- Nghe xong báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Y tế, ĐBQH Phạm Đức Châu bình luận “cứ kêu gọi riết không ăn thua, vì thói quen nhận tiền rất khó bỏ”.

>> Bộ trưởng Y tế: Bệnh viện như trại tị nạn

Chiều nay (18/4), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã báo cáo UB Các vấn đề xã hội kết quả thực hiện lời hứa sau kỳ họp QH vừa qua. Nhiều ĐBQH tiếp tục “chất vấn” nữ Bộ trưởng quanh chuyện y đức, quản lý cơ sở khám chữa bệnh tư nhân…

"Kêu gọi riết không ăn thua"

Phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế tại kỳ họp QH vừa rồi “nóng” bởi chuyện y đức bác sĩ. Bộ trưởng đã đưa ra cam kết giải quyết vấn nạn phong bì.

 

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là không thể chỉ kêu gọi... Ảnh: Quang Khánh

Chiều nay, thông báo vắn tắt với UB Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sau một thời gian thực hiện các giải pháp, nhiều bệnh viện đã được khen ngợi bởi không tái diễn tình trạng nhũng nhiễu người nhà bệnh nhân.

Bà Tiến nêu ví dụ, lãnh đạo BV Việt-Đức (Hà Nội), BV ĐH Y Dược TP HCM, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) hoặc BV Đa khoa tỉnh Hà Nam… kiên quyết thực hiện các giải pháp không để xảy ra chuyện vòi vĩnh tiêu cực.

Bộ trưởng cũng trình bày vắn tắt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn đang được áp dụng để chặn đứng vấn nạn phong bì trong ngành y.

Cụ thể, đầu tháng 4, Bộ đã ban hành chỉ thị tăng cường giải pháp thực hiện quy tắc ứng xử nâng cao đạo đức nghề nghiệp tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành y tế cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn y đức cho các lãnh đạo bệnh viện…

Bộ còn ban hành nhiều biện pháp dài hạn như quy định rõ trách nhiệm lãnh đạo các bệnh viện, phòng, khoa… trong thực hiện y đức. Dự kiến sẽ thành lập bộ môn Y đức trong các trường ĐH.

“Chúng tôi cũng đang thực hiện các giải pháp về nhân lực, giảm tải bệnh viện và triển khai thực hiện nhóm giải pháp về chế độ, chính sách cho công chức, viên chức”, bà Tiến cho hay.

Bình luận về các giải pháp trên, Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu cho rằng “cứ kêu gọi riết thì không ăn thua”…

 

{keywords}
Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị Phạm Đức Châu: Chỉ cần giúi vào tay y bác sĩ 50 ngàn đồng là sẽ được ưu tiên... Ảnh: Minh Thăng

Ông Châu khẳng định, thói quen nhận tiền của bất kỳ ai là rất khó bỏ. Có đi khám bệnh mới biết, chỉ cần giúi vào tay y bác sĩ 50 ngàn đồng là sẽ được ưu tiên thay băng vết thương trước, thậm chí được đối xử rất nhẹ nhàng không hề đau đớn. Thậm chí ngay Bộ trưởng Y tế khi trả lời chất vấn trước Quốc hội kỳ họp vừa rồi cũng “toát mồ hôi” khi nói đến chuyện y đức.

Ông Châu đề xuất, Bộ trưởng nên tăng cường đi thực tế kiểm tra và giải quyết một số vụ việc điển hình để tạo ra chuyển biến tích cực hơn. Ngoài ra, nên áp trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo ngành y tế. “Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện đều rất sợ bị mất chức bởi nó ảnh hưởng uy tín”, ông Châu góp ý.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, “đúng là ta không thể chỉ kêu gọi mà phải tiến tới luật hóa vấn đề này bằng các thông tư cụ thể”.

Bà Tiến nói thêm, nhiều bệnh viện đã chủ động lắp đặt camera để theo dõi…

“Đương nhiên để giải quyết vấn đề này không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Đây còn là câu chuyện đạo đức, lòng nhân văn của mỗi người… Nên chúng tôi đã kêu gọi lòng tự trọng của y bác sĩ. Rồi tiến hành các giải pháp đồng bộ khác về cải thiện thu nhập, chế độ lương...”, bà Tiến nói.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bổ sung thêm, ngoài vận động tuyên truyền có lẽ ngành y tế nên tập trung quyết liệt vào một số “ông lớn” có nguồn thu nhiều để tạo ra một số điển hình trong ngành.

Bà Mai cho rằng ngành y vừa qua cũng đã có nhiều việc làm thiết thực và quyết liệt để tạo chuyển biến. Cần động viên để nhân rộng các điển hình này.

Đơn cử, ở BV Chợ Rẫy (TP.HCM), hễ soi đơn thuốc có dấu hiệu bất thường là sẽ phải xem xét lại. Hoặc BV Nhân dân Gia Định cũng đã trở thành một điểm đến tin cậy cho người dân. Ở tuyến trung ương, BV Việt Đức cũng đã làm được điều này.

Thanh tra y tế còn mỏng

Liên quan đến việc chấn chỉnh chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Bộ trưởng Y tế thông tin thêm về kết quả thanh tra, xử lý các cơ sở vi phạm.

Như kết luận của chính ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có 5 vi phạm phổ biến như hành nghề không phép, niêm yết giá một đằng thu tiền một nẻo và bán thuốc không rõ nguồn gốc. Rồi quảng cáo sai, thổi phồng chất lượng… “Đề nghị bộ trưởng cung cấp thêm thông tin về kết quả xử lý sai phạm, địa chỉ cụ thể”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Kim Tiến thừa nhận, sai phạm ở các phòng khám tư nhân vừa qua chủ yếu là tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền. Qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng đã rút giấy phép hoạt động của ba cơ sở khám chữa bệnh (tại Hà Nội và TP.HCM), thậm chí chuyển sang cơ quan hình sự điều tra.

“Nhưng cũng phải thừa nhận là công tác thanh tra chưa được làm thường xuyên. Sở Y tế chỉ có 5 cán bộ thanh tra, phải phụ trách nhiều lĩnh vực, lực lượng lại mỏng”, bà Tiến cho biết.

Chốt phiên họp, lãnh đạo UB Các vấn đề xã hội cho rằng, thời gian từ sau kỳ họp QH cho đến nay mới vỏn vẹn 5 tháng, do đó, cần có thời gian để các giải pháp của ngành y tế phát huy hiệu quả.

Lê Nhung