-Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước - vừa ra mắt cuối năm 2015. VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc trích đoạn chương 1 của cuốn hồi ký.

Xem phần trước >>

Học hết tiểu học ở trường Vinh, tôi trở về quê Phú Vang giúp đỡ ba má, ông bà làm nông nghiệp. Các anh chị tôi dạy tôi cách trồng khoai, trồng sắn.

Hằng ngày, tôi và chị tôi lội xuống phá Tam Giang lấy cây rong về làm phân và phủ lên luống khoai, luống sắn, rồi gánh nước tưới cho khoai, sắn. Khoai, sắn quê tôi trồng trên cát nên rất ngon, khoai ngọt, sắn bùi, nhiều bột. Anh chị em tôi sống và lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn là chính.

Bá má tôi yêu thương nhau hết mực và tất cả vì con cái, sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng. Ba má tôi luôn dạy con cái phải biết thương yêu, kính trọng mọi người, biết ơn những người giúp đỡ gia đình lúc khó khăn.

{keywords}

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh tại Bộ Tư lệnh miền - khu căn cứ Tà Thiết, năm 1966. Ảnh trong cuốn Hồi ký

Ba má tôi quanh năm làm lụng vất vả, bươn chải để nuôi 9 anh chị em tôi, gồm 2 trai, 7 gái. Tôi là con thứ bảy...

Đến nay, sáu anh chị tôi đã qua đời, chỉ còn tôi và hai em gái Lê Thị Thể (hiện đang sống ở Đà Nẵng) và Lê Thị Xoan (hiện sống ở Huế)...

Hồi đó, sáng sáng ba tôi ăn khoai hoặc sắn luộc, uống nước chè xanh rồi đi làm đồng, trưa về ăn mấy bát cơm độn khoai hoặc sắn rồi ngồi đọc sách chữ Nho. Do tính tình ba tôi cởi mở, hiền hòa nên được bạn bè chòm xóm thường đến nhà tôi trò chuyện vào các buổi tối và những lúc rỗi việc nông...

Má tôi rất cần cù, quanh năm suốt tháng bận việc đồng áng, việc nội trợ gia đình hầu như không lúc nào ngơi tay. Má tôi ít khi kêu ca, phàn nàn điều gì. Có lẽ cuộc sống khó khăn đã rèn luyện cho má tôi đức tính kiên nhẫn. Má thường dạy chúng tôi phải biết kiên trì vượt lên khó khăn và luôn vui vẻ đón nhận khó khăn. Chính tinh nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó của má tôi và người dân quê tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của anh chị em tôi.

Ông bà nuôi coi ba má tôi như con đẻ và yêu quý chúng tôi như cháu ruột của mình...

Khi bố nuôi của ba tôi qua đời, đám tang được tổ chức rất lớn, người dân cả vùng đến đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó, mẹ nuôi của ba tôi cũng qua đời. Ba má và anh chị em tôi sinh sống ở đây một thời gian, rồi gia đình trở về xứ Truồi, làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc phụng dưỡng ba má đẻ.

Các ông cậu bên ông bà ngoại rất quý ba má tôi nên tới thăm luôn và thường ngồi góp chuyện thân tình với xóm giềng. Các ông thích nói "chuyện nước" xưa và nay, về các danh nhân, những người có công với dân, với nước, rồi kể chuyện Phan Đình Phùng, chuyện Phan Bội Châu,.v.v..Tôi tò mò nên cũng chăm chú nghe. Những lúc mọi nguoiwf chuyện trò, bàn luận, ba tôi thường chỉ im lặng. Ông Giảng - cậu tôi - là người theo đạo Cơ Đốc. Có người hỏi ông tại sao theo đạo Cơ Đốc, ông bảo:

- Tôi theo Chúa nhưng đâu có bỏ tổ tiên, ông bà, mà tôi cầu Chúa phù hộ cho ông bà, tổ tiên, vì Chúa là người nhân từ, ưa làm việc thiện, ghét điều ác..

Ông Giảng hay tranh luận với ông Lê Bá Di - cũng là câu tôi, ông Giảng nói:

- Dân ta nghèo là tại Tây. Tây đô hộ, bảo vua ta, chính phủ ta làm gì thì phải làm theo.

Thấy ông giải thích và lý luận như vậy, ba tôi vẫn ngồi im chẳng nói gì. Còn ông Lê Bá Dị thì hay ca ngợi một người có tên Nguyễn Ái Quốc...

Hai ông cậu tranh luận nhau nhưng không gay gắt và không mâu thuẫn. Còn ba tôi thì chỉ ngồi nghe...

