệt từ phim tới đời thực.
Sự thổi phồng về võ thuật truyền thống Trung Quốc và sự phát triển của dòng phim võ thuật khiến người xem có những nhận định sai lầm. Một bộ phận khán giả đề cao võ thuật truyền thống của Trung Quốc và lầm tưởng rằng những môn võ này khi thực chiến cũng lợi hại như trên màn ảnh.
Đơn cử như Lý Liên Kiệt - ngôi sao võ thuật được đánh giá “sở hữu tốc độ nhanh, lực đánh mạnh, động tác chuẩn” trên phim ảnh. Tuy vậy, các chiêu thức đẹp mắt mà Lý Liên Kiệt phô diễn trên phim được cho là rất khó sử dụng khi chiến đấu thực tế.
Võ thuật cổ truyền Trung Quốc được đánh giá là không có tính thực chiến. |
Những năm gần đây, tỉ thí võ đài kiểu thương nghiệp được xem là tiêu chuẩn để đánh giá khả năng chiến đấu thực sự của một võ sĩ.
Sự phát triển về tư duy, kỹ thuật, phương pháp tập luyện của võ truyền thống không phù hợp để đem lên võ đài giao đấu. Các võ sư truyền thống của Trung Quốc tập võ nhằm nâng cao sức khỏe, các thế võ nặng tính biểu diễn, trong khi kinh nghiệm chiến đấu cũng như khả năng chịu đòn đều không thể so bì với các võ sĩ MMA.
MMA (viết tắt của võ tổng hợp hoặc võ tự do) là môn thể thao mang tính đối kháng toàn diện và có tính thực chiến cao hơn nhiều so với võ cổ truyền Trung Hoa. Khi giao chiến, lối đánh đơn giản và thực dụng là kim chỉ nam, giúp các võ sĩ MMA hạ gục đối thủ nhanh nhất có thể.
Võ thuật Trung Quốc thường tập trung vào quyền cước, còn trong MMA, vật và đánh dưới sàn gần như là những đòn bắt buộc nếu muốn chiếm ưu thế trong các trận so tài. Mang lên bàn cân, MMA vốn đề cao tính thực dụng và hiệu quả đã lấn át võ cổ truyền của Trung Quốc.
Bên cạnh “gã điên” Từ Hiểu Đông, giới võ thuật Trung Hoa cũng từng dậy sóng khi cao thủ thuộc những môn võ cổ truyền bại trận trước võ sĩ hiện đại. Vì lẽ đó, đã có không ít khán giả “vỡ mộng” khi chứng kiến võ thuật truyền thống Trung Hoa vốn lợi hại trên phim lại lép vế hoàn toàn trên sàn đấu ngoài đời.
“Không ai có thể phủ nhận giá trị tuyệt vời của võ thuật Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ là lúc đưa những giá trị ấy vào bảo tàng”, một tài khoản trên Weibo cho biết.
Theo Zing
Phim hot vạn người mê, 'Về nhà đi con' vẫn đầy sạn hài hước
"Về nhà đi con" được yêu thích đến mức từng chi tiết nhỏ cũng được khán giả mang ra bình luận mổ xẻ, thậm chí cãi nhau chỉ vì một hình ảnh trên phim.