Năm 15 tuổi, tôi đi làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ cho một số con cháu của người bà con trong làng, chủ yếu là ở Dưỡng Mong. Ngoài giờ đi làm gia sư, tôi còn đọc báo, đọc sách cho ba má, anh chị em trong gia đình và những người bạn của ba tôi đến chơi cùng nghe, vì ở nông thông, những người ít tuổi mà biết chữ Quốc ngữ, biết tiếng Pháp không nhiều.

Tôi đọc các tờ báo lưu hành công khai lúc bấy giờ như Nhành Lúa, Lao Động, Thời báo, Dân,.. Nhà sách Hương Giang đã phát hành những cuốn sách như Vấn đề dân cày, Đông Dương với vấn đề phòng thủ, Giá trị lao động,...những sách báo này được ông Lê Bá Dị đưa về cho ba má tôi...

Làm gia sự ở làng Dưỡng Mong một thời gian, tôi xin ba má đi làm gia sử ở Huế. Hồi đó Huế là kinh đô của nước An Nam. Huế rất buồn...

Ở thành Huế thời ấy, cảnh phu xe kéo xe tay rất phổ biến và cách kiếm sống lao lực này đã hằn sâu trong trí nhớ tuổi thơ của tôi, đến nỗi hễ nghĩ tới "Huế xư" là cảnh xe kéo lại hiện về. Chỉ làm gia sư ở Huế một thời gian thôi, nhưng Huế đã để lại trong tôi một nỗi buồn trầm mặc.

Đến năm 1935, có những tài liệu nói về nước Nga Xôviết, mặc dù thực dân Pháp cấm không cho lưu hành, nhưng ông Lê Bá Dị và những người bạn của ông vẫn đưa cho tôi đọc. Về Nguyễn Ái Quốc thì chỉ nghe kể chứ không có tài liệu, báo cũng không có, vì bị kiểm soát rất chặt chẽ.

Thời gian này ba tôi thường ngồi trầm ngâm. Thỉnh thoảng ông có đọc thơ, những toàn thơ buồn, rồi ngâm Kiều...

Từ năm 1936 trở đi, tình hình chính trị - xã hội trong và ngoài nước có những chuyển biến quan trọng.

...Tại Thừa Thiên - Huế quê tôi, dạo đó, tài liệu được truyền công khai. Tôi được biết ở Nghệ An, thành Vinh, sau những ngày Xôviết Nghệ - Tĩnh bị đàn áp, phong trào cách mạng cũng lên mạnh. Hội nghị Trung ương tháng 7-1936, quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, dân chủ, hòa bình. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã kịp thời phát động một phong trào đấu tranh rầm rộ khắp các địa phương theo tinh thần và Trung ương đã chỉ ra. Trong tôi lúc đó xuất hiện một khao khát, tuy còn mơ hồ, chưa rõ nét, nhưng nó đang lớn dần. Từ không khí của phong trào dân chủ, sự hiểu biết của tôi cũng được nâng lên rất rõ.

Tôi đọc các tin hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế, Đảng Xã hội Pháp, sau đó là đọc các sách của Mác để tìm hiểu về các ván đề như giai cấp là gì, chủ nghĩa tư bản,...bản dịch của Hải Triều, nhưng đọc nhiều lần vẫn chưa hiểu do trình độ học vấn thấp... Từ việc đọc sách báo, tôi cũng hiểu thêm về Nguyễn Ái Quốc và Mặt trận Bình dân của nước Pháp. Những tài liêu này đã có ảnh hưởng mạnh tới phong trào cách mạng của nước ta.

Với riêng tôi, đã bắt đầu có nhận thức về chính trị - xã hội và cái niềm khao khát làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ quê tôi đặng thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực. Có lần ông Lê Bá Dị bảo tôi:

- Cháu đã được đọc nhiều, cháu có hiểu biết, cháu hãy cố gắng làm việc tốt để giúp gia đình và giúp người dân quê ta.

- Dạ, cháu sẽ cố gắng - Tôi trả lời nhỏ nhẹ.

Bạn bè hàng xóm cùng trang lứa với tôi cũng có nhiều nhưng từ nhỏ tôi chơi thân với anh Hoàng Văn Viễn, anh hơn tôi 3 tuổi, mọi người vẫn gọi anh là Viết. Vì thích đọc sách báo nên tôi hay đến nhà anh. (...) Mỗi lần đọc sách báo cho mọi người nghe, những điều chưa biết hoặc chưa hiểu, tôi thường hỏi ông Di và ông đã giải đáp cho tôi hiểu rồi hướng dẫn tôi cách tuyên truyền bằng sách báo.

(...)Từ chỗ được giao việc đọc sách báo cho dân chúng nghe, tôi được giác ngộ và năm 17 tuổi tôi chính thức giam gia hoạt động cách mạng ở địa phương".

Tiêu đề do VietNamNet đặt lại

Xem thêm: Bức thư đặc biệt của Đại tướng Lê Đức Anh